(ĐTTCO) - Sau nửa năm thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi), tình hình đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư đều chuyển biến tích cực, thậm chí lập kỷ lục mới. Điều này cho thấy những quy định tháo gỡ khó khăn về thủ tục gia nhập thị trường của 2 đạo luật trên đã bước đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, không phải không còn những vướng mắc về thủ tục đầu tư kinh doanh, và đáng chú ý hơn một số cơ quan vẫn tiếp tục đưa ra các quy định về điều kiện kinh doanh không phù hợp với tinh thần cải cách của luật.
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), từ ngày Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (1-7-2015) đến giữa tháng 12-2015, đã có 46.740 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký 302.674 tỷ đồng, tăng 24,5% về số doanh nghiệp và tăng 50,3% về số vốn đăng ký mới.
Vốn đăng ký bình quân mỗi doanh nghiệp trong giai đoạn này đạt 6,47 tỷ đồng, tăng 20,7% so với trung bình vốn đăng ký doanh nghiệp cùng kỳ năm 2014. So với năm 2014, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2015 tăng 25,4% về số doanh nghiệp và 37,9% về số vốn; đặc biệt số doanh nghiệp thành lập mới đạt 93.868, là số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lớn nhất từ trước tới nay. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh đã có sự khởi sắc và trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư sau khi 2 đạo luật trên có hiệu lực thi hành.
Lĩnh vực đăng ký đầu tư cũng ghi nhận những tín hiệu khả quan. Tính từ ngày 1-7 đến 15-12-2015, cả nước có 842 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 7,5 tỷ USD; 788 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 5,4 tỷ USD. Tính chung trong thời gian này, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 12,9 tỷ USD, chiếm 42,3% số dự án và 57% tổng vốn đầu tư của cả nước trong năm 2015. Cùng thời gian này, đã có 690 dự án đầu tư trong nước được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 200.000 tỷ đồng (tương đương 9,4 tỷ USD) và 368 dự án điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.
Những kết quả trên cho thấy 2 đạo luật mới đã có những tác động nhất định. Đó là việc giảm thời gian đăng ký kinh doanh từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc, tạo điều kiện thuận lợi hơn để khuyến khích doanh nghiệp gia nhập thị trường, nhanh chóng tận dụng được các cơ hội đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, sau 6 tháng triển khai luật, bên cạnh những mặt mạnh về việc giảm tải một số thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ. Một điểm đáng chú ý là các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật được ban hành khá chậm. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cả cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn rất lúng túng trong việc áp dụng một số quy định mới của luật. Hay như việc đăng ký mẫu con dấu theo quy định mới, dù không phức tạp nhưng vẫn mất tới 4 ngày làm việc.
Một vấn đề đáng lưu ý hơn là trái với tinh thần cải cách của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi), một số cơ quan quản lý vẫn đưa ra những điều kiện kinh doanh mới, khiến nỗi lo giấy phép con trở lại đang tăng lên. Trong một báo cáo gửi lên Thủ tướng mới đây, Bộ KH-ĐT cho biết đến nay một số bộ, ngành đã coi việc rà soát văn bản pháp luật, trong đó có văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh là hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành, một số bộ vẫn tiếp tục ban hành, soạn thảo các thông tư quy định về điều kiện kinh doanh. Chẳng hạn, Bộ LĐ-TB-XH ban hành Thông tư 25 ngày 13-7-2015, quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp; Bộ Tài chính ban hành Thông tư 197 ngày 3-12-2015, quy định về hành nghề chứng khoán; Bộ Xây dựng đang soạn thảo thông tư quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản...
Những tư duy quản lý trên sẽ làm suy giảm hiệu lực thi hành các quy định của Luật Đầu tư về kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh. Bất cập này cho thấy thách thức lớn nhất vẫn nằm ở mảng vấn đề về chất lượng điều kiện đầu tư kinh doanh. Nếu không có sự thay đổi mạnh về tư duy quản lý, đây sẽ là cản trở lớn nhất trong việc hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh theo tinh thần cải cách của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi).