(ĐTTCO) - Để bảo đảm an toàn cũng như mỹ quan, lễ hội đền Trần và lễ hội làng Ném Thượng năm nay sẽ có một số điều chỉnh.
Phát ấn đền Trần sớm 30 phút
UBND tỉnh Nam Định cho biết, Lễ hội đền Trần năm nay vẫn tiếp tục thực hiện đầy đủ 3 nghi lễ truyền thống là lễ khai ấn, rước kiệu Ngọc Lộ và lễ rước nước tế cá.
Lễ khai ấn vẫn diễn ra vào đêm 14 tháng Giêng âm lịch. Sau khi Ban Tổ chức thực hiện nghi lễ dâng hương, rước kiệu, vào lúc 23h15’ sẽ diễn ra lễ khai ấn. Trong thời gian diễn ra lễ khai ấn sẽ đóng cửa đền Thiên Trường để bảo đảm sự tôn nghiêm của nghi lễ truyền thống. Từ 23h55', đền Trần sẽ được mở cửa để người dân và du khách vào đi lễ đầu năm.
Do năm nay lễ dâng hương và khai ấn diễn ra vào ngày cuối tuần, dự kiến lượng du khách về dự lễ đông hơn nên Ban Tổ chức lễ hội sẽ tiến hành tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách sớm hơn năm trước 30 phút, nhằm tạo điều kiện cho những người ở xa về có thể nhận ấn sớm, hạn chế tình trạng chờ đợi, ùn tắc.
Lễ phát ấn sẽ bắt đầu từ lúc 5h30’ ngày 15 tháng Giêng tại 3 nhà Giải Vũ và Nhà trưng bày đền Trùng Hoa. Từ ngày 16 tháng Giêng sẽ tổ chức phát ấn tại các nhà Giải Vũ.
Vận động người dân bỏ tục chém lợn
Tại buổi họp báo về lễ hội năm 2016, lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh cho biết sẽ vận động, tuyên truyền để người dân làng Ném Thượng bỏ tục chém lợn tại lễ hội làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh, tổ chức vào ngày mùng 5 và 6 tháng Giêng âm lịch).
Trước đó, tại buổi tổng kết công tác tổ chức lễ hội năm 2015 của Bộ VHTT&DL, Bộ trưởng và lãnh đạo các vụ, cục của Bộ đều cho rằng không nên để tục chém lợn tiếp tục tồn tại và yêu cầu Bắc Ninh có biện pháp để chấm dứt tập tục này.
Tái hiện Tết Việt truyền thống tại Bảo tàng Hà Nội
Chương trình “Tết Việt” sẽ diễn ra từ ngày 29/1 đến 3/2 tại Hà Nội với 200 gian hàng, gồm khu làng nghề truyền thống, khu ẩm thực; quảng bá văn hóa, du lịch Hà Nội; cây cảnh Tết, trò chơi dân gian…
Tại khuôn viên ngoài trời của Bảo tàng Hà Nội sẽ diễn ra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống như ca trù, chèo, trống quân, chầu văn, viết câu đối, tặng chữ, biểu diễn nhạc dân tộc; các chương trình xiếc, ca nhạc hiện đại.
Ban Tổ chức sẽ xây dựng một quần thể tổ hợp về các công trình kiến trúc, trong đó có nhà Trường Lang, cổng làng Mông Phụ - một nét văn hóa đồng bằng Bắc Bộ.
Chương trình còn có những hoạt động bên lề như cuộc trò chuyện hướng dẫn chuẩn bị mâm cỗ Tết cổ truyền của nghệ nhân Ánh Tuyết; cách bày ban thờ gia tiên trong ngày Tết của Giáo sư Trần Lâm Biền, cuộc thi gói bánh chưng…