Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dịch bệnh tả lợn châu Phi đã giảm mạnh từ tháng 6/2019 đến nay, số lợn buộc tiêu hủy là 152.000 con, giảm 65% so với tháng 10/2019 và giảm 88% so với tháng 5/2019 - là tháng cao điểm.
Đã có hơn 60% số xã có dịch đã qua 30 ngày, trong đó có 14 tỉnh có trên 85% số xã đã qua 30 ngày.
Theo ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sau gần 6 tháng bùng phát, dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, đến thời điểm này dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang có dấu hiệu dần “giảm nhiệt." Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.180 ổ dịch với hơn 39.400 con lợn bị tiêu hủy.
Ông Nguyễn Xuân Trung cho biết, gần 1 tháng qua, dịch tả lợn châu Phi đang dần được kiểm soát, đang bước vào mức độ thấp nhất trong chu kỳ gây hại. Cụ thể, trong thời gian cao điểm, mỗi ngày, toàn tỉnh xuất hiện 20-30 ổ dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, những ngày gần đây, số lượng trang trại phát hiện lợn bệnh giảm mạnh, chỉ từ 1-2 trại/ngày. Số địa phương có ổ dịch cũng giảm mạnh.
Đến nay, đã có hơn 20 xã đã qua 30 ngày không xuất hiện ổ dịch. Đây là tín hiệu rất tốt bởi so với các địa phương khác, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bước vào chu kỳ giảm nhiệt trong khi tổng đàn lợn còn nhiều. Số lượng lợn mắc bệnh chỉ chiếm hơn 9% tổng đàn, nếu tính cả số lợn giảm do người chăn nuôi bán tháo thì tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn khoảng 300.000 con. Nếu tiếp tục làm tốt, giữ được lượng lợn này thì việc tái đàn sau dịch sẽ khá thuận lợi.
Nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phần nào được kiểm soát, mức độ gây hại thấp hơn nhiều địa phương khác là nhờ cơ quan chức năng các cấp, các trang trại chăn nuôi đã thực hiện đầy đủ, đúng các khuyến cáo của cơ quan thú y.
Tuy nhiên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng khuyến cáo người chăn nuôi không nên chủ quan, cần tiếp tục thực hiện triệt để các biện pháp an toàn sinh học, đồng thời, cẩn trọng trong việc tái đàn lợn để tránh rủi ro.
Dù dịch tả lợn châu Phi đã bước vào giai đoạn thấp nhất trong chu kỳ gây hại, giá lợn hơi lại đang ngày một tăng lên rất cao, ngành chăn nuôi vẫn khuyến cáo người chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tăng, tái đàn trong thời điểm này.
Bởi, theo ông Nguyễn Xuân Trung hiện nay, vắc xin ngừa dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có, trong khi loại virus này tồn tại hàng trăm ngày trong môi trường thông thường. Do đó, các hộ, trang trại đã có lợn mắc bệnh cần tập trung thực hiện các biện pháp vệ sinh cơ giới, tiêu độc khử trùng, tuyệt đối không tái đàn. Các trang trại lớn, bảo đảm an toàn sinh học cũng cần chú ý, thận trọng khi nhập lợn về nuôi, nhất là kiểm soát nguồn gốc và khâu vận chuyển con giống để tránh mầm bệnh.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Hồ Xuân Hòe cho biết, việc chuyển đổi đối tượng nuôi đã và đang giúp tỉnh bù đắp sự thiếu hụt thịt lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi; đồng thời giữ ổn định tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2019, tương đương với năm 2018 với khoảng 40.000 tấn.
Trước đây, ông Lê Bá Hàn, 52 tuổi, xã Triệu Long, huyện Triệu Long nuôi khoảng 200 con lợn/năm. Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra gây thiệt hại lớn, nên từ tháng 7/2019, ông Hàn chuyển sang nuôi gà theo phương pháp an toàn sinh học.
Ông Lê Bá Hàn cho biết, nuôi gà theo phương pháp an toàn sinh học, có đệm lót sinh học vừa giúp giảm dịch bệnh, vừa xử lý mùi hôi, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Đàn gà thịt 1.500 con sẽ được bán trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, giúp gia đình có thu nhập thay cho thu nhập từ nuôi lợn như những năm trước.
Để khuyến khích người dân chuyển đổi đối tượng nuôi, các huyện, thị ở Quảng Trị đều đã và đang xây dựng chính sách hỗ trợ người chăn nuôi, bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Trước hết, chính quyền các địa phương thống kê, xác minh thiệt hại từ bệnh dịch này để nhà nước hỗ trợ kinh phí; sau đó đưa ra thêm chính sách hỗ trợ, để khuyến khích người dân chuyển đổi đối tượng nuôi.
Điển hình là huyện Hải Lăng có chính sách hỗ trợ 5.000 đồng/con giống, đối với hộ chăn nuôi có quy mô từ 200 con gà hoặc vịt trở lên. Nhờ vậy, địa phương này đã xây dựng được trên 100 mô hình nuôi gà, vịt quy mô lớn cho sản lượng thịt khoảng 70 tấn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị, tỉnh đã có gần 2.150 hộ, trang trại thực hiện việc chuyển đổi đối tượng nuôi từ nuôi lợn sang nuôi bò, dê, gà, vịt, thỏ… qua đó bù đắp sự thiếu hụt thịt lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi; đồng thời tạo nguồn thu nhập thay thế từ nuôi lợn, giúp ổn định đời sống người dân.
Tính đến ngày 10/12, bệnh dịch tả lợn châu Phi ở Quảng Trị xảy ra trên đàn lợn của trên 10.500 hộ dân ở 119 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thành phố, thị xã. Tỉnh đã tiêu hủy trên 55.000 con lợn mắc bệnh, với tổng trọng lượng hơn 2.900 tấn.
Để hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Quảng Trị đã trích ngân sách hỗ trợ 13 tỷ đồng; đồng thời đề nghị Trung ương hỗ trợ thêm 30 tỷ đồng…