Cước vận tải giảm nhỏ giọt: Tác động xấu kinh tế

(ĐTTCO) - Trong khi giá xăng dầu đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2009 thì giá cước vận tải, trong đó có vận tải khách tuyến cố định gần như không giảm, thậm chí nhiều nhà xe đã lên kế hoạch tăng phụ thu dịp Tết Nguyên đán 2016.

(ĐTTCO) - Trong khi giá xăng dầu đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2009 thì giá cước vận tải, trong đó có vận tải khách tuyến cố định gần như không giảm, thậm chí nhiều nhà xe đã lên kế hoạch tăng phụ thu dịp Tết Nguyên đán 2016.

Giảm giá nhỏ giọt, tăng phụ thu

Theo lãnh đạo Công ty quản lý bến xe Hà Nội, tính đến thời điểm này, đã có 21 doanh nghiệp (DN) gửi thông báo về việc giảm giá vé ở mức 2-12% trong dịp Tết Nguyên đán 2016. Trong đó, bến Mỹ Đình có 16 DN, bến Giáp Bát có 5 DN.

Tuy nhiên, hầu hết số DN đăng ký giảm giá cước vận tải dịp này đều thuộc các tuyến ngắn như tuyến Mỹ Đình-Cửa Ông; Mỹ Đình-Tiền Hải (Thái Bình); Mỹ Đình-Tam Đảo (Vĩnh Phúc)... Còn các tuyến xe đường dài như Hà Nội-TPHCM, Hà Nội-Đắk Lắk, Hà Nội-Vinh... vẫn chưa có thông báo gì về việc giảm giá vé theo đà giảm của giá xăng dầu.

 

Ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc Bến xe miền Đông cho biết, mới có 25/217 DN đang hoạt động kê khai giảm giá vé. Tuy nhiên, mức giảm chỉ từ 2-3% tùy theo tuyến và chỉ áp dụng cho vé đi những ngày thường, còn những ngày cao điểm giáp Tết (khoảng từ 20 tháng Chạp trở đi), giá vé lại tăng 20-60% (tùy tuyến).

Còn theo lãnh đạo Bến xe miền Tây, dự báo lượng hành khách đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong dịp Tết năm nay tăng từ 3-5% so với năm ngoái. Nhiều DN hoạt động trong bến sẽ áp dụng phụ thu không quá 40% so với mức giá vé ngày thường và thời gian phụ thu là 6 ngày (gồm 4 ngày trước Tết và 2 ngày sau Tết).

Lý giải về việc phụ thu này, lãnh đạo Bến xe miền Tây cho rằng, những ngày cao điểm Tết, xe về đến bến sẽ phải quay đầu ngay để đón khách, nếu không phụ thu giá vé mà một chiều chạy rỗng thì nhà xe sẽ chịu thiệt thòi lớn.

Theo ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát, bến xe không thể can thiệp vào chuyện tăng hay giảm cước của các DN mà chỉ có thể giám sát xem họ hoạt động trong bến có đúng quy định không, thu tiền của người dân có đúng như niêm yết trên vé hay không.

Đồng thời, ông Nguyễn Tất Thành cũng cho rằng, với các tuyến xe đường dài, do không thể quay đầu trong ngày nên việc phụ thu chiều rỗng trong dịp này là khó tránh khỏi. Mặc dù các DN vận tải phía Bắc chưa đưa ra mức phụ thu cụ thể nhưng sẽ nằm ở mức 20-60%.

Tác động xấu đến nền kinh tế

Theo TS. Nguyễn Văn Ngãi, chuyên gia kinh tế, thời điểm sắp Tết Nguyên đán, hàng hóa lưu thông rất nhiều, người dân cũng di chuyển đông hơn, nếu không kiểm soát giá cước vận tải một cách đúng đắn sẽ tác động xấu đến nền kinh tế đáng ra phải được thụ hưởng tích cực từ việc giá xăng dầu giảm.

“Trường hợp thị trường vận tải có dấu hiệu bắt tay làm giá, câu kết tạo ra độc quyền, hạn chế cạnh tranh là rất nguy hiểm cho nền kinh tế. Cơ quan quản lý cần vào cuộc để xử lý, chấm dứt ngay tình trạng này”, ông Nguyễn Văn Ngãi nói

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, hiện tượng giá xăng dầu giảm rất sâu nhưng giá cước lại giảm không tương ứng đang lặp đi lặp lại và có thể nguyên nhân do cơ chế quản lý.

Theo ông Long, hiện nay, thủ tục điều chỉnh giá cước vận tải đường bộ là khá phức tạp khi phải kê khai, đăng ký. Đồng thời, mỗi lần tăng giảm giá cước phải trải qua nhiều khâu như niêm chì, chẳng hạn xe taxi mỗi lần muốn tăng giảm giá cước phải mất chi phí khoảng 250.000 đồng/xe. DN đang vin vào đó để chậm giảm giá cước.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, Hiệp hội cũng vừa đề nghị các DN vận tải tính toán lại và giảm giá cước vận tải phù hợp với sự biến động của giá xăng dầu. Đặc biệt, Hiệp hội đã kiến nghị lên Sở Tài chính nêu tên những DN cố tình chây ì, không giảm giá cước để người dân biết và lựa chọn. Ngoài ra, cần kiểm soát chặt việc tăng phụ thu chiều xe chạy rỗng, tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng tăng giá vé.

Các tin khác