Phụ huynh bức xúc
Mới đây, đông đảo phụ huynh Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Tân Bình, TPHCM) đã yêu cầu hiệu trưởng nhà trường minh bạch về tài chính. Theo phụ huynh, các khoản thu về dạy kỹ năng sống, học tiếng Anh thiếu minh bạch, đồng thời yêu cầu nhà trường công khai các khoản thu từ năm 2017 đến nay. Trước yêu cầu chính đáng của tập thể phụ huynh, Phòng GD-ĐT quận Tân Bình đã đình chỉ công tác của hiệu trưởng N.T.H.Y. để làm rõ sự việc.
Phụ huynh Trường THCS Bình Chánh (huyện Bình Chánh) cũng bức xúc khi nhà trường đưa ra quy định thu mỗi học sinh 40.000 đồng tiền ghế ngồi trong 4 năm học. Quy định này đã làm tăng thêm gánh nặng tài chính cho nhiều gia đình. Nhiều phụ huynh càng bức xúc về các khoản thu đầu năm của con em mình khi thông tin về Trường THCS Bình Chánh bị đưa lên mạng xã hội.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, cho hay, tiền ghế ngồi không nằm trong các khoản thu đầu năm của Trường THCS Bình Chánh. Tiền này do đại diện Hội phụ huynh đề xuất nhưng khi thu thì có phiếu thu, văn thư lấy con dấu của trường đóng vào là không đúng quy định. Đại diện của nhà trường đã nhận ra sai sót của mình và trả lại tiền cho phụ huynh.
Thực tế, không ít nhà trường thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh để đặt ra các khoản thu. Ông Nguyễn Văn, ngụ phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) cho biết, gia đình có 2 con đi học, đầu năm phải đóng liền một khoản 12 triệu đồng, gần trọn thu nhập 1 tháng của gia đình. Đối với không ít gia đình, nhiều khoản đóng góp đầu năm đã trở thành gánh nặng kinh tế.
Những khoản đóng góp này đã được Ban đại diện cha mẹ học sinh thông qua nên không thể thoái thác, gia đình khó khăn cũng phải gồng mình đóng. “Đã có trường hợp gia đình quá khó khăn phản ứng không đóng thêm tiền ăn trưa. Khó nỗi, một trường hợp không thực hiện sẽ làm vỡ kế hoạch chung của lớp nên mọi người đành chấp hành”, ông Văn ngậm ngùi.
Phải quyết liệt chống lạm thu
Theo Luật gia Nguyễn Văn Khôi (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 55/2011 quy định về điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường, quy định chức năng, nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh và các khoản thu phục vụ hoạt động của ban. Trong chỉ thị đầu năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các địa phương thực hiện thu, chi tại các cơ sở giáo dục đúng quy định, tránh lạm thu gây khó khăn cho phụ huynh học sinh.
Ông Võ Quốc Bình, ngụ tại phường Bến Nghé, quận 1 (TPHCM), đang có 3 con theo học tại các trường phổ thông công lập tại quận 1 khẳng định, một số người tham gia Ban đại diện cha mẹ học sinh vì tư lợi, muốn tạo mối quan hệ tốt đẹp với nhà trường để xin thành tích cho con cái. Vì vậy, họ thường không tiếc tiền bỏ ra để con cái được ưu tiên trong khen thưởng.
“Sự bất bình đẳng trong đối xử giữa học sinh này và học sinh khác là điều thường gặp ở một số trường. Lúc này đây, điều kiện công nghệ thông tin (trang tin điện tử trường học, thư điện tử, sổ liên lạc điện tử…) đang tạo nhiều cơ hội để mỗi phụ huynh có thể liên hệ trực tiếp với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm về việc học của con em cũng như lấy ý kiến trực tiếp về các khoản đóng góp. Hình thức này hiệu quả hơn thông qua trung gian là Ban đại diện cha mẹ học sinh, và có lẽ nên xem xét vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh đối với nhà trường.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, khẳng định, các khoản thu phải được thống nhất với phụ huynh trước khi thực hiện và khi thu phải cấp hóa đơn cho từng học sinh, thực hiện đầy đủ chế độ quản lý tài chính theo quy định, giãn thời gian thực hiện các khoản thu, không tổ chức thu gộp nhiều khoản trong cùng thời điểm. Ngoài ra, sở cũng yêu cầu 100% các đơn vị trực thuộc sử dụng “Phần mềm quản lý trực tuyến các nguồn thu” để triển khai thu học phí, các khoản thu khác bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngày 14-9, Sở GD-ĐT TPHCM đã ban hành công văn quy định mức khung các khoản thu tại trường học năm học 2020-2021. Theo đó, ngay đầu năm học, các đơn vị phải thỏa thuận thống nhất chủ trương với phụ huynh học sinh để có cơ sở lựa chọn và quyết định các hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục. Thời gian thu các khoản thu khác phải đảm bảo nguyên tắc theo số tháng thực học nhưng không vượt quá khung thời gian quy định của Quyết định 2752 ngày 4-8-2020 của UBND TPHCM (ban hành kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn TPHCM). |