Để ‘tích hợp’ nhẹ nhàng

(ĐTTCO) - Theo TS Trần Nguyên Lập, nguyên Trưởng phòng GD&ĐT TP Nha Trang, việc triển khai giáo dục tích hợp là phù hợp với xu thế, các nền giáo dục tiên tiến đã triển khai và mang lại hiệu quả toàn diện. Vấn đề ở đây là làm thế nào để tránh tâm lý hoặc áp lực nặng nề liên quan đến 2 chữ “tích hợp”.

Làm 1 được nhiều

Tại bài học về hình tam giác, tứ giác ở trang số 24 SGK Toán lớp 3 bộ “Chân trời sáng tạo” phần “Đất nước em” đã lần lượt giới thiệu về Cánh đồng tam giác mạch (tỉnh Hà Giang) và khu vực Tứ giác Long Xuyên bao gồm 4 TP Long Xuyên, Châu Đốc (đều thuộc tỉnh An Giang), Hà Tiên, Rạch Giá (đều thuộc tỉnh Kiên Giang). Theo TS Trần Nguyên Lập, đây là kiến thức thức tích hợp được các môn toán, địa lý, sinh học.

fb-img-1707166261187-3429.jpg

Hơn nữa, việc tiếp thu kiến thức này còn giúp học sinh củng cố thêm phẩm chất yêu quê hương, đất nước, qua đó biết quan tâm đến con người, cuộc sống xung quanh mình. “Cần phải hiểu rõ vấn đề, tích hợp là dạy và học 1 mà được nhiều, chứ không phải là dạy và học nhiều hơn bình thường”, TS Trần Nguyên Lập nhấn mạnh.

Theo TS Lập, những bộ SGK mới biên soạn hiện nay như “Chân trời sáng tạo” có phương pháp truyền tải kiến thức theo hướng “hình tròn đồng tâm”, kiến thức sẽ được nhắc lại nhiều lần tại nhiều thời điểm khác nhau và tích hợp góp phần “nhắc lại” cũng như đa dạng hóa cách thức truyền tải kiến thức.

Thúc đẩy tự học

Tại Trường Tiểu học Phan Văn Trị, Quận 1 (TPHCM), học sinh được chú trọng học các môn STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán) ngay từ lớp 1 và học bằng cả tiếng Anh.

ThS Lê Hồng Thái, Hiệu trưởng nhà trường phân tích, học STEM là xu thế của thế giới, và cũng là tiêu biểu cho chủ trương tích hợp của giáo dục nước ta. Vấn đề không đơn thuần chỉ là học sinh tiếp thu kiến thức, mà qua việc học STEM cũng có thể đánh thức cả sự yêu thích của học sinh với các môn học, mà khi yêu thích rồi sẽ có khả năng tự học, thậm chí sớm định hướng được ngành nghề, tương lai của mình.

20240131-110859-953.jpg

Một giảng viên đại học tại TPHCM kể lại, trong một chuyến đi thiện nguyện tại tỉnh Sóc Trăng gần đây, anh bắt gặp một cô bé người đồng bào Khmer trong lúc đến nhận quà tay vẫn ôm chặt cuốn SGK Toán lớp lớp 1 bộ “Chân trời sáng tạo”. Hỏi ra thì được biết “con yêu cuốn sách này vì sách có nhiều màu sắc, rất đẹp và con có thể tự học”.

TS Lập đề cập đến yếu tố “tự học”: "Khả năng tự học quyết định đến 85% thành công của học sinh, vậy đã đến lúc giáo viên thay vì dạy kiến thức, cần nghĩ đến việc dạy cho học sinh cách tự học, đọc, hiểu, liên kết thông tin, kiến thức lại với nhau. Nếu đạt được điều này thì việc học các môn theo xu hướng tích hợp sẽ trở nên dễ dàng. Người thầy nên hướng đến cả vai trò định hướng, truyền cảm hứng".

Học đúng và học trúng

Có một thực tế là sức tiếp thu của từng học sinh là khác nhau, và mỗi bộ SGK sẽ có triết lý giáo dục để phù hợp với từng nhóm học sinh. Không thể đòi hỏi học sinh trung bình hoặc học sinh yếu tiếp thu toàn bộ kiến thức như học sinh giỏi, đó là điều chắc chắn.

“Một số giáo viên vẫn có xu hướng dạy quá nhiều kiến thức và kỳ vọng học sinh tiếp thu nhiều và sớm nhất có thể, đó là điều không nên, nhất là ở cấp tiểu học. Tích hợp là một trong những công cụ quan trọng để phát huy năng lực của từng học sinh và đừng nhầm lẫn tích hợp nghĩa là phải dạy hay học tất cả”, TS Lập làm rõ.

Thực tế, những bộ SGK như “Chân trời sáng tạo” đã đi theo xu hướng tích hợp để hướng đến giáo dục toàn diện, nhưng vẫn còn đó những thách thức, chẳng hạn như việc đào tạo giáo viên như thế nào để phù hợp với xu hướng tích hợp.

Hoặc xu hướng học tích hợp sẽ tương đối nhẹ nhàng với cấp Tiểu học và Trung học cơ sở, nhưng khi lên đến cấp Trung học phổ thông sẽ phải đối mặt với áp lực thi cử. Lúc này, thách thức không chỉ nằm ở giáo viên, học sinh, mà còn nằm ở các cấp quản lý trong việc định hướng, lựa chọn, ra đề thi.

Các tin khác