Tại cuộc tọa đàm tổ chức ở Hà Nội ngày 13-5, với sự tham gia của lãnh đạo Bộ GTVT và các đơn vị liên quan, nguyên nhân chậm tiến độ một lần nữa được mổ xẻ, trong đó nhiều vấn đề liên quan đến quyền lợi người sử dụng dịch vụ.
Cần xem xét phương thức trả sau
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng, trong điều kiện các đơn vị kinh doanh vận tải rất khó khăn, đầu tư mua sắm phương tiện, áp lực lãi vay ngân hàng… nếu chỉ dùng 1 phương thức như hiện nay là các đơn vị sử dụng đường phải chuyển tiền trước, đồng nghĩa với các doanh nghiệp vận tải phải vay tiền. Với những doanh nghiệp nhiều xe, đây là số tiền lớn.
Một chuyến xe từ phía Nam ra Lạng Sơn, nếu xe lớn thì số tiền lên tới hàng chục triệu đồng. Với doanh nghiệp có cả trăm đầu xe, số tiền chi cho phí đường bộ trong 1 tháng có thể lên đến hàng tỷ đồng. Do đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất nên nghiên cứu 2 phương thức: trả trước như đang làm và trả sau. Với hình thức trả sau, các bên sẽ ký hợp đồng, thông báo tài khoản, xe đi qua cứ tích vào sau đó doanh nghiệp vận tải sẽ trả. Cách làm này giúp doanh nghiệp vận tải có giấy tờ để hạch toán được chi phí đầu vào (cách làm như hiện nay khó hạch toán được).
Đồng thuận với ý kiến này, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, phân tích, mỗi doanh nghiệp taxi có 2.000 đầu xe, chỉ cần mỗi tài khoản phải nạp khoảng 500.000 đồng thì đã phải “giam” 10 tỷ đồng trong ngân hàng. Số tiền này doanh nghiệp phải đi vay và trả lãi suất sẽ là một gánh nặng rất lớn.
Trả lời về vấn đề này, đại diện nhà đầu tư dự án thu phí không dừng cho biết, hệ thống được thiết kế song song trả trước và trả sau, cũng giống như thuê bao di động. Theo lộ trình, những doanh nghiệp uy tín, sử dụng lâu dài thì sẽ chuyển sang trả sau. Tuy nhiên, để tránh việc trả sau có thể dẫn đến nợ xấu cho nhà đầu tư BOT, có thể lên tới vài ngàn tỷ đồng, các cơ quan quản lý cần sửa đổi quy định, có chế tài xử lý những doanh nghiệp chậm trả tiền, gian lận hoặc không trả.
Ông Nguyễn Viết Huy, Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT), cũng cho biết, Bộ GTVT đã có lộ trình với 4 giai đoạn. Giai đoạn hiện đang triển khai là giai đoạn sơ khai có barie, có số dư. Đến giai đoạn 4, các xe cứ qua rồi trả tiền sau nhưng khi nào đến giai đoạn này thì chưa xác định được. Về băn khoăn tại sao việc thu phí không dừng không trừ thẳng vào tài khoản ngân hàng của cá nhân mà lại thông qua một tài khoản riêng chỉ phục vụ thu phí không dừng, Bộ GTVT cho biết, thời gian xe đi qua trạm chỉ 0,02 giây, không đủ thời gian truy nhập nhiều lớp bảo mật của ngân hàng, do đó ngân hàng liên kết sẽ tự động trừ một khoản vào tài khoản thẻ ETC.
Phải hoàn thành trong năm 2020
Theo Bộ GTVT, hiện dự án đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 với 40 trạm. Riêng các dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vẫn đang vướng vì chưa tìm được nguồn vốn triển khai, do hiệp định vay vốn đã kết thúc và VEC đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Với 33 trạm của giai đoạn 2, hiện Bộ GTVT vẫn đang chờ ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép sửa một số quy định liên quan để có thể thành lập doanh nghiệp dự án và bắt tay ngay vào thi công.
Về số lượng phương tiện đã dán thẻ thu phí không dừng còn thấp, chỉ xấp xỉ 800.000 thẻ trên tổng số lượng phương tiện khoảng 3,5 triệu chiếc, Bộ GTVT cho rằng, nguyên nhân là do các quy định hiện hành mới chỉ khuyến khích, chưa bắt buộc các phương tiện phải dán thẻ. Nhiều lái, chủ xe nhận thấy dán thẻ chưa mang lại hiệu quả thiết thực, vì nhiều trạm không có làn thu phí tự động không dừng. Hơn nữa, hiện các trạm thu phí vẫn đang để lại một làn hỗn hợp.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, trong thời gian tới, cần sửa đổi các quy định để bắt buộc các xe phải dán thẻ khi đi đăng kiểm. Hiện các trạm thu phí đều có biển hướng dẫn làn thu phí tự động không dừng, nếu phương tiện không dán thẻ mà cố tình đi vào làn thu phí tự động không dừng gây ùn tắc sẽ bị phạt.
Quy định này đã được đưa vào Nghị định 100 về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ với mức xử phạt 1,2 triệu đồng. Với tình trạng xe đi nhầm làn thu phí không dừng, các cơ quan chức năng mới đang kiểm tra, nhắc nhở, chưa xử phạt, nhưng sắp tới sẽ tiến hành xử phạt. Hiện việc dán thẻ cũng đang được thực hiện miễn phí, từ năm 2021, việc dán thẻ sẽ thu phí theo quy định.
Ông Nguyễn Viết Huy cho biết, xác định dự án thu phí không dừng là dự án quan trọng, lãnh đạo Bộ GTVT họp liên tục để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ cho dự án. Trước mắt, Bộ GTVT ưu tiên chỉ đạo hoàn thành ở cửa ngõ thủ đô và các trạm lớn, trong đó, trạm trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình, tháng 5 phải hoàn thành thu phí không dừng. Trạm Hà Nội - Hải Phòng phải xong trong tháng 6. Các trạm còn lại của dự án giai đoạn 2 phải hoàn thành trong năm 2020.