Vài năm qua, nhiều điểm ngập nước trên địa bàn TPHCM đã được xóa, số lượng và phạm vi ảnh hưởng do ngập gây ra giảm đáng kể. Đó là thành quả của chương trình chống ngập cùng với những giải pháp căn cơ mà TP đã thực hiện. Nhưng theo đánh giá, việc chống ngập của TP vẫn chưa mang tính căn cơ, bền vững và còn mang tính đối phó.
Nhiều điểm ngập được xóa
Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM (TTCN) cho biết các dự án cải tạo, phát triển hệ thống thoát nước sau nhiều năm xây dựng đã hoàn thành, đưa vào vận hành 21 tuyến cống với chiều dài 32km, phát huy năng lực tiêu thoát nước. 57 tuyến kênh, rạch và các cửa xả với tổng chiều dài trên 6,5km cũng được nạo vét, khơi thông dòng chảy, tăng cường tiêu thoát của hệ thống cống và tăng dung tích chứa nước trên kênh rạch.
TP đã tập trung duy tu hạ tầng thoát nước đô thị có trọng tâm trọng điểm, cấp bách trong việc kết nối, mở hướng thoát nước, tăng khả năng thu nước cục bộ, lắp đặt van ngăn triều, xây các tuyến đê tạm, huy động các trạm bơm cố định, di động để xử lý các điểm ngập nặng, điểm ngập phát sinh khi mưa to, hoặc tổ hợp mưa cùng lúc với triều cường.
Về cải thiện tình hình ngập do mưa, 9 tháng đầu năm 2012, TP xảy ra 101 trận mưa, làm ngập 28 điểm, số điểm ngập giảm 42% so với cùng kỳ năm 2011. Trong 31 điểm ngập hiện hữu, chỉ tiêu năm nay sẽ đăng ký xóa 10 điểm. Có 8/10 điểm này đã được xóa ngập (điểm ngập trên đường Vũ Tùng, Ung Văn Khiêm, Lãnh Binh Thăng, Hậu Giang, Đỗ Xuân Hợp, Quang Trung, Phan Anh, An Dương Vương) và 2 điểm còn lại (Gò Dưa, QL1A) đang tiếp tục thi công trong 3 tháng cuối năm.
Đối với 21 điểm ngập còn lại, TTCN đang tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án, thực hiện các giải pháp cấp bách để sớm phát huy hiệu quả giảm ngập trong đầu năm 2013 cho 4 điểm ngập trên đường Bùi Hữu Nghĩa, Thái Phiên, Nguyễn Thị Thập, Lê Đức Thọ nhằm hoàn thiện các tuyến cống tại đây. Đối với 17 điểm ngập còn lại, chủ đầu tư đang hoàn thiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư để giải quyết căn cơ các điểm ngập này và kịp thời khởi công trong năm 2013.
Về cải thiện ngập do triều cường, sau khi lắp 615 van ngăn triều và 30 trạm bơm chống ngập đã góp phần xử lý 4 điểm ngập nặng trên đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Thị Thập, Bùi Hữu Nghĩa. 2 điểm ngập nặng trên đường Ngô Tất Tố và Bình Quới vẫn đang xử lý do vướng mặt bằng. Trên địa bàn TP thời gian qua đã xuất hiện 14 điểm tái ngập do ảnh hưởng thi công dự án, trong đó 7 điểm ngập nặng thuộc dự án Nâng cấp đô thị - lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm và 7 điểm ngập nhẹ.
Năm 2013, TTCN sẽ thực hiện mục tiêu xóa thêm 10/21 điểm ngập còn lại. 39 điểm ngập do mưa đã được xóa năm 2011 và số điểm ngập xóa trong năm 2012 cũng được theo dõi, đặt trong tầm kiểm soát nhằm hạn chế tối đa tình trạng tái ngập, không để phát sinh điểm ngập mới kéo dài.
Vẫn còn nhiều vướng mắc
Theo ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc TTCN TPHCM, tình hình thực hiện kiềm chế giảm ngập có nhiều chuyển biến tích cực. Thế nhưng, cần nhìn nhận việc xóa các điểm ngập, khống chế tái ngập, phát sinh mới hiện nay vẫn yếu, thiếu tính bền vững. Ngoài nguyên nhân khách quan (mưa lớn, triều cường), vẫn còn nhiều điểm tái ngập do ảnh hưởng thi công dự án.
Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011-2015 là một trong 6 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX, song ở một số sở, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao. Nhiều trường hợp xâm hại đến hệ thống thoát nước nhưng xử lý không kịp thời; nhiều hạng mục cấp bách xử lý ngập không thể thực hiện ngay do phải trình qua nhiều đơn vị thẩm định, phê duyệt, cấp phép…
Do đó, cần sự phối hợp hiệu quả giữa các sở, ngành để tạo đột phá trong việc thực hiện các quy trình, trình tự thủ tục xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ và cải thiện chất lượng dự án. Ô nhiễm môi trường, lấn chiếm kênh rạch, công trình thủy lợi, xâm hại hệ thống thoát nước còn là vấn đề bức xúc. Người dân mong mỏi phải được xử lý rốt ráo nhằm góp phần nâng cao dân sinh.
Trên địa bàn TP, lượng bùn thải từ các nguồn như: nạo vét sông, kênh, rạch, cống thoát nước… ước tính khoảng 5 triệu m3/năm và hiện bãi đổ Vườn Lan (khoảng 1ha) gần đạt công suất thiết kế, trong thời gian tới TP sẽ khó khăn về bãi đổ bùn. Song quy hoạch bãi đổ bùn và xây dựng trạm tiếp nhận, xử lý và chế biến bùn tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh đang gặp khó khăn trong công tác lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước.
Bên cạnh đó, do chưa xác định mép bờ cao, các quy định hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch, nên việc xử lý các trường hợp lấn chiếm, san lấp kênh rạch trái phép còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP, cho rằng thời gian qua nhiều dự án chống ngập trên địa bàn TP đã phát huy hiệu quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn mang tính đối phó tình thế do còn vướng mắc nhiều khó khăn trong thủ tục hành chính, vốn, năng lực đơn vị thi công, giải phóng mặt bằng. Đơn cử như dự án cải tạo kênh tiêu Đồng Tiến, kênh Ba Bò, hệ thống cống Nhiêu Lộc - Thị Nghè…
TTCN cũng như các sở, ngành liên quan cần báo cáo, tham mưu cho UBND TP sớm ban hành cơ chế đặc thù đối với các dự án chống ngập, trong đó làm sao khâu thủ tục phê duyệt dự án được rút ngắn để triển khai thi công nhanh.