Hôm nay 17-3, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp ở Brussels (Bỉ) để quyết định các biện pháp trừng phạt Nga. Nhưng, Nga không dễ bị ăn hiếp.
EU đã sẵn sàng một dự thảo dài 7 trang mô tả chi tiết các biện pháp sẽ được thực hiện chống lại Moscow nếu Nga không thay đổi thái độ trong vấn đề Crimea và bắt đầu đàm phán với các trung gian quốc tế về những nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Các biện pháp của EU nằm trong sự phối hợp với Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và Canada nhằm đảm bảo chiếc lưới trừng phạt chặt chẽ và hiệu quả nhất có thể.
Điều 1 của tài liệu nêu rõ: “Các nước thành viên phải thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn những nhân vật chịu trách nhiệm về hành động xâm phạm hoặc đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine nhập cảnh hay quá cảnh”. Điều 2 quy định: “Phải đóng băng tất cả các quỹ và các nguồn lực kinh tế thuộc sở hữu, nắm giữ hoặc kiểm soát bởi những người chịu trách nhiệm cho những hành động làm suy yếu sự toàn vẹn của Ukraine”.
Ngoại trưởng các nước EU họp tại Brussels vào hôm nay dự kiến sẽ chính thức ký quyết định trừng phạt, trừ phi có một sự thay đổi lớn từ phía Nga - một việc khó có thể xảy ra vì hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga “xuống thang” trong vấn đề Crimea. Đó sẽ là những sự trừng phạt đầu tiên được EU áp đặt đối với Nga kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, đánh dấu một sự suy thoái nghiêm trọng trong mối quan hệ Đông-Tây.
Trong một tuyên bố, các nhà lãnh đạo của G7 đã kêu gọi Nga ngừng trưng cầu dân ý Crimea tách khỏi Ukraine, đồng thời tuyên bố sẽ không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý nếu nó vẫn được tổ chức. Mặc dù biện pháp trừng phạt có thể mang lại rủi ro, các nhà ngoại giao EU cho biết họ tin rằng đó là cách duy nhất để gây áp lực buộc Moscow bước vào cuộc đàm phán. EU cũng cho biết nếu Nga dửng dưng họ sẽ thực hiện các bước mạnh tay hơn, có thể liên quan đến một lệnh cấm vận vũ khí, các biện pháp thương mại khác và cũng có thể áp dụng lệnh trừng phạt nhắm thẳng vào Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nhưng trong quá trình đi đến trừng phạt Nga, EU đã không mạnh miệng như Hoa Kỳ. Thương mại là một trong những lý do chính khiến EU phải cân nhắc. Thương mại của Hoa Kỳ với Nga chỉ vào khoảng 30 tỷ EUR (năm 2012), trong khi đó, Nga đang là đối tác thương mại lớn nhất của EU. Chỉ tính riêng trong năm 2012, 2 bên đã giao dịch gần 400 tỷ EUR hàng hóa và dịch vụ. Các nước thành viên EU chiếm gần 75% FDI tại Nga, đạt khoảng 170 tỷ EUR năm 2012.
![]() |
“Dòng chảy phương Bắc” có nguy cơ tắc nghẽn. |
Bên cạnh đó, EU phải dựa vào Nga để đáp ứng khoảng 33% nhu cầu năng lượng nhập khẩu. Gazprom của Nga đang thực hiện 2 dự án đường ống dẫn khí quy mô lớn gọi là “Dòng chảy phương Bắc” và “Dòng chảy phương Nam” sang châu Âu. “Dòng chảy phương Bắc” khánh thành năm 2011, bơm khí từ biển Baltic sang Đức và phần còn lại của châu Âu. Dự án “Dòng chảy phương Nam” trị giá 45 tỷ USD, dự kiến khánh thành năm 2018, chuyên chở 64 tỷ m3 khí tự nhiên sang châu Âu, được kỳ vọng cung cấp khoảng 15% nhu cầu khí hàng năm của châu Âu. Nhưng với diễn biến xấu đi trong mối quan hệ Nga-EU, cả 2 dòng khí này đang đứng trước nguy cơ “không thể chảy”.
Tổng thống Nga Putin đã cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt Nga cuối cùng sẽ phản tác dụng đối với EU và Hoa Kỳ. Các nhà lập pháp Nga cũng đang ráo riết cho ra luật mà theo đó có thể tịch thu các tài sản và tài khoản của các công ty Âu-Mỹ một khi lệnh trừng phạt được áp đặt. Nguồn đầu tư lớn của các doanh nghiệp châu Âu và cho vay của các ngân hàng châu Âu vào Nga có thể dễ dàng trở thành mục tiêu của chính quyền Nga.
Nga hiện nắm giữ kho dự trữ ngoại tệ đứng thứ 5 thế giới với gần 500 tỷ USD. Các thị trường tài chính toàn cầu đã trở nên căng thẳng trong sự đồn đoán Kremlin đã rút khỏi Hoa Kỳ hơn 100 tỷ USD trái phiếu chính phủ trong tuần qua, được cho là bước đi của Nga nhằm chuyển tài sản khỏi “vùng nguy hiểm” và sẵn sàng ứng chiến với lệnh trừng phạt của phương Tây.