Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận giải thưởng này vào chiều 6-10 tại Hà Nội, thì chỉ vài giờ sau tại TPHCM khai mạc tháng phim Đặng Nhật Minh “Bao giờ cho đến tháng mười” được sự hưởng ứng của đông đảo khán giả trẻ đô thị phương Nam.
Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội là hạng mục quan trọng nhất của Giải thưởng Bùi Xuân Phái, gọi tên đạo diễn Đặng Nhật Minh tiếp nối những nhân vật gắn bó Hà Nội như Nguyễn Vinh Phúc, Tô Hoài, Phan Huy Lê, Giang Quân, Phú Quang, Hồng Đăng, Trần Văn Thủy...
Tại lễ trao giải, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã xúc động đọc lại mấy câu thơ của thầy giáo Khang trong bộ phim “Bao giờ cho đến tháng mười” ghi dấu khó quên trên hành trình sáng tạo cá nhân: “Bao giờ cho đến tháng mười/ Lúa chín trên cánh đồng giông bão/ Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi/ Những mất mát, hy sinh, chịu đựng, khổ đau/ Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu”.
Có cốt cách nho nhã, đạo diễn Đặng Nhật Minh hiếm khi lớn tiếng và khuôn mặt lúc nào cũng lộ vẻ đăm chiêu. Còn phía sau cặp kính trắng lấp lánh, bao giờ cũng hiển hiện đôi mắt ướt và buồn. Đôi mắt ấy không lộ ra vẻ ủy mị hay xót xa, mà chỉ khiến người đối diện bắt gặp một sự xao xác. Đặng Nhật Minh vốn không được đào tạo để làm phim truyện. Sau 18 tháng học ở Liên Xô, 19 tuổi Đặng Nhật Minh vào đời bằng nghề phiên dịch tiếng Nga.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh vinh dự nhận Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội là hạng mục quan trọng nhất của Giải thưởng Bùi Xuân Phái. |
Mãi đến năm 27 tuổi, từ sự tình cờ run rủi, Đặng Nhật Minh được làm đạo diễn cho bộ phim tài liệu đầu tiên có tên gọi “Theo chân người địa chất”.
Rồi sau khi được đào tạo ngắn hạn 6 tháng ở Bungari, Đặng Nhật Minh cũng tạm gọi là đạo diễn có bằng cấp, nhưng bộ phim “Ngày mưa cuối năm” chuyển thể từ vở kịch “Những người bóc đá” của Hồng Phi cũng chẳng có tiếng vang gì.
Phải nói thẳng, Đặng Nhật Minh chỉ là Đặng Nhật Minh lúc bộ phim “Thị xã trong tầm tay” ra đời năm 1982. Tuy nhiên, “Thị xã trong tầm tay” thành công chẳng phải nhờ Đặng Nhật Minh góp mặt bằng vai diễn bất đắc dĩ nhỏ xíu, mà vì ông dám thay đổi tư duy làm phim quen thuộc của những người đi trước và cả những người cùng thế hệ ông.
“Thị xã trong tầm tay” tạo ra dư luận trái chiều, nhưng tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1983, 3 văn nhân tên tuổi Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông và Nguyễn Khải tham gia Ban giám khảo, đã quyết liệt ủng hộ và trao giải Bông Sen Vàng cho “Thị xã trong tầm tay”, giúp Đặng Nhật Minh củng cố niềm tin về cách làm phim riêng ông.
Những bộ phim sau đó như “Bao giờ cho đến tháng mười” (1985), “Cô gái trên sông” (1987), “Chỉ một người còn sống” (1989), “Trở về” (1994), “Thương nhớ đồng quê” (1995), “Hà Nội mùa đông 46” (1997), “Mùa ổi” (2001), “Đừng đốt” (2009) khẳng định tầm vóc đạo diễn bậc thầy của Đặng Nhật Minh.
Năm 2022, dù đã ở tuổi 84, đạo diễn Đặng Nhật Minh vẫn hoàn thành và công chiếu bộ phim “Hoa nhài” thể hiện cốt cách người Hà Nội.
Ông chia sẻ: “Hà Nội thân thương với tôi như người ruột thịt. Là người gốc Huế nhưng tôi chỉ sống những năm tháng tuổi thơ. Trong khi những năm tháng trưởng thành cho đến nay, tôi gắn bó với Hà Nội. Hà Nội đã hình thành nên con người nghệ sĩ của tôi - một người làm điện ảnh cho đến hôm nay đều bởi Hà Nội”.
Hội đồng giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái cho rằng, dễ thấy có một lịch sử Hà Nội vừa hoài niệm, vừa hiện thực, vừa dữ dội, vừa bình yên qua những thước phim của Đặng Nhật Minh, mà rất nhiều trong số đó bắt nguồn từ tác phẩm văn học của ông, được ông tự chuyển thể kịch bản và đạo diễn.
Thế nhưng, ông lại tiết lộ mình không có ý thức hay bất cứ chủ đích nào để phản ánh các giai đoạn thăng trầm của lịch sử Hà Nội. Ông coi đó là duyên số với Hà Nội, với đề tài Hà Nội.
Ở chiều sâu, những bộ phim như “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Mùa ổi”, “Hoa nhài”, cùng với cả “Đừng đốt”, “Trở về”, đạo diễn Đặng Nhật Minh đặc biệt chú trọng tiếp cận số phận của từng con người, đi vào bên trong tâm tính, phẩm giá của người Hà Nội.
Điển hình là Loan trong “Trở về”, một cô gái Hà Nội biết giữ mình, không để vật chất cám dỗ trong bối cảnh xã hội chuyển mình sang nền kinh tế thị trường. Đặc biệt còn là hình ảnh của nữ liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm trong “Đừng đốt”, một người con gái Hà Nội mang trong mình những vẻ đẹp của một tâm hồn nhạy cảm, trong sáng và yêu cái đẹp.
Tâm hồn Hà Nội của Đặng Thùy Trâm được khắc họa đậm nét với những rung động tinh tế cùng với những tình cảm đặc biệt dành cho gia đình, đồng chí, đồng đội trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh.
Với Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội, đạo diễn Đặng Nhật Minh thổ lộ: “Quả thật, nếu nhìn lại Hà Nội từ quá khứ cho tới hiện tại, tôi đều có những tác phẩm điện ảnh nói về một số giai đoạn nhất định.
Để lý giải sự tình cờ này chỉ có thể nói một điều. Đó là vì tôi đã gắn bó máu thịt với số phận của thành phố này. Nếu tôi sống mà không gắn bó với những biến động, với số phận của thành phố, chắc chắn không thể có được chuỗi những bộ phim về Hà Nội như thế.
Dù là người Hà Nội gốc, hay là người Hà Nội nhập cư đều mang trong mình tính nhân văn, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Hà Nội có thể thay đổi trong mọi thời cuộc biến động nhưng luôn có mạch chảy bên trong con người Hà Nội, đó là tính nhân văn”.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh được phong tặng danh hiệu NSND năm 1993. Ông từng làm Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam từ năm 1989 đến năm 2000. Đạo diễn Đặng Nhật Minh được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2007.
Đồng thời, ông cũng được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2016 và được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn học Nghệ thuật của Pháp năm 2022. Nếu nhìn bề ngoài, đạo diễn Đặng Nhật Minh là mẫu người khá viên mãn. Vậy mà, dường như thường trực ở ông là sự cồn cào khao khát được giãi bày bao nhiêu ngổn ngang giữa dòng đời bất tận.