Đề xuất chỉ định thầu để sớm hoàn thành 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025

(ĐTTCO)-Để sớm hoàn thành 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 theo nghị quyết của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải đề xuất Chính phủ thực hiện chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, xây lắp.
Thi công hầm Trường Vinh dự án thành phần cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 - Ảnh: TRẦN HUY HÙNG
Thi công hầm Trường Vinh dự án thành phần cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 - Ảnh: TRẦN HUY HÙNG

Nội dung đó thể hiện trong dự thảo nghị quyết của Chính phủ triển khai nghị quyết số 44/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ.

Theo dự thảo nghị quyết, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần theo quy định pháp luật về đầu tư công; đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành dự án năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải là người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với tất cả các gói thầu tư vấn liên quan đến dự án, gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu.

Đối với các gói thầu xây lắp các dự án, Thủ tướng quyết định chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng) trên cơ sở đề xuất của bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và đầu tư. Bộ Giao thông vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng chấp thuận danh sách dự kiến nhà thầu trước khi thực hiện chỉ định thầu.

Đề xuất chỉ định thầu để sớm hoàn thành 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 2.

Danh mục 12 dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội phê duyệt - Ảnh: TUẤN PHÙNG chụp lại

Dự thảo nghị quyết giao Bộ Giao thông vận tải rà soát, tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương, cơ bản hoàn thành trước ngày 30-6-2022 để địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng.

Đối với việc khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, dự thảo nghị quyết đề xuất thực hiện theo các cơ chế tại nghị quyết số 60/NQ-CP, nghị quyết số 133/NQ-CP của Chính phủ và các cơ chế đặc thù như cho phép nâng công suất các mỏ đang khai thác để phục vụ đủ vật liệu cho nhà thầu thi công dự án; đơn giản thủ tục cấp phép cho nhà thầu được khai thác mỏ vật liệu mới cho dự án…

Trước đó, ngày 11-1, Quốc hội đã có nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có tổng mức đầu tư 146.990 tỉ đồng.

Dự án dài 279km được chia thành 12 dự án thành phần có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m; giải phóng mặt bằng thực hiện 1 lần theo quy mô quy hoạch được duyệt (quy mô cơ bản 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế chính trị lớn quy mô 8-10 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau 4 làn xe).

Dự án có tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026 để nối liền cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Trước đó, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết đã tham mưu Chính phủ ban hành một số cơ chế trong đó có cơ chế cho chỉ định thầu thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025.

Theo ông Thể, việc chỉ định thầu không làm giảm chi phí đầu tư nhưng sẽ rút ngắn được 6-9 tháng trong giai đoạn chọn nhà thầu so với đấu thầu. Rút ngắn được thời gian trong chọn nhà thầu sẽ có thêm thời gian tập trung cho thi công, xây lắp.

"Chỉ định thầu nhưng chúng tôi ban hành hồ sơ có tiêu chí cụ thể về trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu tư vấn. Ai đáp ứng được yêu cầu thì được đưa vào danh sách xem xét tuyển chọn. Do đó, chỉ định thầu có chất lượng không kém hình thức đấu thầu nhưng rút ngắn được thời gian, đảm bảo được yêu cầu", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Các tin khác