Bình Thuận là một trong số 13 địa phương có đường cao tốc Bắc Nam đi qua Đoạn cao tốc qua tỉnh này tổng chiều dài hơn 160km, tổng vốn đầu tư gần 40.000 tỷ đồng, gồm 3 đoạn tuyến triển khai: Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Với gần 1.200ha đất bị thu hồi và khoảng 2.700 hộ dân, tổ chức, công trình bị ảnh hưởng, nhưng nhờ biết khơi dậy sức dân nên Bình Thuận đang là địa phương dẫn đầu trong cả nước về tiến độ bàn giao mặt bằng.
Dẫn đầu cả nước
Theo UBND tỉnh Bình thuận, dự án đường cao tốc Bắc - Nam đi qua 29 xã, thị trấn thuộc 5 huyện của tỉnh gồm: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân. Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Trung, cho biết, đến nay kết quả thực hiện công tác bồi thường, GPMB và tái định cư của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn đạt kết quả tốt, được Bộ GTVT đánh giá rất cao. Bình Thuận là tỉnh hoàn thành khối lượng GPMT lớn nhất và tiến độ thực hiện nhanh nhất trong các dự án đường bộ cao tốc phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Trung, nếu tính từ khi nhận cọc mốc GPMB của các ban quản lý dự án vào giữa tháng 4-2019 thì đến nay, địa phương mới chỉ có 8 tháng để bắt tay vào công việc bồi thường, GPMB. Thế nhưng trong thời gian ngắn, địa phương đã hoàn thành một khối lượng công việc đáng kể.
Cụ thể, công tác kiểm kê, xét pháp lý và niêm yết phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đến nay đã cơ bản hoàn thành. Tính đến giữa tháng 12-2019, đã có 2.044/2.676 hộ dân bàn giao 913/1.221ha đất để thực hiện dự án, đạt gần 75% khối lượng công việc. Căn cứ báo cáo từ các địa phương, đến nay đã có 21/29 xã của tỉnh Bình Thuận bàn giao mặt bằng, với tổng chiều dài dự án khoảng 112/160km.
Ngoài ra, trong công tác xây dựng các khu tái định cư để ổn định cuộc sống cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cũng được địa phương triển khai quyết liệt. Hiện đã có 4/5 khu tái định cư được khởi công xây dựng. Nhiều khu TĐC đã hoàn thành công trình đạt từ 70% - 100% khối lượng hợp đồng. Công tác giải ngân vốn đợt 1 đạt trên 97%, đợt 2 đạt trên 22%.
Làm tốt công tác dân vận
Phó Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Bình Thuận cho biết, lúc đầu khi bắt tay vào thực hiện đền bù, GPMB cao tốc Bắc - Nam, địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài khối lượng công việc được giao quá lớn thì công tác ổn định an ninh, chính trị, không để người dân có ý nghĩ lợi dụng chính sách để trục lợi trên dự án, được quan tâm hàng đầu. “Sau khi có thông tin dự án cao tốc đi qua địa bàn, một số hộ dân ở huyện Bắc Bình, Hàm Tân đã tự ý trồng cây, xây công trình trên đất để chờ đền bù.
Phát hiện thông tin, chính quyền các cấp của tỉnh đã vào cuộc mạnh mẽ, tổ chức tuyên truyền đến người dân về vai trò, tầm quan trọng của dự án. Đồng thời đã chỉ đạo các xã thông báo rộng rãi đến các hộ dân quy định không thực hiện bồi thường đối với các trường hợp xây dựng trái phép, nên đến nay đã không còn tình trạng nêu trên”, ông Nguyễn Hữu Trung nhấn mạnh.
Những ngày cuối năm 2019, có mặt tại những địa phương của tỉnh Bình Thuận có đường cao tốc Bắc - Nam đi qua, người dân ai nấy đều phấn khởi. Ông Nguyễn Công Bá (ngụ huyện Hàm Thuận Bắc) chia sẻ: “Khi nhận được thông báo hơn 2ha đất của gia đình sẽ bị thu hồi phục vụ xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam, tôi rất hoang mang.
Tuy nhiên, sau khi được chính quyền địa phương giải thích về tầm quan trọng của dự án sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước. Đồng thời, chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư đối với người dân bị ảnh hưởng cũng được chính quyền triển khai phù hợp nên gia đình tôi sẵn sàng bàn giao đất cho dự án”.
Ông Nguyễn Hữu Trung chia sẻ, hầu hết các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án cao tốc đều đồng thuận, sẵn sàng cùng với chính quyền để dự án cao tốc được triển khai đúng thời hạn. Có được kết quả đến thời điểm này là sự nỗ lực vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao của người dân. Kinh nghiệm rút ra trong công tác giải phóng mặt bằng đó là gần dân.
Chỉ khi dân hiểu và đồng thuận với chính quyền địa phương thì việc gì cũng được giải quyết nhanh chóng. Từ thực tế triển khai, các huyện có đường cao tốc đi qua đều cho rằng, trước tiên phải làm tốt khâu tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên mà trực tiếp là nhân dân có ảnh hưởng bởi dự án. Người dân nắm rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước, mục đích, ý nghĩa tầm quan trọng quốc gia đối với dự án; đồng thời phát huy tốt quy chế dân chủ cơ sở về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án thì không có việc gì khó khăn cả.