Bánh phồng tôm Cà Mau là một trong những đặc sản được nhiều người biết đến và ưa chuộng vì nguyên liệu được làm từ tôm đất, tôm sú nuôi tự nhiên dưới tán rừng. Cái nôi của bánh phồng tôm Cà Mau chính là vùng đất bạt ngàn rừng đước, rừng mắm thuộc các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn. Các cơ sở sản xuất bánh phồng tôm ở đây đang tất bật để cung cấp đủ nguồn hàng cho thị trường tết.
Giám đốc HTX Tân Phát Lợi Bùi Văn Chương cho biết, các thành viên của HTX đang phải làm cả ban đêm để có hơn 7 tấn hàng cho các đầu mối. Còn Giám đốc HTX Chế biến và Nuôi trồng thủy sản Cái Bát Nguyễn Văn Lâm, nói: “Hiện chúng tôi đang kết hợp với các HTX khác nhằm đủ sản phẩm cung ứng cho thị trường tuyến trên (Hà Nội, TPHCM...). Năm nay sản lượng vượt gấp 2 lần năm 2019”.
Những ngày này, dọc tuyến lộ ven phường Tân Thành, TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân tất bật nổ cốm, ngào cốm. Nghề làm cốm gạo ở Tân Thành đã có từ rất lâu đời. Những năm gần đây, trước nhu cầu của thị trường, làng cốm Tân Thành trở nên nhộn nhịp vào dịp tết. Bà Trần Thị Nâu (ngụ khóm 5, phường Tân Thành), người có thâm niên trong nghề, chia sẻ: “Vào dịp Tết Nguyên đán, sản lượng tiêu thụ luôn tăng cao, những người dân địa phương làm việc hết công suất để phục vụ thị trường”.
Làng nghề bánh gai Tứ Trụ tất bật làm hàng Ảnh: Duy Cường
Tại thôn Tranh Khúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội), làng nghề gói bánh chưng cũng làm không kịp đơn hàng. Mỗi ngày trong tháng Chạp, hàng ngàn chiếc bánh chưng từ Tranh Khúc được chuyển tới mọi miền đất nước và ra cả nước ngoài để phục vụ tết của người Việt.
Thời điểm này, hàng trăm thợ gói bánh tại làng nghề làm bánh chưng Tranh Khúc tất bật gói những mẻ bánh mới. Ông Nguyễn Văn Quân, chủ một cơ sở làm bánh chưng ở Tranh Khúc, chia sẻ, vụ tết năm nay gia đình ông nhập khoảng 40.000 lá dong rừng về để gói bánh. Năm nay, gia đình ông sẽ gói khoảng 7.000 chiếc bánh và phải thuê thêm 4 người làm phụ.
Làng nghề bánh gai Tứ Trụ, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) cũng đang tất bật làm hàng. Cùng với chè lam Phủ Quảng (huyện Vĩnh Lộc), bánh gai Tứ Trụ là đặc sản nổi tiếng từ lâu đời của huyện Thọ Xuân và tỉnh Thanh Hóa. Bánh được làm từ các nguyên liệu gồm lá gai, gạo nếp, đậu xanh, dầu chuối, đặc biệt có thêm sự hòa quyện của mật mía, thịt heo và nước mắm tạo ra hương vị đặc trưng, không giống với bánh gai Nam Định, Nghệ An.
Theo thông lệ, tầm tháng 10, 11, 12 âm lịch, các làng nghề hương trầm Quỳ Châu (Nghệ An) lại vào dịp cao điểm sản xuất vụ tết. Thống kê của UBND huyện Quỳ Châu, trên địa bàn có một hợp tác xã, 6 làng nghề tập trung chủ yếu tại thị trấn Tân Lạc, xã Châu Hạnh, Châu Hội chuyên sản xuất hương trầm.
Anh Lê Thanh Phong, chủ một cơ sở sản xuất hương trầm ở khối Tân Hương (thị trấn Tân Lạc), cho biết: “Trung bình mỗi ngày, với 5 nhân công, gia đình mình quấn được gần 1.000 búp hương các loại. Hầu hết sản phẩm được đặt hàng nên càng gần tết lại càng phải đẩy nhanh tiến độ để kịp giao cho khách hàng”.
Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) là làng chuyên sản xuất hoa giấy phục vụ Tết cổ truyền. Nghề làm hoa giấy ở đây đã hơn 300 năm nên người nào trong làng cũng có thể tạo ra được những chậu hoa giấy độc đáo. Ông Nguyễn Tiến Dũng là đời thứ 6 làm nghề gia truyền, chia sẻ, xưa hoa giấy Thanh Tiên chỉ có mẫu mã đơn giản, cung ứng cho người dân xứ Huế; nay do thị hiếu và nhu cầu ngày càng tăng cao, hoa giấy Thanh Tiên đã được cải tiến thêm nhiều mẫu mã mới.
Tại khối phố Quảng Gia và Hà Quảng, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, những ngày này dậy mùi nước mắm. Những chum, vại đựng hàng trăm lít nước mắm đã sẵn sàng theo đơn hàng làm quà biếu, làm nguyên liệu muối thịt heo. Không chỉ nước mắm mà các mặt hàng như mắm cá cơm, mắm ruốc cũng theo các xe chở đi khắp nơi.