Nhưng xét trên bình diện chung, chính sách phát triển hạ tầng của TPHCM dường như đang dồn mạnh vào khu vực phía Đông, khi khu này đang dẫn đầu về các công trình giao thông trọng điểm, như mở rộng Xa lộ Hà Nội, Đại lộ Võ Văn Kiệt, hầm vượt sông Sài Gòn, đường vành đai 2, Đại lộ Phạm Văn Đồng, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, metro số 1, bến xe miền Đông mới...
Tăng tiến độ nhiều công trình trọng điểm
Năm 2018, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TPHCM cho biết sẽ đẩy nhanh xây dựng và hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, giải quyết ùn tắc và dần khép kín hệ thống hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn.
Trong đó, các dự án giao thông khu Đông TP sẽ được ưu tiên thực hiện hoàn thành, bao gồm đường song hành cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; đường Vành đai 2 (từ cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa, nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú); cầu Thủ Thiêm 2; dự án 4 tuyến đường quanh Khu đô thị Thủ Thiêm; nút giao thông khác tại vòng xoay Mỹ Thủy - công trình trọng điểm về giải tỏa ùn tắc giao thông tại khu vực cảng Cát Lái.
Sở GTVT đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục đầu tư, nhằm khởi công mới 22 dự án cầu đường bộ. Trong đó ưu tiên đầu tư các dự án thành phần của tuyến đường Vành đai 2, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Quốc lộ 1, trục giao thông đô thị kết nối TP với các tỉnh lân cận… nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông khu Đông TP, kết nối đồng bộ và thông thương thuận lợi với các tỉnh lân cận. Ông BÙI XUÂN CƯỜNG, Giám đốc Sở GTVT TPHCM |
Song song đó, dự án xây dựng cầu bắc qua đảo Kim Cương, vốn đầu tư 500 tỷ đồng, nằm trên tuyến đường ven sông Sài Gòn đang được xây dựng giúp kết nối khu vực Thạnh Mỹ Lợi, khu Cát Lái (quận 2) với trung tâm TP, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2019.
Trong giai đoạn 2018-2020, Sở GTVT sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông phía Đông, như mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái); xây dựng đường nối từ cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy)...
Về loại hình vận tải khối lượng lớn hiện đại, theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP, ngoài dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động dọc trục cửa ngõ phía Đông từ quận 1, Bình Thạnh đến quận 2, 9 và Thủ Đức vào năm 2020, tuyến này còn kết nối đến cả tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Đồng thời, tại khu cửa ngõ chính của TP, tuyến đường sắt đô thị số 3b (Ngã 6 Cộng Hòa - Nguyễn Thị Minh Khai - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Quốc lộ 13 - Hiệp Bình Phước) cũng sẽ được hình thành trong tương lai.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM, trong tương lai tuyến này được định hướng kết nối với thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) từ ga Hiệp Bình và đi dọc Quốc lộ 13, kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 của tỉnh Bình Dương. Dự án đã được UBND TP đăng ký danh mục các dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản giai đoạn 2016-2018. Hiện UBND TP đã thông qua thiết kế cơ sở, hồ sơ ranh mốc và bàn giao cho địa phương quản lý quy hoạch.
Cú hích cho thị trường BĐS
Trong một cuộc họp mới đây, khi đề cập đến khu đô thị sáng tạo phía Đông TPHCM (gồm quận 2, 9 và Thủ Đức), ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, sẽ triển khai ý tưởng này của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, để TP thực hiện hiệu quả đề án xây dựng khu đô thị sáng tạo, chính quyền TP cần tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thành các tuyến đường vành đai, tuyến đường xuyên tâm, hình thành hệ thống kết nối giao thông trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị, tuyến tàu điện ngầm, mở rộng và quy hoạch các khu cảng phía Đông, nhất là cảng Cát Lái…
KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng, chính quyền cần đưa ra các giải pháp quyết liệt nhằm yêu cầu các sở ban ngành liên quan lưu ý về sự đồng bộ trong công tác quy hoạch, cấp phép xây chung cư, cao ốc ở trung tâm để tránh gây thêm căng thẳng về kẹt xe và quá tải hạ tầng đô thị.
“Cần có những giải pháp giãn dân bằng cách xây dựng các khu chung cư, cao ốc thương mại ở các khu cửa ngõ TP, đồng thời, từ đó sẽ tạo sự kết nối đồng bộ với hạ tầng giao thông đô thị” - KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.
Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Nam Hải, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức, cho biết khu Đông đang thu hút rất nhiều chuyên gia nước ngoài, trí thức, đặc biệt là lực lượng lao động phổ thông về đây làm việc, vì thế nhu cầu nhà ở tăng mạnh. Đến thời điểm này, hầu hết các đại gia địa ốc đều có dự án lớn trên địa bàn khu Đông như Đại Quang Minh, Vingroup, Novaland, Him Lam, Thủ Đức House, Khang Điền, Đất Xanh, Phúc Khang, Hưng Thịnh, Nam Long...
Việc hình thành những dự án này đã góp phần thay đổi căn bản diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Theo ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc Công ty Seaholdings, nhờ chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là đề án phát triển khu đô thị sáng tạo, giá trị BĐS khu Đông ngày một tăng và đang trở thành miền đất hứa thu hút doanh nghiệp BĐS.
“Để đón đầu dự án metro 3b và đoạn đường khép kín Vành đai 2, Seaholdings đã mua nhiều quỹ đất trên địa bàn quận Thủ Đức. Trước mắt, đầu tháng 5-2018, công ty sẽ chính thức giới thiệu ra thị trường một dự án căn hộ Fresca Riverside tại phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức), quy mô gần 400 căn. Đây là dự án căn hộ vừa túi tiền và có sức cạnh tranh cao với mức giá chỉ từ 19,5 triệu đồng/m2” - ông Phương, chia sẻ.