Đến nay, UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã đình chỉ hoạt động Khu du lịch sinh thái Hồ Trên Núi Tài Lộc, đồng thời phối hợp với UBND xã Đa Mi, Công ty TNHH Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, thẩm định, đo đạc phần diện tích mà chủ khu du lịch sinh thái này lấn chiếm, xây dựng công trình không phép. “Sau khi xác định những sai phạm, chính quyền địa phương sẽ yêu cầu chủ khu du lịch sinh thái tự tháo dỡ các công trình vi phạm, nếu không chấp hành sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Việc xử lý những sai phạm mà khu du lịch này gây ra sẽ hoàn tất trong tháng 7-2023”, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc Nguyễn Ngọc Thạch khẳng định.
Trước đó, báo đã phản ánh,Một khu du lịch sinh thái khá hoành tráng với hàng loạt công trình không phép ngang nhiên “mọc” giữa lòng hồ thủy điện Đa Mi (xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) nhưng không được phát hiện, xử lý kịp thời khiến dư luận bức xúc.
Khu du lịch này có tên “Khu sinh thái Hồ Trên Núi Tài Lộc”, nằm cách Quốc lộ 55 khoảng 200m, thuộc thôn Đaguri, xã Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc), do bà Nguyễn Thị Thu Nga (SN 1984, thôn Đaguri) làm chủ.
Hàng loạt công trình không phép ngang nhiên "mọc" lên giữa lòng hồ thủy điện Đa Mi |
Theo ghi nhận, khu du lịch đã cho xây dựng hàng loạt công trình như nhà nghỉ, khu nhà hàng, điểm check in,… trên diện tích hàng ngàn mét vuông. Đáng chú ý, chủ cơ sở này còn ngang nhiên cho đóng cọc bê tông, cọc gỗ, xây dựng ít nhất 5 khu nhà hàng kinh doanh ăn uống ngay trên mặt hồ thủy điện Đa Mi. Các công trình này xây dựng bằng khung sắt, mái lợp tôn, sức chứa hàng trăm khách.
Hiện trường cũng cho thấy, chủ cơ sở trên đã dùng đất, đá san lấp, lấn chiếm hành lang hồ thủy điện Đa Mi để phục vụ xây dựng các công trình.
Khu du lịch không phép hoạt động giữa lòng hồ thủy điện |
Chưa dừng lại đó, để phục vụ nhu cầu lưu trú của khách, điểm du lịch đã cho xây dựng 4 căn homestay nổi trên mặt hồ thủy điện; tự ý tổ chức kinh doanh dịch vụ xuồng máy chở khách đi tham quan trên hồ… Nghiêm trọng hơn, một con đường dài khoảng 1.000m chạy ven theo bờ hồ Đa Mi đã được chủ cơ sở này cho san ủi để chuẩn bị cho các dự án tiếp theo.
Qua tìm hiểu, ngoài việc phục vụ kinh doanh ăn uống, tại đây còn mở dịch vụ cho thuê nhà nghỉ, homestay mỗi đêm với giá từ 350.000 - 750.000 đồng/căn; dịch vụ thuê xuồng máy đi dạo trên hồ mỗi chuyến từ 70.000 - 80.000 đồng/người.
Những công trình không phép lấn chiếm lòng hồ thủy điện Đa Mi |
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc khẳng định, Khu du lịch Hồ Trên Núi Tài Lộc hoàn toàn chưa được ngành chức năng cấp phép hoạt động, toàn bộ các công trình được xây dựng không phép. Hầu hết diện tích đất, lòng hồ bị lấn chiếm thuộc khu vực do Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi quản lý.
Hàng loạt căn homestay xây dựng nổi trên mặt hồ thủy điện |
Ông Nguyễn Anh Toàn, Chủ tịch UBND xã Đa Mi cho biết, tháng 4-2023, ngay sau khi phát hiện khu du lịch xây dựng không phép, chính quyền xã đã kiểm tra và phát hiện hầu hết diện tích đất, lòng hồ bị lấn chiếm thuộc quản lý của Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi nên xã đã báo cáo UBND huyện, đồng thời 2 lần có văn bản gửi công ty đề nghị phối hợp xử lý.
“Cả 2 lần xã gửi văn bản nhưng phía công ty thủy điện không có phản hồi. Mãi đến đầu tháng 7-2023, họ mới cử đại diện đến xã làm việc và hứa phối hợp xử lý vụ việc. Lúc này các công trình tại khu du lịch đã hoàn thiện và đi vào hoạt động”, ông Nguyễn Anh Toàn cho biết.
Toàn cảnh khu du lịch không phép |
Để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, chúng tôi đã liên hệ với ông Đỗ Minh Lộc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi và được trả lời sắp tới sẽ làm việc với UBND huyện Hàm Thuận Bắc để phối hợp xử lý, còn hiện tại ông đang bận đi họp.
Có thể thấy, việc các bên liên quan chậm phối hợp xử lý đã khiến tình hình lấn chiếm đất, lòng hồ, xây dựng công trình không phép tại khu vực hồ thủy điện Đa Mi ngày càng nghiêm trọng và trở nên phức tạp.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu