Cuộc chiến nội - ngoại ở Olympus

Giữa lúc hãng Olympus (Nhật Bản) xính vính trong vụ bê bối gian lận tài chính 1,7 tỷ USD, giới đầu tư ngoại đã tố cáo các nhà băng chủ nợ của Olympus đang âm thầm tìm cách kiểm soát ban quản trị bằng việc cài người vào những vị trí cao nhất.

Giữa lúc hãng Olympus (Nhật Bản) xính vính trong vụ bê bối gian lận tài chính 1,7 tỷ USD, giới đầu tư ngoại đã tố cáo các nhà băng chủ nợ của Olympus đang âm thầm tìm cách kiểm soát ban quản trị bằng việc cài người vào những vị trí cao nhất.

Các nhà đầu tư nước ngoài nhiều lần kêu gọi Olympus cải tổ toàn bộ ban quản trị và chấp nhận đưa người tài (không có liên hệ gì với Olympus, các ngân hàng hoặc cổ đông chính) vào bộ máy lãnh đạo. Tuy nhiên, những yêu cầu này đã bị các ngân hàng lớn của Nhật Bản cản trở.

Thay vào đó, có những dấu hiệu cho thấy các ngân hàng với vai trò đầy quyền lực vừa là cổ đông, vừa là chủ nợ chính của Olympus đang ngấm ngầm thiết lập một công ty nội hóa và bổ nhiệm 1 quan chức ngân hàng cao cấp lên cầm cương Olympus.

Tờ Nikkei cho rằng vị chủ tịch mới rất có thể sẽ đến từ ngân hàng chủ nợ chính Sumitomo Mitsui Banking Corp (SMBC) và giám đốc Hiroyuki Sasa sẽ được đề bạt giữ chức chủ tịch kiêm CEO điều hành Olympus. 2 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất là Southeastern Asset Management và Indus Capital đã bày tỏ lo ngại ban quản trị Olympus chỉ còn độc lập trên danh nghĩa, trong khi sẽ bị kiểm soát bởi các chủ nợ.

Southeastern nhận định đại đa số nhà đầu tư nước ngoài sẽ bác bỏ một ban quản trị bị thao túng như thế, Southeastern sẽ cân nhắc mọi lựa chọn có thể để bảo đảm quyền lợi cho công ty và các khách hàng.

Dù Olympus đã thành lập một ủy ban độc lập để cố vấn về việc đổi mới ban quản trị và vấn đề này sẽ được quyết định trong cuộc họp cổ đông vào ngày 20-4, nhưng vẫn không thể tháo ngòi cuộc chiến ngày càng công khai giữa nhà đầu tư ngoại với các ngân hàng nội trong việc định hình bộ máy lãnh đạo Olympus.

Một giám đốc SMBC khẳng định với địa vị cổ đông chủ chốt, ngân hàng này có quyền đề cử một vị cựu quan chức SMBC vào chiếc ghế CEO Olympus. Các nguồn tin khác nhau cho biết người được SMBC đề cử có thể là cựu Giám đốc Yasuyuki Kimoto hoặc cựu Phó Chủ tịch Mitsuaki Yahagi (hiện có tên trong ban quản trị Tập đoàn Sony).

Cuộc chiến nội - ngoại ở Olympus, rốt cuộc ai sẽ nắm quyền?

Cuộc chiến nội - ngoại ở Olympus, rốt cuộc ai sẽ nắm quyền?

Trong lúc đó, cựu CEO Olympus Micheal Woodford - người nước ngoài đầu tiên được giao quyền điều hành Olympus và cũng chính là người đã lôi vụ gian lận tài chính 1,7 tỷ USD ra ánh sáng với sự hậu thuẫn của Southeastern và các cổ đông ngoại quốc, đã tiến hành chiến dịch giành lại chiếc ghế CEO.

Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, cuối cùng Woodford đã quyết định rút lui khi biết rõ những cổ đông Nhật Bản nắm phần lớn Olympus sẽ không chấp nhận ông điều hành công ty. Trả lời phỏng vấn của Reuters, Woodford đánh giá tình hình như sau: “Nếu SMBC đưa cựu quan chức của mình vào ban quản trị Olympus, chúng ta sẽ bị đẩy lùi về những ngày đen tối, cùng nỗi thất vọng sâu sắc và danh tiếng thị trường vốn Nhật Bản sẽ bị tổn hại nhiều hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài”.

Ngày 21-2, tên tuổi Olympus lại một lần nữa xuất hiện cùng với tin chẳng lành: Giám đốc kinh doanh thiết bị y tế của Olympus tại Ấn Độ Tsutomu Omori đã treo cổ tự tử ở ngoại ô New Delhi.

Cuộc chiến tranh chấp quyền lãnh đạo Olympus đang diễn ra trong bối cảnh các cơ quan chống tội phạm của Nhật Bản, Hoa Kỳ và Anh ráo riết điều tra vụ bê bối đáng xấu hổ ở Olympus. Đây thực sự là thời điểm cực kỳ khó khăn đối với Olympus.

Hãng tin Kyodo cho rằng có lẽ Olympus sẽ chọn ban lãnh đạo là người ngoài, như một giải pháp trung dung nhằm xoa dịu cuộc chiến giữa nhà đầu tư nội và ngoại. Theo Kyodo, những ứng viên nổi trội bao gồm Shiro Hiruta - cựu Chủ tịch Công ty hóa chất Asahi Kasei và Motoyoshi Nihikawa - cựu Giám đốc quản lý của Nippon Steel, cả hai đều là thành viên ủy ban cải tổ quản trị Olympus.

Trong lúc đó, thị trường đồn đại rằng một số công ty lớn của Nhật Bản như Sony, Panasonic, Fujifilm, Terumo và cả Samsung của Hàn Quốc đều muốn đầu tư chiến lược vào Olympus nhằm xí phần trong mảng kinh doanh thiết bị chẩn đoán nội soi (Olympus hiện chiếm tới 70% thị trường toàn cầu) đang sản sinh nhiều lợi nhuận.

Các tin khác