Nhiều điểm mới
Theo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), dự thảo quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ sửa đổi nhằm điều chỉnh một số nội dung để quy định về tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cho phù hợp với Luật GDĐH cũng như hệ thống văn bản liên quan tới khung trình độ quốc gia, khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, quy định về chuẩn chương trình đào tạo.
Dự thảo Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ có nhiều điểm mới đáng chú ý. Về tuyển sinh, quy chế hiện hành tại Thông tư 15/2014 chỉ có hình thức thi tuyển và quy định rất chi tiết về đề thi, tổ chức thi, chấm thi... Tuy nhiên, căn cứ Luật GDĐH, bên cạnh thi tuyển, cơ sở đào tạo được phép sử dụng phương thức xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Dự thảo cũng quy định về nguyên tắc và ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Từ đó, cơ sở đào tạo xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường, từng ngành, nhưng phải tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định, để thực hiện trách nhiệm giải trình cũng như sự giám sát của các bên liên quan và toàn xã hội.
Song song đó, dự thảo cũng tăng cường quản lý chất lượng đầu ra khi quy định chuẩn đầu ra phải đạt trình độ bậc 4 theo Khung năng lực 6 bậc của Việt Nam. Chuẩn đầu ra này cũng là điều kiện đầu vào của tuyển sinh trình độ tiến sĩ tại Việt Nam. Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ phải tuân thủ quy định về chuẩn đào tạo theo định hướng nghiên cứu hoặc ứng dụng. Thời gian đào tạo xác định trên cơ sở số lượng tín chỉ phải tích lũy cho từng chương trình và do giám đốc, hiệu trưởng các cơ sở đào tạo quy định, kéo dài không quá 2 năm so với thời gian thiết kế chương trình. Các trường ban hành quy chế tổ chức xét tuyển phù hợp với trường và ngành đào tạo.
Cần bộ tiêu chí cụ thể
Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, dự thảo cũng cho phép đối tượng đầu vào là người học có bằng ĐH ở các ngành khác với khối lượng học tập tích lũy khác nhau. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu đào tạo của mọi đối tượng người học, tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ có thể mềm dẻo về quy trình nhưng vẫn bảo đảm về chất lượng. Luật GDĐH không cho phép liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ ngoài cơ sở, nên các cơ sở không được phép tổ chức đào tạo thạc sĩ ngoài trụ sở chính hoặc phân hiệu.
Để hạn chế việc một giảng viên hướng dẫn luận văn thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu tràn lan, không có công cụ kiểm soát chất lượng, dự thảo đã được bổ sung nhiều quy định để siết chất lượng hơn. Dự thảo cũng nâng chất “sản phẩm” đầu ra, quy định cơ sở đào tạo có quy định về cách thức trình bày luận văn, số lượng từ tối thiểu và tối đa theo yêu cầu từng ngành; quy định về cam kết của học viên trong đạo đức nghiên cứu; quy định và hướng dẫn việc sử dụng hoặc trích dẫn kết quả nghiên cứu đã công bố theo quy định trích dẫn quốc tế đã chuẩn hóa, theo yêu cầu của từng ngành, chuyên ngành; quy định về rà soát và chống sao chép bằng phần mềm chuyên dụng; xử lý vi phạm khi tỷ lệ sao chép không trích dẫn đúng quy định.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Đào tạo sau ĐH Trường ĐH Luật TPHCM, dự thảo mở thêm hướng xét tuyển đào tạo trình độ thạc sĩ là đúng, nhưng cần phải có bộ tiêu chí quy định cụ thể. Muốn xét tuyển thì phải có bộ tiêu chí, vì vậy dự thảo cần làm rõ hơn để tạo cơ sở thuận lợi khi các trường thực hiện. Ngoài ra, dự thảo có xây dựng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trong việc đào tạo thạc sĩ với yêu cầu “người học thạc sĩ cần có bằng tốt nghiệp học lực khá mới được thi tuyển”, như vậy là khép lại cơ hội cho người học. Việc này nên để các trường chủ động đầu vào và siết chuẩn đầu ra.
TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2021 cho rằng: Quan trọng là đảm bảo chất lượng đào tạo vì uy tín và danh dự của trường. Không nên quá lo lắng đầu vào, mà cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành tiêu chuẩn chất lượng khung và kiểm soát chất lượng đào tạo, ban hành các quy định để đảm bảo luật chơi công bằng.