Tổng thống Mỹ và Nga vừa có cuộc điện đàm vào chiều hôm qua (02/5) (ảnh: Reuters) |
Cuộc chiến Syria là một điều tồi tệ và một cuộc gặp gỡ cá nhân là một lựa chọn không tồi – đây chính là tất cả những gì ông Trump và ông Putin đạt được sau ba cuộc nói chuyện qua điện thoại của mình, Atlantic nhận định. Thế nhưng, ngay cả khả năng về một cuộc gặp mặt trực tiếp cũng chỉ được thông báo từ phía Nga: sau những miêu tả về “một loạt các câu hỏi đúng thời điểm về sự hợp tác giữa hai quốc gia trên chính trường thế giới” – mà theo trong thông cáo báo chí của Điện Kremlin là Syria và cuộc chiến chống khủng bố - “ông Vladimir Putin và ông Donald Trump cân nhắc việc tiếp tục liên lạc qua điện thoại, cũng như tổ chức một cuộc gặp mặt cá nhân trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg vào 7-8 tháng Bảy.”
Đáp lại, Nhà Trắng không đưa ra bất kỳ bình luận nào liên quan tới việc đồng ý gặp mặt hay không.
Tại Moscow, hy vọng về khả năng Tổng thống Trump thúc đẩy một kỷ nguyên mới cho mối quan hệ Nga – Mỹ dường như đã “bốc hơi”, đặc biệt sau vụ Washington nã gần 60 quả tên lửa vào một căn cứ quân sự tại Syria.
Igor Korotchenko của tạp chí Quốc phòng Nga – người có mối quan hệ thân cận với Bộ Quốc phòng nước này cho biết: “Chúng tôi không thích điều này, nhưng cũng cho rằng, sự thay đổi đột ngột trong đường lối chính trị được giải thích bằng sự yếu kém [của ông Trump] bên trong nước Mỹ.”
“Các quan chức Nga mong muốn một cuộc gặp gỡ giữa Trump và Putin”, một nguồn tin giấu tên phía Nga tiết lộ với Atlantic. “Họ không cần phải đồng ý với bất kỳ điều gì, nhưng có lẽ sẽ có ‘phản ứng hóa học’ giữa hai người”. Kịch bản lý tưởng là “sự ngưỡng mộ” vốn có của ông Trump dành cho người đồng cấp Putin, có thể đưa mối quan hệ Nga và Mỹ trở lại đúng hướng. Phía Nga cho rằng, một cuộc gặp gỡ như vậy là điều “cấp bách”. “Ấn tượng của tôi là một người đàn ông có tầm ảnh hưởng lớn tại Nga muốn cuộc gặp gỡ xảy ra càng sớm càng tốt,” nguồn tin trên cho biết, và “việc chờ đợi đến G20” vào tháng Bảy “là quá muộn, và Putin có thể gặp mặt Trump tại Đức hoặc Slovenia.”
Ý tưởng về cuộc gặp mặt trực tiếp Trump – Putin đã từng được đưa ra thậm chí trước khi Washington “thay đổi” thái độ với Bắc Kinh và NATO, được cho là nhờ vào những lần gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Tuy nhiên, dường như ông chủ Nhà Trắng vẫn bị trói buộc bởi những thiết chế đối ngoại của Washington, và ông Putin sẽ khó có được cuộc gặp gỡ mà mình mong muốn trong một thời gian sớm nhất. Nếu xảy ra, có lẽ cũng như những người khác, Tổng thống Nga sẽ phải chờ đến tháng Bảy để có thể trực tiếp “luận đàm” với người đồng cấp nước Mỹ tại Đức.