(ĐTTCO) - CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) đang chiếm thị phần tuyệt đối tại khu vực phía Nam, trong khi CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP) thống lĩnh thị trường miền Bắc. Thế nhưng cả 2 doanh nghiệp nhựa này đang lên kế hoạch tấn công vào địa bàn của nhau nhằm giành thêm thị phần.
Kẻ Nam, người Bắc
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, ngành nhựa đạt tốc độ phát triển tương đối ổn định do tỷ lệ tiêu thụ bình quân của Việt Nam vẫn còn khá thấp so với trung bình của thế giới. Tuy vậy, chỉ có các công ty có chiến lược đúng đắn, đầu tư vào công nghệ và các phân khúc sản phẩm có tính cạnh tranh cao, như BMP hay NTP chiếm lĩnh được thị phần nhờ thương hiệu, chất lượng và hệ thống phân phối rộng. Hiện cả 2 doanh nghiệp này đang nắm giữ thị phần lớn nhất tại các địa bàn trọng điểm. Theo thống kê, hiện có hàng ngàn doanh nghiệp nhựa đang hoạt động trên cả nước, trong đó 80% tập trung tại các tỉnh phía Nam, nơi BMP chiếm 50% thị phần; trong khi số doanh nghiệp tại miền Bắc chiếm 15% và NTP chiếm đến 70% thị phần tại thị trường này.
Công nghiệp nhựa là một trong những ngành có mức phát triển cao, với tốc độ phát triển trung bình 20-25%/năm. Tính đến cuối năm 2015, ngành công nghiệp nhựa đã đóng góp đến 4,8% tổng giá trị sản xuất công nghiệp quốc gia và dự báo tổng giá trị sản xuất của ngành sẽ đạt đến con số 8,81 tỷ USD vào năm 2020. |
Theo kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2016 vừa được NTP công bố, lũy kế 9 tháng ghi nhận 3.102,6 tỷ đồng doanh thu (tăng 21,9%) và 284,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 8,8%). Trong đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh nội địa của NTP vẫn chiếm tỷ trọng lớn (chiếm 99,8%), đạt 1.109,3 tỷ đồng trong quý III (tăng 22,4%); hoạt động xuất khẩu chỉ mang về 1,8 tỷ đồng (giảm 49,4%). Xét về cơ cấu doanh thu theo sản phẩm, ống nhựa uPVC chiếm tỷ trọng cao nhất đến 70% tổng doanh thu thuần của NTP. Trong khi đó, ống nhựa HDPE và PPR chiếm trung bình 15% mỗi loại. Đóng góp cao nhất vào sự tăng trưởng doanh thu của NTP là sản phẩm ống nhựa PPR với mức tăng trưởng 35%.
So với NTP, lợi nhuận của BMP cao hơn hẳn dù doanh thu thấp hơn. Cụ thể, lợi nhuận trước và sau thuế 9 tháng đạt lần lượt 2.479 tỷ đồng (tăng 20%) và 540 tỷ đồng (tăng 39%). Theo lý giải của giới đầu tư, nguyên nhân tạo nên sự chênh lệch này do chính sách bán hàng khác biệt của 2 doanh nghiệp. Chẳng hạn, NTP hỗ trợ đại lý và kênh phân phối thông qua việc gia tăng chiết khấu nhằm giữ vững thị phần khiến chi tăng cao. Ngược lạị, BMP theo đuổi chính sách nhận diện thương hiệu với người tiêu dùng thông qua các đại lý, cửa hàng bằng các chương trình như tổ chức hội nghị cửa hàng cho đại lý. Điều này phần nào thể hiện qua lợi nhuận đột biến trong quý III của BMP. Theo ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc BMP, lợi nhuận sau thuế quý III của BMP tăng hơn 67% so với cùng kỳ năm ngoái do doanh thu tăng 17%, trong khi giá vốn bán hàng giảm 2% so với cùng kỳ.
Ảnh minh họa. |
Bất phân thắng bại
Hiện nay các mặt hàng chủ lực của BMP và NTP khá tương đồng với các sản phẩm từ nhựa PVC dùng trong xây dựng và dân dụng, kế đến là dòng sản phẩm HDPE và PPR, nên 2 doanh nghiệp luôn trong tâm thế dò chừng nhau. Trong chiến lược phát triển của mình, cả 2 doanh nghiệp đều đặt mục tiêu tấn công vào thị trường của nhau nhằm gia tăng thị phần. Một trong những giải pháp được 2 doanh nghiệp này lựa chọn là thâu tóm các doanh nghiệp trong ngành.
Tuy nhiên, bước đi của 2 doanh nghiệp không giống nhau, khi NTP tập trung lực đánh thẳng vào miền Nam, còn BMP lại thận trọng hơn với chính sách đầu tư thăm dò tại miền Trung. ĐHCĐ năm 2016 của BMP đã thông qua việc sáp nhập CTCP Nhựa Đà Nẵng (DPC) nhằm mở rộng, phát triển địa bàn kinh doanh và tăng trưởng thị phần. Hiện nay DPC là tổng kho của BMP, chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm cho thị trường miền Trung và Tây nguyên. Việc sáp nhập với DPC kỳ vọng giảm được 6-8% chi phí so với việc vận chuyển sản phẩm ra miền Trung. Theo kế hoạch, sau M&A, BMP sẽ nâng cấp và mở rộng nhà máy hiện tại và tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối ra thị trường miền Trung (BMP hiện chiếm 20% thị phần).
Có thể dễ dàng nhận thấy, việc mở rộng thị phần của BMP chậm chạp một phần đến từ tỷ lệ chiết khấu thương mại của BMP quá thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành. BMP hiện đang áp dụng mức chiếu khấu thanh toán 11% và cao nhất 17% chỉ áp dụng đối với các cửa hàng đạt doanh số nằm trong top 5 hoặc 10. Trong khi đó với các doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực, mức chiết khấu gấp đôi và cao nhất có thể hơn gấp 3 lần mức của BMP. Chính vì vậy, việc dung hòa giữa tăng chiết khấu thương mại để tăng thị phần tại các tỉnh miền Trung đang là vấn đề nan giải BMP cần phải tìm hướng giải quyết trong thời gian tới.
Ngược lại, NTP đánh thẳng vào thị trường miền Trung và miền Nam bằng việc thành lập CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong miền Trung (Nghệ An) và CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong phía Nam (Bình Dương). Cuối năm 2015, NTP tiếp tục thâu tóm thêm CTCP Nhựa Năm Sao (Hải Phòng). Như vậy, nếu xét về quy mô hoạt động, NTP vượt trội hơn hẳn so với BMP. Thế nhưng, quy mô lớn cộng với chính sách chiết khấu hấp dẫn cho các đại lý NTP đang áp dụng chưa thể tạo nên sự khác biệt trong cuộc chiến giành thị phần của 2 đại gia ngành nhựa này. Đặc biệt, cuộc chiến thị phần sẽ ngày càng khốc liệt với sự xuất hiện của những tên tuổi mới như Hoa Sen, Europipe hay Tân Á Đại Thành.