(ĐTTCO) - Án ngữ cửa ngõ miền Tây Nam bộ, với hệ thống hạ tầng giao thông kết nối hoàn thiện, Long An đang được đánh giá là tỉnh có tiềm năng cực lớn để phát triển thị trường BĐS.
Thị trường tiềm năng lớn
Trung tuần tháng 10-2016, trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Long An năm 2016, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, nhiều đại biểu cho rằng Long An đang có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và BĐS.
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết Long An là tỉnh thu hút nguồn vốn FDI rất lớn, số dự án nước ngoài đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh chiếm đến 60% dự án đầu tư vào cả vùng ĐBSCL; đứng thứ 12 cả nước về thu hút đầu tư.
Cụ thể, Long An đứng đầu các tỉnh vùng ĐBSCL về thu hút đầu tư nước ngoài, với 772 dự án của 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp, với số vốn đăng ký trên 5,1 tỷ USD. Long An hiện có khoảng 5.000ha đất sạch có khả năng tiếp nhận các dự án đầu tư đến năm 2020. Toàn tỉnh hiện có gần 7.900 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký trên 189.000 tỷ đồng, 1.300 dự án đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn gần 140.000 tỷ đồng, 16 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 61%, có 14 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy hơn 88%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu nổi bật Long An đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời cho rằng Long An nằm ở vị trí cửa ngõ nối TPHCM với các tỉnh ĐBSCL, có cảng biển, đất đai rộng lớn, rất thuận lợi để phát triển cả nông nghiệp và công nghiệp. Theo đó, trong thời gian tới, Long An cần có sự đột phá mạnh mẽ trong phát triển, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư.
Theo nhận định của các chuyên gia, nằm giáp ranh với TPHCM, “án ngữ” cửa ngõ của miền Tây Nam bộ, giao thông kết nối thuận lợi với cả TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ, nắm giữ toàn bộ các yếu tố “Thiên thời - Địa lợi - Nhân hoà”, Long An đang có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp cũng như BĐS.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nghe giới thiệu một dự án BĐS tại Long An. |
Bùng nổ theo quy hoạch vùng
Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty BĐS Danh Khôi (DKR), cho rằng căn cứ vào tình hình thị trường cũng như những định hướng phát triển trong tương lai, đặc biệt là trên cơ sở Đồ án Quy hoạch vùng 2020-2050, có thể nhận định từ năm 2017, thị trường BĐS Long An sẽ bước vào giai đoạn bùng nổ.
Cụ thể, theo Đồ án Quy hoạch vùng 2020-2050, vùng TPHCM sẽ bao gồm 8 tỉnh, thành trọng điểm phía Nam gồm: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, với TPHCM là hạt nhân. Với quy hoạch đó, những hạng mục hạ tầng giao thông quan trọng như các tuyến vành đai và đường xuyên tâm kết nối từ trung tâm TP tới các tuyến quốc lộ, cũng như những tuyến kết nối giữa các tỉnh, thành sẽ dần được hình thành.
Đơn cử như, vào cuối năm 2014, tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, một trong những dự án trọng điểm quốc gia và là đường bộ cao tốc lớn nhất miền Nam đi qua địa bàn TPHCM, Long An và Đồng Nai đã chính thức được khởi công. Dự án đi qua huyện Cần Giuộc của tỉnh Long An, huyện Bình Chánh, Cần Giờ của TPHCM và huyện Nhơn Trạch, Long Thành của Đồng Nai.
Tuyến cao tốc này sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam bộ thuận lợi hơn, đồng thời kết nối trực tiếp với mạng lưới cao tốc - quốc lộ, hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, Sao Mai - Bến Đình và với sân bay quốc tế Long Thành, rút ngắn thời gian đi từ Long An đến TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Long An năm 2016 vừa qua, UBND tỉnh Long An đã ký kết 4 biên bản ghi nhớ đầu tư với các công ty liên doanh nước ngoài và doanh nghiệp trong nước nhằm triển khai thực hiện các dự án trục giao thông nối Tiền Giang - Long An - TPHCM, xây dựng tuyến đường vành đai TP Tân An, đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn huyện Bến Lức, huyện Đức Hòa.
"Long An là 1 trong 7 TP vệ tinh của vùng TPHCM, đồng thời theo Đồ án Quy hoạch vùng, các huyện Cần Giuộc, Bến Lức sẽ trở thành đô thị loại 3, nằm trong tổ hợp của Vùng TPHCM. Hiện nhiều tuyến đường lớn kết nối Long An, với các tỉnh thành khác đã được phê duyệt, hoặc hoàn tất. Đây là cơ hội lớn để Long An, mà đặc biệt là 2 huyện Bến Lức và Cần Giuộc phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, hạ tầng cũng sẽ chắp cánh cho thị trường BĐS trong tương lai gần” - ông Nguyễn Ngọc Anh nhận định.