Sáng 11-10, tại Hội trường Báo Sài Gòn Giải Phóng, Ban Nội chính Thành ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tọa đàm.
Tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài tham nhũng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”. Ảnh: VIỆT DŨNG
Quang cảnh tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TPHCM”, sáng 11-10. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ trì tọa đàm có các ông: Ngô Minh Châu, Thành ủy viên, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM; Tăng Hữu Phong, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Sài Gòn Giải Phóng.
Thảo luận tại tọa đàm, ông Ngô Phạm Việt, Phó Viện trưởng Viện KSND TPHCM cho biết, ngay từ khi kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, kiểm sát viên, cán bộ kiểm sát chủ động nghiên cứu đề ra yêu cầu xác minh, kiểm tra thu thập tài liệu, chứng cứ làm rõ dấu hiệu hình sự, xác định tài sản bị chiếm đoạt.
Phó Viện trưởng Viện KSND TPHCM Ngô Phạm Việt phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG
VKS cũng tiến hành xác minh, kiểm soát, ngăn chặn tài sản liên quan đến dấu hiệu tội phạm, xác minh quan hệ nhân thân đối tượng nhằm truy vết tài sản liên quan cần xác minh; vận động, thuyết phục đối tượng tự nguyện nộp khắc phục hậu quả.
"Trong quá trình giải quyết vụ án, đối với tội phạm tham nhũng tẩu tán tài sản mà không có ý chí khắc phục, VKS sẽ đề xuất khởi tố tội Rửa tiền”, ông Ngô Phạm Việt nhấn mạnh.
Phó Viện trưởng Viện KSND TPHCM Ngô Phạm Việt phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngoài ra, lãnh đạo Viện KSND TPHCM còn yêu cầu kiểm sát viên kiểm soát các biện pháp ngăn chặn giao dịch, phong tỏa tài khoản, khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật, tạm hoãn xuất cảnh, trưng cầu giám định, định giá tài sản, xác minh quyền sở hữu tài sản liên quan đến hành vi phạm tội (như nhà, đất, tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, cổ phần, vốn góp, máy móc, nhà xưởng…) và việc chuyển dịch các tài sản này, trước, trong, sau thời gian phạm tội. Qua đó kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn phù hợp.
Phó Viện trưởng Viện KSND TPHCM cũng cho rằng, quá trình xét xử vụ án hình sự, VKS và TAND cần chú trọng việc xét hỏi, tranh luận làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo và tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt đã được sử dụng, chuyển hóa. Việc này nhằm áp dụng các biện pháp thu hồi chính xác, triệt để.
Phó Viện trưởng Viện KSND TPHCM Ngô Phạm Việt phát biểu tại tọa đàm. Thực hiện: THỤY QUYÊN - TAM NGUYÊN
Trong xét xử cần chỉ rõ việc tự nguyện khắc phục hậu quả là cơ sở để xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo và được hưởng sự khoan hồng, để bị cáo, người liên quan, gia đình họ chủ động, tích cực khắc phục hậu quả hơn.
“Có thể thấy, vận động bị cáo và gia đình bị cáo chủ động khắc phục hậu quả trước hoặc ngay tại phiên tòa để làm cơ sở xem xét tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, vừa thể hiện tính khoan hồng của pháp luật, vừa nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản. Điển hình trong vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong 30 ngày truy tố, VKS đã thu hồi được hơn 7,8 tỷ đồng do các bị can và thân nhân tự nguyện nộp khắc phục hậu quả”, Phó Viện trưởng Viện KSND TPHCM Ngô Phạm Việt dẫn chứng.
Các đồng chí chủ trì tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TPHCM”. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong công tác thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án phải chú trọng việc xử lý tài sản đã kê biên, phong tỏa và xác minh các tài sản mới để thực hiện việc thu hồi, đối với VKS phải thực hiện việc kiểm sát ngay từ khi nhận bản án có hiệu lực pháp luật, quyết định thi hành án.
Kiểm sát viên được phân công kiểm sát phải chủ động lập hồ sơ kiểm sát và xây dựng kế hoạch cụ thể để đề ra lịch trình, thời gian, nội dung cần kiểm sát, xác minh làm rõ thông tin, tài liệu về tài sản cần thi hành án; kiểm sát chặt chẽ tiến độ thi hành các vụ việc, tìm các giải pháp tác động, phối kết hợp với cơ quan thi hành án nhằm kịp thời đẩy nhanh tiến độ thi hành án, xử lý thu hồi tài sản.
Các đại biểu phát biểu tại tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TPHCM”. Ảnh: VIỆT DŨNG
Các vụ án tham nhũng gần đây phức tạp với hàng trăm ngàn bút lục
Theo ông Phùng Văn Hải, Phó Chánh án TAND TPHCM, các vụ án tham nhũng, kinh tế được phát hiện trong thời gian gần đây có lượng hồ sơ lên đến hàng trăm ngàn bút lục, bản án hàng trăm trang nhưng phát hành án theo quy định của pháp luật chỉ có 10 ngày nên khó có thể tránh được một số sơ sót nhất định, ảnh hưởng tới tiến độ thi hành án, thu hồi tài sản.
Ông Phùng Văn Hải, Phó Chánh án TAND TPHCM, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG
Các vụ án này thường được dư luận xã hội hết sức quan tâm và với mong muốn sớm kết thúc việc điều tra nên các cơ quan tố tụng quá tập trung vào việc thu thập các chứng cứ liên quan đến việc chứng minh tội phạm của các bị can, bị cáo nên dẫn đến thiếu sót trong công tác thu thập chứng cứ để giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự (như kê biên tài sản, bồi thường, khắc phục hậu quả) và các biện pháp tư pháp (như tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm); dẫn đến việc kê biên đôi khi còn chưa đầy đủ, chưa đúng quy định.