Theo UBND TP.HCM, kiến nghị để đảm bảo tính đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) và có cơ sở tạo nguồn lực để thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt.
Cụ thể, TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm chủ trì, làm việc với TP.HCM và các địa phương, bộ ngành liên quan về quy hoạch mang tính kỹ thuật, chuyên ngành đường sắt; trong đó, ưu tiên xác định hướng tuyến, các vị trí nhà ga gắn với phát triển đô thị trong tương lai theo hướng TOD để phát huy hiệu quả đầu tư hệ thống đường sắt, phát triển đô thị bền vững và sử dụng hiệu quả quỹ đất dọc tuyến đường sắt đi qua.
UBND TP.HCM cũng kiến nghị Bộ cần ưu tiên đầu tư đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, đường sắt TP.HCM – Cần Thơ trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển mạng lưới đường sắt liên kết vùng TP.HCM.
Được biết, theo Quyết định 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến 2050, đi qua địa bàn TP.HCM, bên cạnh tuyến đường sắt Bắc – Nam có 5 đường sắt kết nối TP.HCM với các địa phương là đường sắt cao tốc TP.HCM – Nha Trang, đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, đường sắt TP.HCM – Lộc Ninh, đường sắt TP.HCM – Tây Ninh và đường sắt TP.HCM – Long Thành.
Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan được giao chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố quản lý và tổ chức thực hiện…
Hiện các tỉnh, thành phố liên quan đến 5 tuyến đường sắt nêu trên đang tổ chức rà soát các đồ án quy hoạch được duyệt, thực hiện công tác lập, điều chỉnh để đảm bảo phù hợp theo quy định của Luật quy hoạch.
Mô hình TOD được đánh giá là phù hợp, đặc biệt với TP.HCM, đô thị đặc biệt, có mật độ dân số cao nhất nước với kỳ vọng sẽ mang lại những lợi ích, hiệu quả cao và góp phần quan trọng kéo giảm tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông…