200 năm đã trôi qua, tinh thần “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” của Nguyễn Đình Chiểu vẫn tiếp tục được lưu truyền, gìn giữ và phát huy trong ngày nay. Năm nay, tỉnh Bến Tre đã tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu với nhiều hoạt động có ý nghĩa.
1. Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO ghi nhận “nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, là một tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời”. Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 1-7-1822 (tức ngày 13-5 năm Nhâm Ngọ), tại làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc phường Cầu Kho, quận 1, TPHCM).
Năm 1846, Nguyễn Đình Chiểu ra Huế học để chờ khoa thi Kỷ Dậu vào 3 năm sau. Năm 1848, nghe tin mẹ mất, ông quay về chịu tang. Thế nhưng, trên đường đi, vì thương khóc mẹ Nguyễn Đình Chiểu bệnh nặng, bị di chứng mù đôi mắt: “Hai hàng nước mắt nhỏ sa/ Trời Nam đất Bắc xót xa đoạn trường/ Anh em ai nấy đều thương/ Trời ơi, sao nỡ lấp đường công danh”.
Sau khi mãn tang mẹ, Nguyễn Đình Chiểu mở trường dạy học và bốc thuốc chữa bệnh “Tưởng đâu đạo thuốc thâm u/ Hay đâu y cũng trong nho một nghề”, được người dân xưng tụng Đồ Chiểu. Đây là giai đoạn ông sáng tác truyện thơ “Lục Vân Tiên” với 2.082 câu lục bát, gửi gắm nhiều tâm sự cá nhân. Kính phục và cảm thông với người thầy tài hoa xấu số, một học trò của Nguyễn Đình Chiểu là Lê Tăng Quýnh ở Cần Giuộc đã gả em gái Lê Thị Điền cho ân sư vào năm 1854.
Hình tượng danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong vở kịch “Trái tim và đôi mắt”.
Năm 1859, sau khi giặc Pháp đánh chiếm thành Gia Định “Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy/ Mất ổ đàn chim dáo dác bay”, Nguyễn Đình Chiểu về quê vợ ẩn cư, viết 2 tác phẩm tiêu biểu “Dương Từ - Hà Mậu” và “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Là một trong những người khởi xướng phong trào “tị địa” bất hợp tác và không sống trong vùng đất Pháp chiếm, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia quyến lui xuống Ba Tri, Bến Tre từ năm 1862, viết tác phẩm tiêu biểu “Ngư tiều y thuật vấn đáp”.
Năm 1886, người vợ Lê Thị Điền mất, sức khỏe của Nguyễn Đình Chiểu ngày càng sa sút. Ngày 3-7-1888, Nguyễn Đình Chiểu qua đời trong một căn nhà nhỏ tại làng An Bình Đông (thuộc trị trấn Ba Tri ngày nay) để lại cho hậu thế một biểu tượng đẹp đẽ “Sự đời thà khuất đôi tròng thịt/ Lòng đạo xin tròn một tấm gương”.
2. Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu chỉ sống 66 năm trên dương gian, đã viết được những câu chuyện xúc động và cao thượng về thái độ sống: “Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ/ Thà đui mà khỏi danh nhơ/ Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình/ Thà đui mà đặng trọn mình/ Còn hơn có mắt đổi hình tóc râu”.
Chứng kiến cảnh quê hương bị ngoại xâm giày xéo, Nguyễn Đình Chiểu bày tỏ tình cảm yêu nước qua những dòng phẫn uất che chở những thân phận thấp bé: “Đau đớn thay! Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều/ Não nùng thay! Vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ”.
Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Chiểu không nhằm ngâm vịnh, không nhằm nắn câu vuốt chữ. Ông quan niệm “văn dĩ tải đạo” một cách bền bỉ “Mến nghĩa sao đành làm phản nước/ Có nhân nào nỡ phụ tình nhà”. Dù thực dân Pháp tìm mọi chiêu trò lôi kéo và mua chuộc nhưng ông vẫn kiên định “Nước trong rửa ruột sạch trơn/ Một câu danh lợi chi sờn lòng đây”.
Cho nên, không phải ngẫu nhiên nhà thơ Xuân Diệu (1916-1985) cho rằng văn chương Nguyễn Đình Chiểu là “một món quà mà Nam bộ đã cho Tổ quốc, bởi đó là của quý, do miền Nam sản xuất, có một hương vị rất là miền Nam, mà vì vậy nên rất Việt Nam”.
Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu được các thế hệ sau quan tâm sâu sắc ở 3 lĩnh vực: văn chương, sư phạm và y tế. Văn chương của Nguyễn Đình Chiểu không chỉ truyền tải rõ nét suy tư của ông về sư phạm “Gặp thuở mây xanh siêng đọc sách/ Mỗi câu đều hưởng phúc trời cho” mà còn khắc họa nghề thầy thuốc đầy đủ và nghiêm khắc qua tác phẩm “Ngư tiều y thuật vấn đáp”.
Phần mộ Nguyễn Đình Chiểu và vợ - Lê Thị Điền tại Ba Tri, Bến Tre.
Kinh nghiệm chữa bệnh cho bá tánh được Nguyễn Đình Chiểu đúc kết “Người biết được chỗ cốt yếu thì một câu là xong/ Người không biết chỗ cốt yếu thì man mác vô cùng”. Vì vậy, ông đưa ra tiêu chí cẩn trọng “Vọng là xem sắc người đau/ Văn là nghe tiếng nói màu thấp cao/ Vấn là hội chứng làm sao/ Thiết là coi mạch bộ nào thực hư”.
Đồ Chiểu cho rằng, “chữa bản” là chữa thẳng vào bệnh, “nên bổ” là chữa bệnh chủ yếu về dinh dưỡng, “nên trước nên sau” là bệnh nào gấp hơn thì chữa trước nhưng phải tùy nghi, vì chẩn trị sai lệch một chút thì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng con người “Cho hay chỗ diệu hóa công/ Trong động có tĩnh, hết cùng lại thông”.
Có thể khẳng định, “Ngư tiều y thuật vấn đáp” là một trong số rất ít ỏi sách y được viết dưới dạng vần điệu mạch lạc và thuyết phục. Nguyễn Đình Chỉ chỉ ra căn nguyên cốt lõi của bệnh tật chính là lòng tham lam quá độ “Tai tham tiếng nhạc, mắt giành gái xinh/ Mũi thời tham vị hương hinh/ Miệng thời tham béo, ngọt, thanh, rượu, trà”. Cho nên, cách bảo vệ sức khỏe tốt nhất là sự tiết chế “Muốn cho thần sáng, tinh ròng/ Giữ nuôi khí huyết, ngăn lòng dục sâu”.
Đến nay, “Ngư tiều y thuật vấn đáp” vẫn còn nguyên vẹn những giá trị đạo đức của người thầy thuốc. Nguyễn Đình Chiểu đề cao trách nhiệm của người thầy thuốc “Thấy người đau giống mình đau/ Phương nào cứu đặng mau mau trị lành”. Ông nhắc nhở thầy thuốc không được phân biệt bệnh nhân sang hèn “Đứa ăn mày cũng trời sinh/ Bệnh còn cứu đặng thuốc dành cho không”.
Bằng trái tim từ mẫu “Líu lo chim hót trên cành/ Như tuồng kể mách tình hình dân đau”, ông khái quát lên triết lý nhân văn cho người Việt hướng về nhau bằng sự yêu thương trìu mến “Ai ai cũng vốn đồng bào/ Sanh trong trời đất lẽ nào ghét nhau”.
200 năm, và sẽ còn lâu hơn nữa, người Việt sẽ còn bái vọng và tri ân danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Con người Nguyễn Đình Chiểu không phải sống tùy thời theo lục bình trôi theo dòng nước khi lớn khi ròng, mà từ đầu chí cuối đứng sừng sững như cây dừa, rễ ăn sâu, thân đứng thẳng, đương đầu bất khuất với thời cuộc mỗi lúc mỗi thêm bi đát, giữ được đến cuối cùng cái chính khí bản nhiên, cái ý chí quang phục, cái nhân cách Việt Nam.
Vừa bằng cuộc đời, vừa bằng văn thơ, Nguyễn Đình Chiểu để lại cho chúng ta một đạo làm người nhất quán yêu nước thương dân, trọng nghĩa khinh tài, trong sạch bất khuất, được đồng bào quý mến, còn kẻ thù thì kính nể.