Với việc gấp rút đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ, ông Nguyễn Quang Giang, Phó Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết các tuyến cao tốc Bắc - Nam đã đưa vào khai thác trong năm nay sẽ đưa vào các trạm dừng nghỉ hoạt động với một số hạng mục thiết yếu để phục vụ người dân.
Các cao tốc đều có trạm dừng nghỉ trong năm nay
- Xin ông cho biết tiến độ đầu tư trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông hiện nay ra sao?
Ông Nguyễn Quang Giang: Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Đông gồm 36 trạm. Trong đó, 9 trạm dừng nghỉ đã và đang đầu tư xây dựng; một trạm do địa phương quản lý sẽ triển khai khi đầu tư cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng; 2 trạm dừng nghỉ do Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý gồm Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Bến Lức-Trung Lương.
Về tiến độ thực hiện 24 trạm trên các tuyến cao tốc do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, các Ban Quản lý dự án đã tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn lập hồ sơ của 21 trạm. Trong số 24 trạm, có 10 trạm dừng nghỉ thuộc Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 và 11 trạm thuộc Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025; còn lại 3 trạm trên Cao tốc La Sơn-Hòa Liên, Dự án Hầm Đèo Cả và đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ đang thống nhất vị trí và hoàn thiện hồ sơ để bổ sung thực hiện.
Đối với 8 trạm dừng nghỉ Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 đã phát hành hồ sơ mời thầu vào tháng 3/2024, mở thầu vào ngày 20/5 tới đây. Dự kiến lựa chọn xong nhà đầu tư vào tháng 6/2024.
Sau khi có nhà đầu tư, các Ban Quản lý dự án đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu có biện pháp ưu tiên thi công hạ tầng, phương án bố trí các công trình tạm phục vụ người tham gia giao thông. Trạm dừng nghỉ có nhiều hạng mục, nhưng sẽ chỉ đạo ưu tiên các hạng mục cấp thiết như bãi đỗ xe, cây xăng, nhà vệ sinh để phục vụ nhu cầu của người dân.
Trong vòng 2-3 tháng sau khi trúng thầu nhà đầu tư phải ưu tiên làm trước các hạng mục này để giải quyết nhu cầu bức xúc của người dân. Việc này sẽ được đưa vào hồ sơ thầu và đàm phán hợp đồng với nhà đầu tư trạm dừng nghỉ.
Về tiến độ giải phóng mặt bằng, nếu lựa chọn xong nhà đầu tư mà không có mặt bằng sẽ khó đạt được tiến độ theo yêu cầu. Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các Ban Quản lý dự án làm việc với địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để có thể bàn giao ngay trong tháng 6/2024 hoặc có phương án bàn giao từng phần để nhà đầu tư tổ chức triển khai thi công trước các công trình công cộng thiết yếu.
Như vậy có thể đưa 5 trạm có công trình tạm thuộc trạm dừng nghỉ phục vụ cao tốc trong tháng Tám, tháng Mười thêm 3 trạm. Khi đó, khoảng cách tối đa cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ chỉ còn 97km ở cao tốc Quốc lộ 45-Nghi Sơn. Sau khi công trình tạm của trạm trên cao tốc này hoàn thành sẽ đảm bảo các dự án thành phần đã thông xe đều có trạm dừng nghỉ tạm vào tháng 11/2024.
Về lựa chọn nhà đầu tư các trạm dừng nghỉ Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, trong trường hợp Thông tư hướng dẫn một số nội dung về lựa chọn nhà đầu tư được ban hành trong tháng Năm sẽ phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư ngay.
Dự kiến việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ hoàn thành trong tháng 8/2024. Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo các Ban Quản lý dự án phối hợp tích cực với các địa phương để hoàn thành giải phóng mặt bằng xây dựng các trạm để kịp với tiến độ lựa chọn nhà đầu tư vào tháng Tám, để nhà đầu tư có thể triển khai thi công sớm nhất, đảm bảo hoàn thành trạm dừng nghỉ đồng bộ với tiến độ hoàn thành các dự án xây dựng đường cao tốc.
- Vì sao lúc đầu tư Dự án Cao tốc Bắc-Nam thì cần thiết phải làm song hành các trạm dừng nghỉ này để phục vụ nhu cầu cho người dân dừng nghỉ dọc tuyến?
Ông Nguyễn Quang Giang: Trước kia, trong quyết định đầu tư Dự án Cao tốc Bắc-Nam đã hoạch định vị trí, quy mô trạm dừng nghỉ và được định hướng đầu tư theo phương thức xã hội hóa. Nguồn vốn thực hiện các dự án trạm dừng nghỉ Cao tốc Bắc-Nam sẽ đầu tư bằng 100% vốn của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, do các quy định của pháp luật giai đoạn trước đây về đầu tư, kinh doanh và khai thác trạm dừng nghỉ chưa được đầy đủ, chưa rõ ràng, nên việc triển khai đầu tư trạm dừng nghỉ theo hình thức xã hội hóa gặp khó khăn, vướng mắc, chưa bảo đảm khai thác đồng bộ với đường cao tốc.
Để có cơ sở tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện trạm dừng nghỉ, năm 2023 Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BGTVT ngày 07/3/2023 hướng dẫn về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ. Phần vốn từ Nhà nước chi trả trong giai đoạn chuẩn bị dự án như giải phóng mặt bằng, chi phí tư vấn, chi phí tổ chức mời thầu sẽ được nhà đầu tư hoàn trả theo quy định tại Thông tư số 01/2023 của Bộ Giao thông Vận tải.
Ngoài ra, dự án đường cao tốc có phương án tính toán tăng trưởng lưu lượng phương tiện qua hàng năm và tính được chi phí hoàn vốn, phương án tài chính tương đối chính xác. Tuy nhiên, đối với trạm dừng nghỉ thì rất khó tính toán phương án tài chính bởi không thể biết bao nhiêu xe rẽ vào, bao nhiêu người dùng dịch vụ.
Sẽ không có chuyện bán thầu
- Các trạm dừng nghỉ đang tổ chức đấu thầu có đông số lượng nhà đầu tư tham gia ứng tuyển. Với những nhà đầu tư đã làm trạm dừng nghỉ thì có thuận lợi hoặc ưu tiên gì hơn so với các nhà đầu tư khác tham gia đấu thầu?
Ông Nguyễn Quang Giang: Trong quá trình đấu thầu trạm dừng nghỉ, tất cả các nhà đầu tư tham gia ứng tuyển đều được xét theo đúng năng lực, tài chính, không phải cứ có bản “CV lý lịch tốt” thì sẽ được ưu ái.
Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức sơ tuyển đánh giá năng lực nhà đầu tư có rất nhiều nhà đầu tư nộp hồ sơ quan tâm. Qua 8 trạm dừng nghỉ, tối thiểu đều có 2 nhà đầu tư đối với trạm, có trạm 6-7 nhà đầu tư.
Bộ Giao thông Vận tải công khai, minh bạch trong quá trình đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực làm trạm dừng nghỉ trên tuyến Cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Khi có nhà đầu tư, Cục đường Cao tốc Việt Nam đề nghị Ban Quản lý dự án đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu để có biện pháp ưu tiên thi công hạ tầng, phương án bố trí các công trình tạm phục vụ người tham gia giao thông trong thời gian ngắn nhất (tối đa 2-3 tháng) đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục công trình công cộng. Các công trình sau đó của trạm dừng nghỉ thời gian hoàn thành tối đa 12 tháng, nếu làm xong càng sớm thì càng tốt.
- Trong trường hợp đã chọn được nhà đầu tư nhưng sau đó họ lại không thực hiện theo đúng cam kết, hoặc có thể bỏ dở đầu tư giữa chừng. Bộ Giao thông Vận tải đã có biện pháp dự phòng gì đối với tình huống này?
Ông Nguyễn Quang Giang: Khi tham gia đấu thầu, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu nhà đầu tư đều phải có bảo đảm thực hiện hợp đồng (giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng từ 1-3% tổng chi phí thực hiện dự án theo quy định về mẫu hồ sơ mời thầu), nếu không thực hiện theo đúng nghĩa vụ cam kết thì đương nhiên sẽ mất tiền bảo đảm này.
Trường hợp doanh nghiệp do nhà đầu tư liên danh thành lập, các thành viên có quyền chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp cho nhau nhưng phải bảo đảm tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của từng thành viên và đáp ứng quy định về năng lực tài chính để thực hiện phần nghĩa vụ hợp đồng còn lại; quyền, nghĩa vụ thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư chuyển nhượng theo quy định tại hợp đồng.
Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện nghĩa vụ cam kết, nhà đầu tư sẽ mất tiền bảo đảm thực hiện hợp đồng, trạm dừng nghỉ khi đó sẽ phải đấu thầu lại.
- Xin cảm ơn ông.