DCL bị “trói chân” từ những món nợ khó đòi

CTCP Dược phẩm Cửu Long (DCL) là doanh nghiệp có nhiều lợi thế trong lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, khả năng tăng trưởng của DCL lại đang phụ thuộc nhiều vào những khoản nợ khó đòi.

CTCP Dược phẩm Cửu Long (DCL) là doanh nghiệp có nhiều lợi thế trong lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, khả năng tăng trưởng của DCL lại đang phụ thuộc nhiều vào những khoản nợ khó đòi.

Nhiều kế hoạch lớn

DCL hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm và trang thiết bị y tế với 3 mảng chính là: dược phẩm, bao bì dược phẩm (vỏ viên nang cứng rỗng) và dụng cụ y tế (ống kim tiêm và dây chuyền dịch). Trong 3 mảng kinh doanh này, DCL có lợi thế rõ ràng nhất ở 2 mảng bao bì dược phẩm và dụng cụ y tế, còn mảng dược phẩm không nổi bật (sản phẩm tập trung vào phân khúc trung bình thấp).

Cụ thể, với mảng dụng cụ y tế, năm 1997 DCL liên doanh với Hàn Quốc thành lập nhà máy sản xuất dụng cụ y tế Việt Nam - Hàn Quốc (Vikimco). Lĩnh vực này đang chịu sự cạnh tranh của các thương hiệu như MediPlast, MPV, Vinahankook.

Ngành dược phẩm được dự báo có mức tăng trưởng 17% (giai đoạn 2013-2018), kèm theo đó là nhu cầu thuốc của người dân ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này chủ yếu tập trung khu vực phía Bắc, còn Vikimco của DCL đang chiếm lĩnh thị trường phía Nam. Nhà máy Vikimco hiện chạy gần hết công suất nên DCL đang có kế hoạch tăng công suất lên gấp đôi để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Phi.

Như vậy, sau thị trường Myanmar, châu Phi sẽ là thị trường xuất khẩu thứ 2 của DCL. Doanh thu của mảng Vikimco hiện đang chiếm 10-11% doanh thu của DCL, tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình đạt 7%/năm (giai đoạn 2010-2013), biên lợi nhuận gộp đạt từ 20-22%.

Mảng kinh doanh vỏ viên nang cứng rỗng (capsule) là một trong những lợi thế tiêu biểu của DCL. Với mảng kinh doanh này, DCL đang sở hữu công nghệ được chuyển giao từ Technophar (Canada) và cam kết độc quyền trong 5 năm đầu tiên. Chính vì vậy, ngay từ giai đoạn đầu, DCL đã có ưu thế và hiện đang là một trong số ít các doanh nghiệp dược nội địa sản xuất được dòng sản phẩm này.

DCL hiện chiếm 40% thị phần, phần còn lại phần lớn là sản phẩm nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Canada, Đức. Về công suất nhà máy, trong những năm gần đây, DCL đã chạy gần hết công suất với gần 4 tỷ viên/năm. Mảng kinh doanh này hiện đang đóng góp khoảng 27% vào doanh thu của DCL (chỉ đứng sau dược phẩm), tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình 16%/năm (giai đoạn 2010-2013), biên lợi nhuận gộp đạt 45%.

Để tận dụng được lợi thế này, DCL đã có kế hoạch tăng năng suất nhà máy lên 1,5 lần bằng việc đầu tư thêm 4 dây chuyền sản xuất capsule trong năm 213. Thế nhưng, kế hoạch này vẫn chưa thể được triển khai do các vấn đề tài chính mà cụ thể là món nợ phải thu khó đòi ngày càng tăng cao trong khi quy mô vốn còn nhỏ.

Nhưng lại vướng nợ

Theo phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), chính sách đẩy mạnh doanh thu nhưng đi kèm với việc nới lỏng hoạt động thu nợ chính là căn nguyên vấn đề công nợ của DCL hiện tại. Thời hạn thu hồi nợ trung bình của DCL là 60 ngày, mức khá cao so với các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực. Cụ thể, từ năm 2009 doanh thu của DCL tăng khá mạnh (tăng 29%) nhưng đi kèm với đó là các khoản phải thu cũng tăng theo.

Đỉnh điểm là năm 2011 khi nợ khó thu của DCL chạm mức 323 tỷ đồng (chiếm 51% doanh thu) và dự phòng nợ phải thu lên đến 16 tỷ đồng (tăng 77%). Việc trích lập dự phòng quá lớn khiến các chỉ số tài chính như: vòng quay nợ phải thu, vòng quay khoản phải trả, hàng tồn kho, khả năng chi trả lãi vay đều sụt giảm trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng cao trong 2 năm 2011, 2012. Cuối quý II vừa qua, DCL đã phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi lên đến 39 tỷ đồng. Việc trích lập này đã khiến lợi nhuận quý II-2014 của DCL giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2013

Trước tình trạng này, DCL đã thực hiện nhiều biện pháp tái cấu trúc, đặc biệt là chủ động trong việc trích lập nợ phải thu như: thành lập bộ phận chuyên trách thu hồi công nợ, xây dựng quy chế quản lý công nợ, xây dựng hạn mức dư nợ với khách hàng theo từng năm và đề xuất chính sách thưởng phạt đối với các bộ phận liên quan đến công nợ trong từng thời kỳ. Kết quả là các khoản phải thu đã giảm từ 250 tỷ đồng năm 2012 xuống còn 190 tỷ đồng năm 2013 (giảm 23,8%).

Tuy vậy, theo phân tích của VDSC, doanh nghiệp này sẽ mất ít nhất từ 1-2 năm để giải quyết các vấn đề tài chính của mình. Nghĩa là phải đến năm 2016 tỷ lệ nợ khó đòi trên các khoản phải thu mới trở về tỷ lệ trung bình (khoảng 11%). Một khi giải quyết được vấn đề này DCL mới có cơ hội phát huy lợi thế phát triển của mình.

Các tin khác