Vào tháng 10, tháng 11 âm lịch hàng năm, triều cường thường gây ngập đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đảo lộn cuộc sống
Những trận mưa diễn ra trong tuần đầu của tháng 8 đã khiến nhiều khu vực ở quận 12, TPHCM ngập nặng. Đáng nói, trên địa bàn quận có những tuyến đường vừa hoàn thành dự án (DA) nâng cấp, làm cống hộp - như đường Nguyễn Văn Quá - nhưng vẫn bị ngập. Theo người dân tại đây, năm 2021, sau khi ngành chức năng thay cống hộp lớn, nâng cấp mặt đường, tưởng sẽ thoát ngập nhưng thực tế cứ mưa là... ngập.
Ông Phan Văn Tài, có cửa hàng gạo trên đường Nguyễn Văn Quá, bức xúc: “Trận mưa vào sáng 6-8 làm tuyến đường này biến thành sông. Dù mỗi khi mưa, đơn vị chức năng đều cử người xuống thu dọn rác, hút bùn dưới cống nhưng tình trạng ngập không được cải thiện”.
Khu vực chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức, TPHCM) cũng trong tình trạng tương tự. Mỗi lần mưa nhiều một chút là nước lại chảy cuồn cuộn, người dân và tiểu thương trong chợ lội bì bõm giữa dòng nước. Tình trạng ngập cũng rất nghiêm trọng tại các tuyến đường xung quanh chợ như Đặng Thị Rành, Hồ Văn Tư, Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân…, do hệ thống cống tại khu vực này vốn quá tải, nay đang được thi công nên khả năng thoát nước càng bị giảm.
Công nhân Công ty Thoát nước đô thị TPHCM đang hút sình tại các miệng hố ga trên đường Ký Con (quận 1, TPHCM) nhằm khai thông dòng chảy thoát nước
Tương tự, khi trời đổ mưa, tuyến đường Quốc Hương (phường Thảo Điền, TP Thủ Đức) dài gần cây số bị ngập nặng, người điều khiển ô tô và xe máy không thể nào di chuyển được...
Nhiều năm qua, ngay sát TPHCM, người dân tỉnh Bình Dương cũng đã quen với tình trạng vừa mưa đã ngập ở quốc lộ 13. Và nếu mưa lớn liên tục trên 1 giờ thì nhiều đoạn qua địa bàn TP Thuận An, TP Thủ Dầu Một, nước dâng cao cả nửa mét khiến việc lưu thông rất khó khăn, nguy hiểm.
Ông Nguyễn Văn Khuê (41 tuổi, công nhân KCN Việt Hương - TP Thuận An) ngao ngán nói: “Tôi thường xuyên di chuyển qua tuyến đường này, chứng kiến mỗi lần mưa là tuyến đường ngập như sông, xe cộ qua đây bị chết máy, chủ xe phải dắt bộ”.
Thêm nhiều điểm ngập mới
Ông Nguyễn Đức Vũ, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM, cho hay, trong 7 tháng đầu năm 2022, tình hình ngập lụt trên địa bàn thành phố diễn ra thường xuyên và phức tạp. Đáng chú ý, tổ hợp bất lợi xảy ra khi triều cường trên sông Sài Gòn dâng cao, kết hợp mưa lớn cùng việc xả lũ của các hồ chứa thượng nguồn đã ảnh hưởng đến công tác chống ngập của thành phố.
Mưa lớn gây ngập trên đường Nguyễn Văn Khối, quận Gò Vấp, TPHCM khiến người dân đi lại khó khăn. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TPHCM, năm 2022, TPHCM còn 15 tuyến đường có thể bị ngập sau mưa, 24 tuyến đường có thể ngập trong mưa, 9 tuyến đường bị ngập do ảnh hưởng của triều cường.
Không chỉ tuyến quốc lộ 13 ngập nặng, trên địa bàn tỉnh Bình Dương các năm gần đây liên tục xuất hiện thêm các điểm ngập mới, gây bức xúc cho người dân - như ở thị xã Bến Cát có 9 điểm ngập phát sinh… Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Bình Dương có 58 điểm ngập cần xử lý, trong đó nhiều nhất ở TP Dĩ An, TP Thuận An, TP Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát.
Trong khi đó, nhiều DA thi công công trình chống ngập bị chậm tiến độ. Như DA chống ngập trị giá 130 tỷ đồng khu vực chợ Thủ Đức khởi công từ tháng 10-2020, dự kiến hoàn thành sau 17 tháng, nhưng đến nay toàn DA mới đạt hơn 60% khối lượng thi công. DA giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với quy mô 6 hạng mục cống kiểm soát triều lớn, hạng mục 7,8km đê kè và 25 cống nhỏ dưới đê, do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư, có kinh phí gần 10.000 tỷ đồng, được triển khai vào năm 2016. Thế nhưng hơn 5 năm qua, DA phải tạm ngừng 3 lần vì các lý do khác nhau. Đến nay, DA đã đạt 93% tiến độ công việc trên công trường nhưng lại có nguy cơ bị tạm dừng lần thứ 4.
Tương tự, nhiều DA chống ngập ở tỉnh Bình Dương cũng bị chậm tiến độ. Trong khi các công trình thoát nước, cải tạo mặt đường ở các khu dân cư được UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai, đưa vào sử dụng thì các DA do các ban quản lý DA của tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư lại triển khai khá chậm, dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong đấu nối, tiêu thoát nước của cả lưu vực.