Đó là chia sẻ của TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội tại buổi tọa đàm về các cam kết lao động của Việt Nam CPTPP diễn ra ngày 13-11 tại Hà Nội.
CPTPP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) chất lượng cao mà Việt Nam đã tham gia ký cam kết cùng 10 nước vào tháng 3-2018 và ngày 12-11 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua (cuối tháng 12, hiệp định này sẽ có hiệu lực). Lợi ích mà CPTPP cũng như các FTA thế hệ mới mang lại khi Việt Nam tham gia là các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng các mức thuế suất ưu đãi.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), để đạt được các cam kết, thỏa thuận trong FTA, chúng ta phải đáp ứng các điều khoản về lao động trên cơ sở mà Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nêu. Đó là về tự do liên kết và thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức, xóa bỏ lao động trẻ em, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong lao động…
Lý giải về việc tại sao lại có nội dung cam kết về vấn đề lao động trong các FTA, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết, theo quy định khi gia nhập các hiệp định FTA, các nước không được tạo ra lợi thế cạnh tranh thương mại bằng việc hạ thấp tiêu chuẩn lao động. Việc bắt buộc phải thực hiện các cam kết về lao động khi tham gia các FTA là xu thế chung trong thời gian tới.
Năm 1995 mới chỉ có 3 hiệp định FTA có nội dung cam kết về lao động (chiếm 7,3%), nhưng tới năm 2016 đã có tới 77 trong tổng số 267 FTA được ký kết ở 136 quốc gia có nội dung về lao động (chiếm 28,8%). Trong đó, 62% mang tính thúc đẩy, 38% mang tính điều kiện (thường là ở các hiệp định có đối tác là Hoa Kỳ, Canada và EU).
“Các nội dung mang tính điều kiện gắn với nội dung thương mại, nếu anh không tuân thủ thì không được hưởng các ưu đãi về thuế suất” - ông Nguyễn Mạnh Cường giải thích và bổ sung thêm, từ năm 2008 đến 2016 đã có tới 64% FTA đòi hỏi có cam kết về lao động, nằm chủ yếu ở các hiệp định có đối tác là các nước phát triển như Bắc Mỹ và EU.
Theo nhiều chuyên gia, tham gia CPTPP Việt Nam sẽ có lợi nhiều hơn là thách thức, trong đó thuế suất thấp và ưu đãi thương mại là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, theo ông Đào Quang Vinh, khó nhất là làm cách nào để doanh nghiệp Việt Nam khai thác được những lợi thế về thị trường và xuất khẩu khi gia nhập CPTPP.
“Muốn gia tăng hàng hóa vào các nước trong CPTPP thì phải nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để được các thị trường trong CPTPP chấp nhận” - TS Đào Quang Vinh nói.
Cũng theo TS Đào Quang Vinh, khi gia nhập CPTPP thị trường xuất khẩu mở ra các cơ hội, các ngành mà Việt Nam có lợi thế cần khai thác và chuẩn bị tốt về nguồn lực lao động là dệt may, da giày, thủy sản, chế biến gỗ, lắp ráp điện tử...
Mặc dù, theo dự báo thì gia nhập CPTPP, lượng việc làm mới được tạo ra chỉ bằng một nửa so với TPP nếu có Hoa Kỳ, nhưng từ năm 2020 vẫn có khoảng 17.000 - 20.000 việc làm mới cho thị trường lao động tại Việt Nam. Con số này, nếu nhìn riêng lẻ thì không nhiều, nhưng nếu nhìn tổng thể các hiệp định FTA mang lại thì đó là con số đáng kể, trong bối cảnh tạo việc làm mới sẽ gặp khó khăn trong những năm tới.
Để thực hiện tốt các cam kết với CPTPP, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, 2 việc quan trọng mà chúng ta cần phải làm trong thời gian tới là sửa đổi lại Bộ luật Lao động và tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực thực thi các điều khoản trong cam kết chung và riêng.