Lễ hạ cờ Anh ở Brussels đánh dấu Anh rời EU
Bình minh của kỷ nguyên mới
Trong bài phát biểu, ông Johnson nhấn mạnh việc cắt đứt quan hệ với 27 quốc gia thành viên EU là “thời khắc đổi mới và thay đổi thực sự của quốc gia”, và rằng Brexit “không phải là kết thúc mà là sự khởi đầu”. Đó là “bình minh của một kỷ nguyên mới”. Theo BBC, sẽ chưa có nhiều thay đổi ngay lập tức khi mà Anh bắt đầu “giai đoạn chuyển tiếp”. Hầu hết các luật của EU tiếp tục có hiệu lực, bao gồm quyền tự do đi lại của người dân, cho đến hết tháng 12-2020, thời điểm mà Anh đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận thương mại tự do dài hạn với EU.
Brexit được thực hiện sẽ khép lại hơn 3 năm sóng gió trên chính trường nước Anh cũng như trong khối EU kể từ sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại Anh năm 2016. Ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit, cho biết ông rất buồn về việc Anh rời khỏi EU nhưng “chúng tôi vẫn là bạn, đồng minh và đối tác. Chúng tôi sẽ củng cố lại mối quan hệ và cùng nhau lớn mạnh”.
Có rất nhiều hoạt động được tổ chức để đánh dấu sự kiện Brexit. Thủ tướng Anh sẽ tổ chức một cuộc họp nội các đặc biệt tại Sunderland (Đông Bắc nước Anh), thành phố đầu tiên ủng hộ Brexit sau khi các kết quả trưng cầu dân ý năm 2016 được công bố. Những người ủng hộ EU dự kiến tham gia cuộc tuần hành qua đường Whitehall ở thủ đô London để tiễn biệt “người bạn” EU. Sau đó, những người ủng hộ Brexit tập trung ở Quảng trường Quốc hội (London) để chào mừng, đón chờ khoảnh khắc đếm ngược Anh rời khỏi EU. Tại Brussels (Bỉ), quốc kỳ Anh sẽ bị gỡ bỏ khỏi các tổ chức của EU, trong khi lá cờ liên minh của EU sẽ được gửi đến một bảo tàng.
Ngã ba đường
11 tháng chuyển tiếp tới là quãng thời gian quan trọng để Anh và EU đàm phán và thông qua một thỏa thuận quy định các mối quan hệ giữa 2 bên trong tương lai. Thỏa thuận trên sẽ phải bao gồm rất nhiều lĩnh vực từ mua bán hàng hóa đến dịch vụ, từ quyền tự do đi lại, quyền của người lao động đến các vấn đề như bảo vệ môi trường, trợ cấp nhà nước, an ninh…
Người dân Anh vẫy cờ tạm biệt EU
Đây là một thỏa thuận toàn diện và đầy tham vọng, nhưng giữa Anh và EU vẫn còn tồn tại bất đồng trong nhiều lĩnh vực. EU muốn tiếp tục được đánh bắt cá trong vùng biển của Anh, nơi mà tàu thuyền của các nước EU mỗi năm khai thác khoảng 700.000 tấn hải sản. Anh thì yêu cầu được tiếp tục tự do tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính của EU, lĩnh vực hàng năm mang lại cho Anh gần 100 tỷ USD thặng dư. Không muốn Anh trở thành đối thủ kinh tế trong tương lai, EU yêu cầu Anh phải tiếp tục tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn về trợ cấp nhà nước…
Với việc đã đại diện cho các nước thành viên đàm phán nhiều hiệp định thương mại, EU rõ ràng có kinh nghiệm trên bàn thương lượng hơn rất nhiều so với Anh, quốc gia không được phép trực tiếp đàm phán một thỏa thuận thương mại với một nước nào kể từ khi gia nhập EU. EU cũng ở vị thế cao hơn khi có đến 50% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Anh là với EU, trong khi chỉ 10% hàng xuất khẩu của EU là đến Anh... Tuy nhiên, với chính sách “Nước Anh toàn cầu” nhằm khôi phục và nâng cao vị thế của mình, trong các cuộc đàm phán, Anh khó có thể dễ dàng khuất phục trước các yêu cầu từ phía EU.
Lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn cho rằng nước Anh đang ở “ngã ba đường”. “Vị thế của Anh trên thế giới sẽ thay đổi. Câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ đi theo hướng nào. Một nước Anh hướng ngoại hay hướng nội với các nguyên tắc, quyền và tiêu chuẩn của mình để đảm bảo các thỏa thuận thương mại có lợi”, ông Corbyn nói.