(ĐTTCO) - Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh trong dịch vụ ngân hàng (NH) về công nghệ và trình độ quản trị công nghệ là điều các NH đang hướng đến nếu không muốn bị lỗi thời.
Những cái bắt tay
Mới đây, NH Hàng Hải Việt Nam (Maritimebank) công bố hợp tác với Meed - một công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên phát triển ứng dụng tài chính thông minh tại Việt Nam, cho phép khách hàng tiếp cận các dịch vụ cơ bản của NH. Khi đăng ký và cài đặt Meed, khách hàng sẽ có một tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ quốc tế và thực hiện được các giao dịch như rút tiền, thanh toán, tiết kiệm, chuyển tiền giữa những người dùng trong cộng đồng Meed gần như tức thì mà không mất thêm bất kỳ chi phí nào ngoài phí hàng tháng cho việc sử dụng gói dịch vụ.
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam nên nhanh chóng xây dựng các hành lang pháp lý cho Fintech nói chung và thanh toán điện tử nói riêng. Bên cạnh đó, để các công cụ Fintech phổ biến, những nhà cung cấp cần phải gia tăng tính an toàn và tích cực hơn trong việc phổ biến những sản phẩm này trên thị trường. |
Theo Maritimebank, ứng dụng này giúp tiết kiệm thời gian giao dịch NH, tạo thuận tiện tối đa do tích hợp được trên tất cả các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính cá nhân, nên rất phù hợp với giới trẻ. Được biết, sản phẩm đặc biệt của Meed là tính năng SocialBoost. Khi người dùng Meed giới thiệu bạn bè hay người thân cùng tham gia đăng ký sử dụng Meed, mỗi tháng NH thành viên sẽ chia sẻ một phần hạn mức tín dụng tích lũy được từ việc tiêu dùng của người đó. Điều này có nghĩa mời càng nhiều người tham gia Meed, thu nhập của khách hàng càng cao.
Trong trường hợp của Maritimebank, để nhận được nguồn thu nhập này người dùng chỉ cần mời ít nhất một người đăng ký tài khoản ở Maritimebank thông qua ứng dụng Meed. Theo ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng giám đốc Maritimebank, đây không chỉ là bước tiến mới về công nghệ mà còn là một ứng dụng mang ý nghĩa thiết thực, giúp mọi người dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ NH cơ bản, mang lại thu nhập và sự chủ động về tài chính cho họ.
Cũng trong tháng 11, dịch vụ NH số Timo, sản phẩm ra đời từ sự kết hợp giữa Global Online Financial Solution Company và NH Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), có mặt tại Hà Nội sau lần đầu ra mắt tại TPHCM hồi tháng 5-2016. NH số Timo là NH không có chi nhánh, phòng giao dịch… như mô hình NH truyền thống và chỉ có một địa điểm duy nhất đón tiếp khách hàng đến nhận thẻ là Hangout (còn gọi là trụ sở chính). NH số Timo cung cấp cho khách hàng dịch vụ thông qua ứng dụng kết nối internet và mobile banking. Khách hàng cũng có thể thực hiện một số giao dịch tại Timo Hangout, đây là hình thức quán cà phê cùng các giao dịch viên của Timo. Tại Timo Hangout cũng bố trí các trạm ATM thông minh để khách hàng gửi tiền hoặc rút tiền từ thẻ Timo. Tiền trong tài khoản của khách hàng được lưu trữ tại VPBank và được bảo hiểm bởi NHNN. Đây cũng chính là cơ sở để tạo dựng niềm tin cho khách hàng khi giao dịch với NH số Timo.
Trong thời gian qua, các NH ký kết với các công ty công nghệ để cung cấp các dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ hiện đại ngày càng nhiều. Chẳng hạn, NH Bản Việt (VietCapitalBank) và Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPTIS) hợp tác để hiện đại hóa hệ thống giao dịch. Hay như NH Sài Gòn SCB vừa ký kết hợp tác với Công ty Công nghệ Vi Mô triển khai sản phẩm ví điện tử VIMO. Mới đây NH Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng vừa cho ra mắt ví điện tử Ví Việt với khá nhiều tiện ích như nạp tiền điện thoại, thanh toán các hóa đơn điện, nước, viễn thông, hoặc chuyển tiền cùng hệ thống, chuyển tiền vào tài khoản các NH…
Nhân viên VietcapitalBank tư vấn cho khách hàng ứng dụng sản phẩm NH qua |
Cách mạng công nghệ
Trong khi đó, một số nhà băng khác bắt tay với các doanh nghiệp công nghệ cung ứng dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ thông tin (Fintech) cũng là một xu hướng đang được nhìn nhận. Lần đầu tiên NHNN bắt đầu đề cập đến làn sóng hình thành và phát triển của các công ty Fintech. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh trong một diễn đàn về thanh toán nhìn nhận, thế giới đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư khi công nghệ thông tin và viễn thông đóng vai trò quan trọng.
Cùng với sự phát triển thanh toán điện tử những năm gần đây, làn sóng Fintech đã xuất hiện, hình thành nên các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ thông tin. Do vậy, các cơ hội và thách thức Fintech mang lại với ngành tài chính NH nói riêng và đời sống kinh tế - xã hội nói chung đang nhận được sự quan tâm. Số liệu từ một lãnh đạo NHNN cho thấy cơ quan này đến nay đã cấp giấy phép cho 16 tổ chức không phải là NH cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó cho phép 1 tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử (NAPAS) và 15 tổ chức cung ứng dịch vụ cổng thanh toán điện tử; hỗ trợ thu hộ, chi hộ; hỗ trợ chuyển tiền điện tử và ví điện tử.
Trong một so sánh giữa NH và các công ty Fintech, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NexTech (một tập đoàn gồm các công ty thương mại điện tử), đưa ra hình ảnh ví von NH với điện thoại cố định và Fintech với điện thoại di động: “Trước đây người ta phải đến các điểm cố định để sử dụng dịch vụ tài chính NH, thì trong kỷ nguyên Fintech khách hàng có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi và bản thân các NH có thể sẽ không còn cần thiết nữa”.
Với hình ảnh so sánh trên, dễ nhận thấy trong bối cảnh các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ đang tự tin phát triển để cạnh tranh cung cấp dịch vụ tài chính, các NH phải đứng trước sự thay đổi lớn nếu không muốn nói là bị “lỗi thời”. Tuy nhiên, ngoài việc tự nâng cấp mình, việc các nhà băng hợp tác với các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính thông qua ứng dụng công nghệ được xem là hướng đi tích cực. Bằng chứng đầu tiên là sự hợp tác giữa Maritimebank và Meed hay NH số Timo của VPBank giúp cho việc thanh toán, giao dịch thuận tiện hơn.
Mặc dù tiềm năng của Fintech rất lớn, nhưng vẫn còn không ít rào cản để Fintech đi vào đời sống thực sự. Chẳng hạn, chỉ riêng mảng ứng dụng trong việc thanh toán (ví điện tử) hiện nay vẫn chưa có những hành lang pháp lý rõ ràng. Do vậy người dân lo ngại nếu mất tiền trong ví điện tử không biết “kiện ai”. Hiện nay ví điện tử mới được sử dụng trong cộng đồng nhỏ dùng để mua sắm sản phẩm công nghệ online… còn thói quen thanh toán bằng ví điện tử vẫn chưa phổ biến đến nhiều người.