Đàm phán giảm căng thẳng bán đảo Triều Tiên

ĐTTCO) - Hãng Yonhap dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết ngày 19-4 tại Tokyo sẽ diễn ra hội nghị Đối thoại quốc phòng 3 nước Hoa Kỳ - Hàn Quốc - Nhật Bản (DTT) lần thứ 9

Nhằm thảo luận về phương án đối phó với mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên và hạ nhiệt tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay.

“Bờ đê” cuối cùng 

Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc phụ trách chính sách Wee Seung-ho, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương David Helvey và Cục trưởng Cục Chính sách phòng vệ thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Maeda, sẽ đại diện 3 bên tham dự hội nghị. 

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết 3 bên sẽ bàn luận kỹ lưỡng về phương án hợp tác đối phó với các thách thức, từ vấn đề hạt nhân Triều Tiên đến tăng cường giao lưu, hợp tác quân sự giữa 3 nước.

DTT lần thứ 9 diễn ra trong bối cảnh Washington và Bình Nhưỡng liên tục đưa ra các tuyên bố khiến dư luận lo lắng về một bán đảo Triều Tiên bên miệng hố chiến tranh. “Loạt trống trận” dồn dập khua lên dường như phần nào đang che mờ giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. 

Lâu nay, cánh cửa đối thoại giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên hầu như bị khóa chặt bằng những “vòng xích sắt” do cả 2 bên dựng lên theo kiểu ăn miếng trả miếng. Từ phía Washington là cấm vận kinh tế, trừng phạt và cô lập, thúc đẩy hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc để đối phó với Triều Tiên. 

Từ Bình Nhưỡng là những thách thức và khiêu khích bằng thử hạt nhân và tên lửa, bất chấp các nghị quyết cấm thử nghiệm của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Riêng năm ngoái, Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử hạt nhân và 24 vụ thử tên lửa đạn đạo.

Tuy nhiên, kịch bản chiến tranh giữa cường quốc quân sự số 1 thế giới và quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, có vẻ đang trở thành “bờ đê” cuối cùng, dù mỏng manh, ngăn cơn lũ dữ khủng khiếp càn quét bán đảo Triều Tiên. Giữa những thông điệp cứng rắn vẫn có những tín hiệu hiếm hoi về một cơ hội đối thoại. 

Hoa Kỳ, một mặt đe dọa không bỏ qua sự lựa chọn quân sự, mặt khác khẳng định không tìm cách gây xung đột hoặc làm thay đổi chế độ tại Triều Tiên. Trong khi đó, Triều Tiên vẫn tuyên bố chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của nước này là các biện pháp tự vệ bình thường để đảm bảo chủ quyền và chế độ.

Việc giới chức Hoa Kỳ liên tục nhấn mạnh tới mục tiêu buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, có thể được xem là dấu hiệu tích cực, bởi đây chính là mục tiêu của vòng đàm phán 6 bên gồm Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên, vốn được khởi động từ năm 2003 song đã bị ngưng trệ từ cuối năm 2008. 

Trong tuyên bố mới nhất đưa ra tại cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Tokyo ngày 18-4, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence khẳng định sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Trung Quốc, để đạt được một giải pháp hòa bình tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. 

Trước đó, giới phân tích cho rằng ngay cả cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu tháng 4 cũng có thể tạo thêm cơ hội cho cuộc đối thoại về vấn đề Triều Tiên, bởi lâu nay Bắc Kinh luôn thể hiện ủng hộ giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Tàu sân bay USS Carl Vinson ở cảng Busan, Hàn Quốc vào tháng 3-2017.

Tàu sân bay USS Carl Vinson ở cảng Busan, Hàn Quốc vào tháng 3-2017.

Trở ngại... lòng tin

Cùng với chiến lược mới can dự và gây áp lực tối đa trong vấn đề Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện vẫn để ngỏ khả năng chấp nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân. Phản ứng của Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ, Tướng H.R. McMaster  ngay sau vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên ngày 16-4, rằng Hoa Kỳ không cân nhắc hành động quân sự với Bình Nhưỡng vào thời điểm này, cho thấy khả năng đàm phán chưa hoàn toàn bị loại trừ.

Khả năng này cũng đã một lần nữa được thể hiện. Chìa khóa mở cánh cửa đối thoại cũng được thể hiện trong thông điệp của các nước khác tham gia vòng đàm phán 6 bên. Trung Quốc, nước láng giềng quan trọng của Triều Tiên, đang có những động thái ngoại giao con thoi để hạ nhiệt căng thẳng. Nhật Bản nhấn mạnh ưu tiên các nỗ lực ngoại giao hơn là sử dụng vũ lực trong việc ứng phó với tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện nay. 

Hàn Quốc đề cao một “giải pháp khôn khéo”, không tạo khả năng xảy ra căng thẳng và đối đầu quân sự khi giải quyết các vấn đề về tên lửa và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Nga cảnh báo Hoa Kỳ không nên có bất cứ hành động đơn phương nào chống Bình Nhưỡng.

Về phần Bình Nhưỡng, từ năm ngoái, thông qua các cuộc tiếp xúc với đại diện của Nga và Trung Quốc, đại diện chính thức của Triều Tiên cũng đề cập tới khả năng tiến hành các cuộc đàm phán song phương hoặc đa phương để giải quyết căng thẳng giữa các bên. 

Thậm chí, đại diện Triều Tiên còn ngỏ lời đề nghị Nga giúp dàn xếp mở lại các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ lâu nay. Tuy nhiên, sự thiếu lòng tin sâu sắc giữa Bình Nhưỡng và Washington trở thành nút thắt khiến không bên nào chủ động cho đối thoại.

Hướng giải bài toán hạt nhân Triều Tiên từng được đưa ra trong thỏa thuận quan trọng các bên đạt được tại vòng đàm phán 6 bên lần thứ 4 năm 2005, trong đó khẳng định bán đảo Triều Tiên phải được phi hạt nhân hóa theo phương thức hòa bình; Triều Tiên cam kết từ bỏ mọi vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh quyền được sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. 

Tuy nhiên, vụ Triều Tiên thử hạt nhân lần đầu tiên vào năm 2006 cùng những bất đồng về quan điểm không thể thu hẹp giữa các bên đã chặn đứng cơ hội tiếp tục đối thoại. Cũng từ đó, vòng xoáy Triều Tiên thử hạt nhân - Hoa Kỳ đáp trả bằng trừng phạt liên tục diễn ra, đẩy tình hình bán đảo Triều Tiên vào thế căng thẳng leo thang tột độ như hiện nay. Tuy nhiên, khi một trong những vấn đề quốc tế phức tạp nhất là hồ sơ hạt nhân Iran đã có thể được giải quyết sau hơn 12 năm đàm phán, có vẻ nối lại đối thoại là cơ hội cuối cùng cho tình thế hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. Quan trọng là liệu các bên có thiện chí nắm bắt cơ hội hay không.

 

Một quan chức Lầu Năm Góc giấu tên cho hay nhóm tàu tấn công do tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Carl Vinson dẫn đầu vẫn đang ở ngoài khơi Australia. Dự kiến, nhóm tàu sẽ bắt đầu tiến tới biển Nhật Bản trong vòng 24 giờ tới và sẽ không thể có mặt tại khu vực sớm nhất là trong tuần tới. Trong khi đó, một bức ảnh của Hải quân Hoa Kỳ cho thấy tàu Carl Vinson ở ngoài khơi Java vào cuối tuần trước. Trước đó, Hải quân Hoa Kỳ cho biết Bộ Quốc phòng đã điều một nhóm tàu tấn công do tàu USS Carl Vinson dẫn đầu tiến lên phía Bắc, đây được coi là một biện pháp thận trọng nhằm răn đe Triều Tiên. Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, ông Victor Cha, cho biết Triều Tiên có thể tiến hành một hành động khiêu khích trong khoảng thời gian giữa tuần tới và cuộc bầu cử Tổng thống ở Hàn Quốc diễn ra vào ngày 9-5.

Các tin khác