(ĐTTC) - Ngày 29-5, tại buổi họp báo công bố hợp tác tổ chức 3 triển lãm về công nghiệp phụ trợ năm 2013, ông Hirotaka Yasuzumi – Giám đốc Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, cho biết nhiều DN Nhật Bản đang có động thái dọn nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh và nguồn cung cấp nguyên vật liệu từ Trung Quốc, Thái Lan sang Việt Nam.
Lý giải “biểu hiện” trên, theo ông Hirotaka Yasuzumi, so với các quốc gia trong khu vực, các yếu tố khiến môi trường đầu tư Việt Nam hấp dẫn DN Nhật Bản nhờ nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ và tình hình chính trị ổn định.
Năm 2012 và nửa đầu năm 2013 tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của DN Nhật Bản chiếm khoảng 50% trong tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Dù được đánh giá rất khả quan nhưng ông Hirotaka Yasuzumi cũng lưu ý các nghiên cứu của JETRO cho thấy trở ngại lớn nhất khi đầu tư vào Việt Nam là thiếu hụt ngành công nghiệp phụ trợ. Tỷ lệ nội địa hóa của các công ty Nhật tại Việt Nam năm 2012 chỉ ở mức 28% so với 61% tại Trung Quốc và 53% tại Thái Lan.
Từ ngày 10 đến 12-10-2013, JETRO phối hợp với Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM và Reed Tradex Thái Lan đồng tổ chức 3 triển lãm về công nghiệp phụ trợ: METALEX - Triển lãm quốc tế về máy công cụ và giải pháp gia công kim loại, NEPCON - Triển lãm về công nghệ hàn linh kiện bề mặt SMT, công nghệ kiểm tra hỗ trợ ngành chế tạo điện tử và Liên minh các DN công nghiệp hỗ trợ tại TPHCM diễn ra tại Trung tâm hội nghị và triển lãm Sài Gòn (SECC).
Đây được xem là hoạt động thiết thực để “dọn đường” và thúc đẩy các DN vừa và nhỏ ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm chuẩn bị cho làn sóng đầu tư từ Nhật Bản.
Ban tổ chức sẽ xây dựng 3 triển lãm thành 5 khu vực chính của công nghiệp phụ trợ là ép nhựa và dập, linh kiện điện và điện tử, phụ tùng máy móc cơ giới, gia công kim loại, xứ lý nhiệt và bề mặt.
Ngoài ra, sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ DN theo hướng chú trọng vào việc liên minh trao đổi thương mại thay vì triển lãm sản phẩm đơn thuần. Các DN cùng một ngành nghề có thể dễ dàng tìm được đối tác mà mình muốn trao đổi, DN có thể chủ động hoặc nhờ ban tổ chức tìm kiếm đối tác phù hợp.
Tham dự triển lãm sẽ có trên 100 công ty Nhật Bản chủ yếu trong ngành chế tạo phụ tùng ô tô, xe máy, công cụ và linh kiện điện tử.
Đây là cơ hội cho các DN Việt Nam tìm kiếm các giải pháp và máy móc hiện đại giúp nâng cao sản xuất với công nghệ cao, đặc biệt là chế tạo khuôn dập, sản xuất linh kiện. DN có thể tìm kiếm các nhà thầu phụ, bán linh kiện cho các khách hàng Nhật Bản cũng như các nhà sản xuất.