Đàn ông có được đánh golf khi nghỉ thai sản?

(ĐTTCO) - Nếu chương trình ngân sách được xem là quà tặng nhân Ngày lễ tình nhân cho tất cả mọi người dân đảo Sư tử chính thức công bố vào ngày 14-2 vừa qua, thì việc tăng thời gian nghỉ cho lao động nam khi vợ nghỉ thai sản được nhà nước trả lương lên gấp đôi, từ 2 tuần lên 4 tuần, cũng là món quà ý nghĩa của chính phủ Singapore cho phụ nữ nói chung và các bà mẹ nói riêng.
Đàn ông có được đánh golf khi nghỉ thai sản?

Theo các chuyên gia xã hội học, tăng thời gian nghỉ này nhằm tạo điều kiện cho các ông bố tham gia nhiều hơn vào việc chăm sóc con cái, hay trau dồi các kỹ năng chăm sóc con cái. Tuy nhiên, số lượng lao động nam tại Singapore sử dụng nghỉ thai sản theo vợ được nhà nước trả lương cho đến nay vẫn còn hạn chế.

Theo khảo sát của Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội (MSF), năm 2019 tỷ lệ lao động nam nghỉ thai sản 55% và trong số những người sử dụng thời gian này, phần lớn đã sử dụng đủ 2 tuần. Dù sao đây cũng là con số khả quan so với con số 47% trong năm 2016, và có lẽ đó chính phủ tăng gấp đôi thời gian nghỉ thai sản cho lao động nam từ 1 lên 2 tuần từ năm 2017.

Thực ra lao động nam ở các doanh nghiệp nhỏ có thể không cần lợi ích của việc nghỉ thai sản. Bởi có những thỏa thuận không chính thức lao động nam có thể gánh vác trách nhiệm gia đình không cần nghỉ phép. Công nghệ di động giúp mọi người cân bằng giữa công việc và gia đình không cần phải xin nghỉ phép.

Một phát hiện khác của MSF, là phần lớn lao động nam không xin nghỉ thai sản chung với vợ mình. Đó là do truyền thống coi phụ nữ là người chăm sóc chính, nên người cha được coi là có ít hoặc không có trách nhiệm phải có mặt ngay bên con khi mới sinh ra.

Một nhận định khác là các ông bố có thể phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa nơi làm việc của họ, và cũng có thể vì sợ bỏ lỡ những khả năng trong tương lai trong sự nghiệp của họ. Điều đáng mừng là hầu hết lao động nam trong các lĩnh vực ngành nghề khác nhau, khi được hỏi đều bày tỏ mong muốn sử dụng thời gian nghỉ sinh con để tham gia nhiều hơn khi con họ chào đời.

Trong một bài viết hoan nghênh ngân sách mới, bà Corinna Lim, Giám đốc điều hành của tổ chức dân sự mang tên Hiệp hội Phụ nữ Hành động và Nghiên cứu (Aware), đề nghị các doanh nghiệp nên khuyến khích sử dụng nhiều hơn thời gian nghỉ phép dành cho lao động nam.

Doanh nghiệp nên đảm bảo hoàn toàn rằng việc sử dụng đầy đủ thời gian nghỉ phép sẽ không ảnh hưởng đến việc đánh giá hiệu suất làm việc, hoặc thăng tiến trong sự nghiệp của những người mới làm cha. Doanh nghiệp cũng có thể theo dõi tỷ lệ nghỉ thai sản của lao động nam để điều chỉnh các chiến lược kinh doanh và khuyến khích lao động nam mới làm cha tận dụng thời gian này.

Những người trong ban quản lý cấp cao - không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh, còn trong tổ chức dân sự - nên làm gương bằng cách tự mình nghỉ phép đủ 4 tuần. Bà Lim cũng bày tỏ mong muốn rằng trong tương lai thời gian nghỉ sinh con cho cha sẽ ngang bằng mẹ, và việc chăm sóc con cái trở thành trách nhiệm được chia sẻ công bằng giữa các giới tính.

Thật vậy, nhiều nhà công trình nghiên cứu khoa học đã cho thấy tác động của người cha trong những năm đầu đời của đứa trẻ. Một khảo sát của Đại học Quốc gia Singapore năm 2021 phát hiện ra rằng, những đứa trẻ có cha dành thời gian nghỉ thai sản ít có khả năng đối mặt với các vấn đề như hiếu động thái quá hoặc hành vi chống đối xã hội.

Còn những gia đình có cha dành thời gian nghỉ thai sản nhiều trải qua ít xung đột nội bộ hơn, khả năng trầm cảm của người mẹ thấp hơn, sự hài lòng trong hôn nhân và sự gần gũi giữa cha và con nhiều hơn. Về mặt kinh tế, người phụ nữ khi được giảm tải trong gánh nặng chăm sóc con cái sẽ trở lại làm việc sớm hơn.

Trong chiều hướng đó, việc tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nam không chỉ mang ý nghĩa xã hội tích cực, còn có những tác động kinh tế lâu dài cho gia đình, cộng đồng và quốc gia.

Nhưng chăm con là kỹ năng nhiều người đàn ông cần phải kiên nhẫn, học hỏi và vượt qua chính mình. Nam biên tập viên Jeremy Au Yong của nhật báo The Straits Times, sau khi chia sẻ trải nghiệm nghỉ phép 4 tuần (2 tuần phép năm và 2 tuần nghỉ thai sản) với những tình huống dở khóc dở cười khi làm vú em, tự thú rằng thời điểm anh hạnh phúc nhất là lúc quay lại với công việc thường nhật ở cơ quan.

Anh cho biết sau trải nghiệm “chìm nổi” này anh đã dành thời gian nói chuyện nghiêm túc với vợ và cả 2 đều thống nhất rằng, nếu sinh con thứ 2 sẽ kiếm người đỡ đần và tranh thủ mọi sự hỗ trợ nếu có thể. Anh sẽ tranh thủ nghỉ thai sản theo như quy định trong chính sách của nhà nước dành cho lao động nam, nhưng hoàn toàn sẽ không có ý định “tham gia tích cực” như những gì đã dành cho đứa con đầu lòng.

Cần phải nhìn nhận một thực tế là xét về giới tính, đàn ông không có thành tích tốt trong việc nuôi dạy con cái. Theo ông bố trẻ Jeremy, bình đẳng trong việc nuôi dạy con là quyền lựa chọn và quyết định của vợ chồng; điều gì phù hợp với gia đình này có thể không với gia đình khác.

Định nghĩa thế nào là một người cha tốt khi vợ mới sinh con cũng không nên quá cứng nhắc. Thí dụ, nếu một người phụ nữ muốn chồng mình về cơ bản hoạt động như một nhân viên của Shopee hay Lazada, đi khắp nơi mua đồ và giao phần lớn việc thay tã và cho bú bình cho một bảo mẫu, liệu đây có phải suy nghĩ định kiến?

Tương tự, ai là người quyết định cách cha mẹ sử dụng thời gian đúng đắn trong giai đoạn trẻ mới sinh. Có nên cấm người lao động nam tham gia các hoạt động giải trí? Và mặc dù không phải là dân chơi golf, Jeremy tự hỏi nếu người cha của một đứa trẻ mới sinh đi chơi golf, liệu anh có cảm thấy tội lỗi nếu gặp đồng nghiệp của mình ở sân golf không?

Các tin khác