Câu chuyện nhãn hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột và Cà phê Đắk Lắk bị 2 DN nước ngoài đăng ký bảo hộ độc quyền đã cảnh báo nguy cơ việt nam gặp trở ngại khi xuất khẩu cà phê. Khi hội nhập WTO, những yếu kém nội tại của các DN xuất khẩu cà phê ở tỉnh Đắk Lắk bắt đầu bộc lộ và một số đã phá sản. Những DN đang tồn tại cũng gặp muôn vàn khó khăn trong việc cạnh tranh với DN nước ngoài.
Thua trên sân nhà
Ông Võ Thanh, Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk, cho biết: 10 tháng đầu niên vụ 2010-2011, 12 DN trong tỉnh đã xuất khẩu được 223.407 tấn cà phê ra 51 nước và vùng lãnh thổ. Trong lúc đó, 6 DN vốn đầu tư nước ngoài cũng đang đẩy mạnh thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê trên địa bàn.
Khi các DN nước ngoài được thu mua cà phê trực tiếp từ nông dân sẽ tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DN trong và ngoài nước, qua đó người dân được hưởng lợi do cơ chế giá cạnh tranh. Đây cũng là động lực để các DN trong nước nâng cao năng lực, hoàn thiện bộ máy, mở rộng thị trường… Từ đó, DN trong nước sẽ học hỏi được phương thức sản xuất, kinh doanh và quản lý DN. Tuy nhiên, các DN nước ngoài mua khoảng 50% sản lượng cà phê Đắk Lắk nhưng chủ yếu để xuất khẩu thô nên chưa làm tăng giá trị gia tăng của cà phê, đóng góp thuế rất thấp và thu hút lao động trong tỉnh chưa nhiều. Ông TRẦN HIẾU, |
Hiện các DN nước ngoài vẫn tuân thủ đúng Nghị định 23/2007 của Chính phủ về việc chỉ được thu mua cà phê thông qua các DN hoặc đại lý của người Việt Nam. Tuy chưa phát hiện DN nước ngoài thu mua trực tiếp từ nông dân nhưng thực tế DN nước ngoài vẫn có thể mua cà phê của nông dân có đăng ký kinh doanh, hoặc thành lập các hợp tác xã để lách luật.
Toàn tỉnh Đắk Lắk có 180.000ha cà phê, sản lượng bình quân 400.000 tấn nhân xô/niên vụ, nhưng gần 1/2 sản lượng cà phê Đắk Lắk đã rơi vào tay DN nước ngoài.
Ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc CTCP Đầu tư - Phát triển cà phê An Thái, phân tích: “Trước mắt, các DN nước ngoài tranh mua cà phê sẽ tạo ra sự cạnh tranh, người dân được hưởng lợi về giá. Nhưng thua thiệt sẽ thuộc các DN trong nước, bởi hầu hết phải vay ngân hàng với lãi suất cao trong khi tỷ suất lợi nhuận xuất khẩu cà phê chỉ đạt khoảng 0,05%/lần quay vốn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ đẩy nhiều DN cà phê trong tỉnh rơi vào nguy cơ phá sản vì không thể cạnh tranh với DN nước ngoài”.
Ông Nguyễn Xuân Lợi cho biết: Trước năm 2001 An Thái cũng tham gia xuất khẩu cà phê nhân, khoảng 50.000 tấn/năm. Nhưng khi có sự xuất hiện của DN nước ngoài, việc xuất khẩu cà phê nhân gặp khó khăn và công ty phải chuyển hướng sang xuất khẩu cà phê tinh. Từ năm 2001 nhiều DN tư nhân trong ngành xuất khẩu cà phê đã phá sản vì thiếu vốn và không có chiến lược kinh doanh mới.
Từ năm 2010 các DN nước ngoài ồ ạt tranh mua hơn 50% sản lượng cà phê của tỉnh với giá cao hơn, đẩy các DN xuất khẩu cà phê trên địa bàn vào cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn.
Ông Đỗ Quyết, Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk), cho hay: Các DN nước ngoài có vốn lớn, vay dễ nên họ mua cà phê với giá cao hơn, do đó nông dân, đại lý tập trung bán cho họ. Đầu tiên họ mua từ các DN và đại lý, bây giờ họ đặt các trạm thu mua trực tiếp tại vùng nguyên liệu. Thậm chí, họ còn thuê công nhân Việt Nam lập các trạm, điểm thu mua và chở về công ty của họ để tránh việc vi phạm Nghị định 23/2007 của Chính phủ.
Ông Quyết chia sẻ: “Không thể cạnh tranh nổi với DN nước ngoài, năm nay Simexco Đắk Lắk giảm mua xuất khẩu khoảng 2.000 tấn và tìm cách bán trực tiếp cho các nhà rang xay thế giới. Muốn bán trực tiếp cho các nhà rang xay, DN phải có uy tín, thương hiệu và chất lượng cà phê phải cao. Hiện chúng tôi đã tiếp cận được một số nhà rang xay châu Âu và bán trực tiếp được khoảng 5.000 tấn cà phê nhân. Đó là cách giành lại thị trường từ DN nước ngoài và tự cứu mình”.
Hỗ trợ DN
Rõ ràng khó có thể ngăn cấm được các DN nước ngoài tranh mua cà phê trực tiếp từ người dân vì đó là xu hướng và quy luật phát triển thị trường khi gia nhập WTO.
Người dân Buôn Ma Thuột thu hoạch cà phê. |
Nguy cơ lớn nhất là việc DN nước ngoài tranh mua cà phê sẽ đẩy nhiều DN trong nước phá sản, thao túng thị trường cà phê và quay lại ép giá nông dân. Nhiều nước sản xuất cà phê ở châu Á, Bắc Phi đã vấp phải mối nguy này và DN trong nước phải làm thuê cho DN nước ngoài, còn nông dân bị ép giá.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại Sở Kế hoạch - Đầu tư Đắk Lắk, kiến nghị: “Để DN trong nước cạnh tranh nổi với DN nước ngoài, Chính phủ nên hỗ trợ “mềm” cho DN cả về lãi suất và điều kiện tiếp cận vốn. Khi các DN trong nước đủ mạnh và đủ sức cạnh tranh, lúc đó chúng ta mới cho DN nước ngoài thu mua cà phê trực tiếp từ người dân”.