1. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh vốn là một tác giả kịch bản, với nhiều tác phẩm ăn khách trên sân khấu và truyền hình. Bằng bộ phim đầu tay “Lô tô”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đã gây bất ngờ không ít với công chúng. Thế nhưng, sự dấn thân của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chỉ thực sự khiến đồng nghiệp ấn tượng, khi anh thực hiện sê-ri phim cổ trang “Phượng Khấu”.
Bộ phim “Phượng Khấu” được NME vinh danh trong top 10 TV Shows năm 2020, chính là động lực để đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh tiếp tục theo đuổi dòng phim cổ trang với dự án “Huyết rồng”. Chọn kịch bản “Huyết rồng” của nhà biên kịch Đặng Thanh để bấm máy sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh thổ lộ: “Dòng phim nghệ thuật hiện tại chỉ là một con đường nhỏ, và chưa quá thông thoáng chứ không có nghĩa là nó hoàn toàn không thể tiếp tục.
Và thời gian qua, nhiều tác phẩm vẫn gây được chú ý với công chúng. Thế nên, tôi hoàn toàn thấy lòng tin vào tương lai của thể loại này, khi “khẩu vị giải trí” của khán giả cũng đang dần nâng cao, nên nhu cầu thưởng thức điện ảnh với chuẩn mực nghệ thuật cao hơn chính là dấu hiệu tích cực”.
Huyết rồng” đưa khán giả Việt Nam “xuyên không” về thời khắc lịch sử chuyển giao quyền lực đẫm máu từ nhà Tiền Lê (Vua Lê Ngọa Triều - Lê Long Đĩnh) sang nhà Lý (Vua Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn) năm 1009. Để tránh những tranh cãi không đáng có, dễ khiến tác phẩm bị cuốn vào những ồn ào tiêu cực, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh và ekip xác định “Huyết rồng” là tác phẩm mang nhiều yếu tố hư cấu, hệ thống sự kiện và nhân vật lịch sử của giai đoạn trên chỉ là chất liệu tham khảo và tạo nên cảm xúc sáng tạo chớ không sa đà vào việc minh họa lịch sử hay “sát sử” và thậm chí các nhân vật trên phim sẽ được đổi tên để tránh những tranh cãi không đáng có vì bản chất phim ảnh là sự sáng tạo nghệ thuật còn lịch sử thuộc về khoa học xã hội .
Phác thảo nhân vật Lê Long Đĩnh trong bộ phim “Huyết rồng”.
Điều này hoàn toàn hợp lý và khéo léo khi giai đoạn lịch sử này gần như rất ít tư liệu lịch sử ghi chép lại. Đó cũng được xem là yếu tố góp phần mở đường sáng tạo cho “Huyết rồng”, bởi kịch bản phim sẽ có thể sáng tạo (trong khuôn khổ hợp lý) và góp phần kiến giải thanh thoát cho giai thoại lịch sử đầy bí ẩn vẫn thu hút nhiều nhà nghiên cứu. Nhà Tiền Lê (bắt đầu khi Đinh Phế Đế nhường ngôi cho Lê Hoàn vào năm 980) là giai đoạn lịch sử thiếu hụt rất nhiều những ghi chép trong sử sách nên đó là một thách thức rất lớn cho nhà sản xuất để tạo ra bộ phim “Huyết rồng”. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cùng ekip đã phải mất khá nhiều thời gian để giải bài toán này trong quá trình tiền kì khảo cứu, chế tác phục trang, đạo cụ, cảnh trí …
2. Khác với “Phượng Khấu” tập trung vào nhũng cuộc cung chiến đầy tâm kế chốn hậu đình, “Huyết rồng” lại có những trận đánh khốc liệt, kịch tính mãn nhãn cho khán giả. Đây tiếp tục là bài toán đang được ekip cố gắng tìm ra đáp án phù hợp bởi yếu tố kinh phí hạn hẹp luôn là vấn đề nan giải trong mỗi dự án phim dã sử cổ trang nhất là với nền phim ảnh còn non trẻ hiện nay của Việt Nam.
2. Khác với “Phượng Khấu” tập trung vào nhũng cuộc cung chiến đầy tâm kế chốn hậu đình, “Huyết rồng” lại có những trận đánh khốc liệt, kịch tính mãn nhãn cho khán giả. Đây tiếp tục là bài toán đang được ekip cố gắng tìm ra đáp án phù hợp bởi yếu tố kinh phí hạn hẹp luôn là vấn đề nan giải trong mỗi dự án phim dã sử cổ trang nhất là với nền phim ảnh còn non trẻ hiện nay của Việt Nam.
Với tư cách đạo diễn kiêm nhà sản xuất “Huyết rồng”, Huỳnh Tuấn Anh đã úp mở thêm một chút nội dung về vai diễn vua Lê Ngọa Triều - Lê Long Đĩnh: “Là bậc hoàng đế, đứng trên vạn người nhưng cô độc. Ngai vị ấy không thể mang lại hạnh phúc cho chính quân vương. Và cuộc đời của Lê Long Đĩnh vui vẻ không mấy chốc, những chiến công hiển hách trong 4 năm trị vì đều bị lu mờ bởi những dòng dã sử 2 chiều đối nghịch”.
Trong khi đó, nhà biên kịch Đặng Thanh chia sẻ: “Với dự án “Huyết rồng”, lần đầu tiên chúng tôi kể một câu chuyện khác, để hậu thế đời sau nhớ đến một giai đoạn lịch sử, văn hóa, kinh tế, đầy biến động. Khi tuổi đời mới tròn 20, một vị đế vương trị vì vỏn vẹn chỉ 4 năm nhưng ông đã có những quyết sách tốt bên cạnh muôn vàn những sai lầm bởi trái tim nhạy cảm nồng nhiệt của một chàng trai trẻ khi yêu và khi đau khổ thì cũng dằng xé tan nát tâm can không kém”.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh là một gương mặt trẻ được nhiều người kỳ vọng trong làng nghệ thuật thứ bảy. Bởi lẽ, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đã dám vượt qua những thử thách cam go để đến với trường quay, như chính anh bộc bạch: “Tôi thích văn nghệ từ thời cấp 3, trong trường luôn múa, hát, vẽ khá tốt nhưng không biết đi học nghệ thuật làm sao. Khi thi đại học, tôi đậu 3 trường đại học nhưng ba khuyên nên học sư phạm vì ra trường không sợ bị thất nghiệp.
Vào học 1 năm, tôi thấy mình chọn nhầm trường. Tôi tự nhủ không thể trở thành một chiếc máy thu âm phát đi phát lại bài học giảng văn năm này qua năm khác. Nghĩ tới viễn cảnh là ông giáo già nhìn ra ngoài cửa sổ trời mưa buồn bã, tôi không chấp nhận được. Vì vậy đi dạy được 6 tháng tôi quyết định nghỉ, trở về quê làm ở trung tâm tâm văn hóa tỉnh Hà Tiên. Làm 1 năm, tôi lại cảm thấy không chịu nổi. Sau khi đi trại sáng tác thơ ở Đà Lạt, tôi không về quê mà quay xuống TPHCM.
Trong túi chỉ có 80.000 đồng, tôi đi học đạo diễn sân khấu. Bỏ nghề có thu nhập ổn định theo nghiệp xướng ca vô loài, tôi bị ba giận không nói chuyện suốt 5 năm. Ông không chu cấp tiền học cho tôi vì vậy tôi ở nhờ nhà bạn 6 tháng, học sân khấu. Tôi nghĩ ai ở tỉnh muốn theo nghệ thuật nếu đủ lòng tin, độ lỳ thì sẽ thành công sẽ có”.
Bộ phim “Huyết rồng” dự kiến bấm máy vào tháng 4-2021 với 70% bối cảnh được thực hiện tại Ninh Bình. Bỏ tiền tỷ để làm phim cổ trang, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh khẳng định: “Nghệ sĩ Hữu Châu nói tôi là đạo diễn nghèo nhất Việt Nam. Nếu đi vào nghệ thuật kiếm tiền tôi đã khác, nhưng tôi xác định làm nghệ thuật là phải để lại dấu ấn.
Về vật chất tôi không có gì nhưng về tác phẩm thì khá đồ sộ với hàng chục phim truyền hình, sân khấu, kịch bản điện ảnh. Tôi luôn biết mình là ai, ưu khuyết điểm là gì nên luôn tỉnh táo trước lời mời đầy cám dỗ. Có người mời tôi làm tác phẩm tôi không thích thì sẽ không làm. Tôi chọn tác phẩm vừa với mình, làm tử tế nhất, tiền ít một chút cũng được”.