Luật sư Hà Mạnh Huy (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), 1 trong 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên cho biết, chị gái của bị cáo này vừa nộp thêm 7 tỷ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.
Bị cáo Phạm Trung Kiên
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Kiên tử hình về tội “Nhận hối lộ”. Bị cáo Kiên cũng là một trong những bị cáo có số lần nhận hối lộ nhiều nhất với 253 lần, tổng số tiền 42,6 tỷ đồng.
Theo hồ sơ, bị cáo Phạm Trung Kiên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã lợi dụng là Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế để buộc các doanh nghiệp muốn cấp phép các chuyến bay giải cứu phải chi tiền cho mình. Khi vụ án được khởi tố, Kiên đã chủ động trả lại các doanh nghiệp khoảng 12 tỷ đồng trong số nhận hối lộ. Quá trình phiên tòa diễn ra, gia đình bị cáo nộp thêm 23 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Diễn biến phiên xét xử vừa qua cho thấy, nhiều bị cáo là đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ tố cáo bị cáo Kiên ép buộc họ chi từ 100 đến 150 triệu đồng/một lần cấp phép chuyến bay. Tuy nhiên, bị cáo Kiên cho rằng, bản thân không đe dọa, ép buộc các doanh nghiệp phải chi tiền cho mình vì mình chỉ là thư ký, không có thẩm quyền cấp phép, xét duyệt các chuyến bay.
Nói lời sau cùng, bị cáo Kiên cho biết, bản thân rất ăn năn hối lỗi, bị cáo xin lỗi những thẩm phán phải ngồi đây để tuyên án những người phạm tội như bị cáo, trong đó bị cáo đang bị đề nghị tuyên tử hình.
“Đó là bản án rất nghiệt ngã với cuộc đời bị cáo và gia đình bị cáo. Bị cáo không nghĩ rằng mình vi phạm tới mức mà bị đề nghị loại trừ ra khỏi cuộc sống, phải rời khỏi thế giới này, trong khi độ tuổi mới ngoài 40", bị cáo Kiên khóc và cho biết, xin hội đồng xét xử xem xét tới hoàn cảnh phạm tội và tuyên bản án có thời hạn với mình. Qua lời nói sau cùng, bị cáo Kiên nói mong được có cơ hội được sống để trở về với con cái, sống nốt quãng đời còn lại, xin được hưởng hình phạt tù có thời hạn.
Theo kế hoạch, chiều 28-7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ tuyên án đối với 54 bị cáo trong vụ án này.