Đường sách TP Vũng Tàu đóng cửa sau 5 năm hoạt động chật vật. Đường sách TP Buôn Ma Thuột sống èo ọt nghe chừng cũng sắp hạ màn. Còn đường sách Cao Lãnh đang cố gắng duy trì được tới đâu hay tới đó.
Trong những đường sách trên, đường sách TPHCM nằm trên đường Nguyễn Văn Bình, quận 1, được coi là điểm sáng văn hóa trong những năm gần đây, nhất là trong bối cảnh hoạt động của các thiết chế văn hóa công lập có chiều ảm đạm. Khi thấy đường sách ở đường Nguyễn Văn Bình vụt sáng, nhiều địa phương háo hức làm theo với tư duy có con đường sách là đông vui.
Nhưng thực tế hoàn toàn khác xa với dự tính. Đường sách TPHCM phát triển được do hội tụ được nhiều điểm thuận lợi. Trước hết nó nằm ngay trung tâm của hạt nhân TP, trong quần thể nhiều địa chỉ văn hóa, giải trí, sinh hoạt công cộng, đặc biệt có không gian độc đáo về tự nhiên, kiến trúc, xã hội… hình thành nên hệ sinh thái văn hóa.
Khách du lịch, người dân TP đến trung tâm, ngắm nhà thờ Đức Bà, thăm Bưu điện TP, uống cà phê quanh Hồ Con Rùa, đi mua sắm, dạo lòng vòng chụp ảnh các công trình kiến trúc đẹp… có thể tiện chân ghé qua đường sách. Điều may mắn nhất là quanh đường sách có nhiều trường đại học như Khoa học Xã hội-Nhân văn, Dược, Hoa Sen, Kinh tế, Kiến trúc. Bản thân đường sách là không gian đẹp, có độ dài vừa phải (150m), tuy ở trung tâm nhưng lại tương đối yên tĩnh, ấm cúng, cây xanh rợp bóng che phủ, 2 bên là tường bao dọc không có cổng, cửa nào mở ra.
Để ra đời đường sách đã khó nhưng duy trì nó liên tục hết năm này qua năm khác lại càng khó gấp bội. Phải công nhận những nhà tổ chức, điều hành đường sách TPHCM đã rất khôn ngoan trong mọi phương diện để tạo ra được không gian đa chức năng. Nơi đây còn có sự hiện diện của các nhà xuất bản lớn như: Tổng hợp TPHCM, Văn hóa Văn nghệ, Trẻ, Kim Đồng, Giáo Dục, các công ty cổ phần sách - phát hành, công ty truyền thông tư nhân như Nhã Nam, Phương Nam, Thái Hà, First News, Đông A, Trường Phát, Alphabooks…
Nhưng nếu chỉ có sách thì mau chán, vì nhà sách quận nào cũng có, hơn nữa mua sách qua mạng vừa nhàn thân có khi giá sách lại thấp hơn. Cái chính là ngoài sách ra, nơi đây có nhiều thứ hấp dẫn khác.
Có lẽ thành công nhất của đường sách TPHCM ở chỗ nó trở thành “điểm hẹn văn hóa” và “địa chỉ văn hóa”, là một điểm trong tour du lịch TPHCM. Lãnh đạo TP mỗi khi giới thiệu về TP với khách VIP từ nước ngoài đến, bao giờ đường sách cũng được nhắc đến với sự tự hào. Những người ở các tỉnh khác đến TPHCM thường nhắc nhau nên đến đường sách, trong khi dân TP có gì cần gặp nhau lại hẹn “đường sách nha”.
Còn các bạn sinh viên thường hỏi nhau tuần này đường sách có chương trình gì mới không. Hầu như thứ bảy, chủ nhật tuần nào cũng có chương trình giới thiệu sách mới, triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật, trao đổi sách cổ, sách cũ, sách quý hiếm. Mọi người đến để mua sách, để gặp mặt tác giả, để nghe các cuộc trao đổi giữa các học giả với nhau rất hấp dẫn; nghe ca nhạc, thưởng thức cà phê ngon, đôi khi mua được những cuốn sách hay nhưng giảm giá.
Đáng nói, ở nơi đây mọi người có thể gặp được những nhân vật lâu nay chỉ đọc qua sách vở như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, diễn viên điện ảnh Hồng Ánh, kịch sĩ Hồng Vân, và có khi gặp được cả các văn nghệ sĩ ngoài Hà Nội, Huế.
Đường sách cũng trở thành điểm đến của nhiều gia đình trẻ, các bạn đưa con đến và dần làm cho tụi nhỏ yêu sách như những thế hệ trước đó chưa có mạng Internet. Tất nhiên, ở đường sách còn có cà phê, có bán đồ lưu niệm nhưng vừa đủ không lạm dụng, các gian hàng sách trưng bày được tổ chức gọn nhưng khá bắt mắt.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh một đường sách mang ý nghĩa văn hóa nhưng phải tồn tại được bằng doanh thu, không phải do bao cấp. Sau 8 năm tồn tại (2016) cho thấy đường sách trên phố Nguyễn Văn Bình thành công không chỉ về văn hóa còn cả về kinh doanh.
Sơ kết 6 tháng đầu năm 2023, đường sách đạt doanh thu hơn 32 tỷ đồng từ bán sách, văn phòng phẩm, đồ lưu niệm và doanh thu từ 2 quán cà phê đạt 2,7 tỷ đồng. Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế được như thế là giỏi lắm rồi. Đường sách Buôn Ma Thuột chủ yếu kinh doanh quán giải khát, ăn uống, đồ lưu niệm, sân chơi trẻ em, khi khai trương có 7 gian hàng sách, nay chỉ còn 1 gian nhưng vẫn ế ẩm vì đường nắng chang chang không mấy ai hào hứng thưởng thức cà phê.
Hơn thế nữa đường sách TPHCM nhận được sự ưu đãi và hỗ trợ của lãnh đạo TP. Một trong số các lý do khiến đường sách Vũng Tàu phải đóng cửa là nợ tiền thuê đất, thiếu các chính sách ưu đãi, nên các nhà xuất bản, doanh nghiệp kinh doanh văn hóa không mặn mà. Còn đường sách TPHCM hoàn toàn được miễn phí, còn được sự hỗ trợ của quận 1 về đảm bảo an ninh trật tự, và các hoạt động sự kiện từ Sở Thông tin-Truyền thông.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến vai trò của “kiến trúc sư trưởng” đường sách là ông Lê Hoàng, Giám đốc Đường sách TPHCM. Phải khẳng định là không có Lê Hoàng không có đường sách và đường sách không sống mạnh khỏe được đến giờ. Ý tưởng hay, mới mẻ không thiếu, nhưng hiện thực hóa vào đời sống quả thật không phải ai cũng làm được, nhất là ý tưởng về văn hóa.
Tôi biết ông từ rất lâu và may mắn là những người đầu tiên cùng với Phúc Tiến, Thế Thanh, Nguyễn Văn Tất và các bạn hữu trong nhóm “Sài Gòn đẹp” góp ý cho ý tưởng đường sách, cũng như chọn đường Nguyễn Văn Bình làm nơi hiện thực hóa ý tưởng này.
Nhưng rồi ai cũng có công chuyện của mình, chỉ có mình Lê Hoàng là quyết tâm theo đuổi ý tưởng này. Nếu chỉ nhiệt tình, chăm chỉ thì không đủ, còn phải là nhà tổ chức tài ba, nghĩ ra lắm chiêu trò hút khách và đổi mới liên tục. Các nhà xuất bản, nhà sách, doanh nghiệp, học giả, nhà văn hóa đến đường sách trước hết là vì uy tín, vì tình yêu sách của Lê Hoàng, và tất nhiên qua Lê Hoàng là tình yêu lớn với Sài Gòn - TPHCM.