TS. Trần Đình Thiên
- Thưa ông, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các kịch bản phục hồi kinh tế sẽ phải được nghiên cứu, trình Chính phủ trong tuần này. Ông muốn nhìn thấy những gì trong các kịch bản này?
- Chúng ta chủ động chống dịch triệt để, nên các chuỗi sản xuất, cung - cầu trong nước bị ảnh hưởng, tích hợp với chuỗi cung - cầu thế giới bị chia cắt, nền kinh tế gần như ngưng lại. Bài toán rất rõ ràng là càng triệt để chống dịch, các mạch sản xuất bị chia cắt càng lâu, chi phí bỏ ra để khắc phục càng lớn.
Vào thời điểm này, phải đánh giá cho đúng sức chống chịu của nền kinh tế, sức chống chịu của ngân sách, sức chống chịu của doanh nghiệp và cả của người dân để có những phương án, kịch bản phù hợp.
Về doanh nghiệp, sẽ có hai nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất. Đólà những doanh nghiệp kết nối với quốc tế (hoạt động xuất nhập khẩu, logistics...) và nhóm liên quan đến hội nhập (du lịch, dịch vụ...). Sẽ có nhóm doanh nghiệp có mặt ở cả hai.
Chính vì vậy, không thể trông hết vào Chính phủ. Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cũng phải xây dựng kịch bản cho chính ngành mình, doanh nghiệp mình khi tác động sẽ khác nhau, mạnh yếu khác nhau, nên cách đứng dậy cũng sẽ khác nhau.
Đang có đề xuất mở rộng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, vì những giải pháp hiện tại chủ yếu là giãn, hoãn các khoản thuế doanh nghiệp phải nộp trong khi doanh nghiệp đang rất khó khăn...
Chỉ riêng gói giãn thời gian nộp thuế có giá trị 180.000 tỷ đồng, 98% doanh nghiệp được hưởng lợi. Tuy nhiên, thực tế là, trong bối cảnh khó khăn, mọi sự hỗ trợ hay cứu trợ sẽ không bao giờ đủ, nên phải xác định rõ Nhà nước có thể can thiệp gì, cái gì không thể.
Hiện tại, doanh nghiệp khó vì đứt gãy cả cung và cầu, giải pháp tiền tệ chỉ giải quyết tình thế bức bách, chứ không giải quyết các vấn đề về sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Câu hỏi phải trả lời là nếu doanh nghiệp không hoạt động, thì sức chống chịu được bao lâu, 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm, để từ đó có sự hỗ trợ.
Nhưng chính lúc này cũng phải xem đến sức chống chịu của ngân sách. Ngân sách cho hoãn được đến bao lâu, có thể cho miễn được không? Nếu miễn thì sẽ có cách nào để bù lại, vì còn có những khoản cần chi tiêu khác.
- Quan điểm của ông về việc này thế nào?
- Ngân sách đang rất yếu, có thể thấy trước điều này. Nguồn thu giảm mạnh do doanh nghiệp khó khăn. Chưa nói đến các giải pháp mạnh là miễn, thì với các đề xuất đã được chấp nhận là giãn các khoản thuế phải nộp, ngân sách sẽ khó khăn cho đến khi các khoản phải nộp quay trở lại, còn các khoản chi chống dịch không thể dừng lại được.
Trong khi đó, có những tình thế không thể kiểm soát được, khó đoán và bất định. Chưa thể trả lời ngay câu hỏi bao giờ hết dịch. Rồi thì dịch ở Việt Nam kiểm soát được, nhưng ở khu vực Đông Bắc Á, ASEAN, nhất là ở châu Âu, Mỹ thì sao? Việc kiểm soát dịch ở các khu vực có cùng nhịp hay lệch nhịp?
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các khu vực đến Việt Nam tới đây sẽ giảm thế nào? Các chính sách lúc này phải nương theo xu hướng thế giới, khu vực và cả trong nước để tính toán từng bước...
- Lúc này, thị trường xuất khẩu có vẻ chưa trông đợi được ngay, vậy sẽ phải dựa vào tiêu thụ trong nước. Cầu trong nước là gì, thưa ông?
- Đó là đầu tư công. 700.000 tỷ đồng dành cho đầu tư công năm nay sẽ nuôi cả nền kinh tế, khi dòng tiền sẽ từ ngân sách bơm ra xã hội, tạo nguồn cung - cầu cho hoạt động của các doanh nghiệp, trong đó có khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Tôi muốn nhắc đến lý thuyết chi tiêu nghịch chu kỳ. Khi nền kinh tế tốt, chi tiêu công ít, dành đất cho khu vực tư nhân. Khi nền kinh tế yếu, khu vực tư nhân khó khăn, thì ngân sách phải chi ra, đầu tư công phải trở thành động lực.
Thủ tướng Chính phủ đang yêu cầu quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công... Nhưng vấn đề là đầu tư công đang rất trì trệ và khả năng sẽ còn trì trệ nếu không vượt qua những quy định đang cài răng lược, cản trở nhau; nếu không vượt qua được những nguyên tắc, quy trình đã làm khó đầu tư công nhiều năm nay.
Không phải vì có Covid-19, chúng ta mới nói đến yêu cầu này, mà vì nó, chúng ta càng thấy rõ nếu không thay đổi, thì cách làm cũ đang giết chết nền kinh tế. Lúc này phải có những giải pháp theo kiểu cắt bỏ quá khứ, bỏ các quy định hành chính để các dự án hạ tầng, kết nối đã có vốn, chỉ đợi thủ tục là có thể triển khai được ngay.
Tất nhiên, bỏ qua những quy trình, nguyên tắc cũ không có nghĩa là vô nguyên tắc, mà phải đưa quy trình, thủ tục khác để phê duyệt, phải đơn giản, rõ ràng và tính chịu trách nhiệm cao hơn.
Trong cuộc họp mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã nói, đây là cơ hội để đẩy mạnh cải cách. Tôi tin đây là thông điệp quan trọng. Điều tôi nói ở trên chính là cải cách. Nếu cứ làm như cũ đầu tư công sẽ càng chậm.