Đô thị hóa và nỗi ám ảnh “ngộ độc tiền”

(ĐTTCO) - Bộ phim “Phố trong làng” đang chiếu trên sóng VTV1 đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi của công chúng trên các diễn đàn người xem truyền hình. 
Một cảnh phim “Phố trong làng”.
Một cảnh phim “Phố trong làng”.
Bộ phim tập trung vào hình ảnh lực lượng công an xã, để từ đó cảnh tỉnh nỗi ám ảnh về “ngộ độc tiền” đang đe dọa cuộc sống vùng nông thôn hôm nay. 
Ngay cái tên “Phố trong làng” đã thể hiện bộ phim đề cập trực diện sự đổi thay của nông thôn. Dấu hiệu phố hình thành ở trong làng là quá trình chuyển biến công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Thế nhưng, quá trình đô thị hóa nào cũng có những hệ lụy. Bộ phim “Phố trong làng” nhấn nhá khái niệm khá gai góc “ngộ độc tiền”. Bối cảnh của phim là xã Tân Xuân bị tác động mạnh bởi sự phát triển của ý thức danh lợi. Câu chuyện của Tân Xuân cũng giống như nhiều làng quê yên bình khác, thời kinh tế thị trường, đất đai trở nên có giá và tệ nạn cũng nảy sinh khó lường.
Từ kịch bản của Nguyễn Mạnh Cường, NSƯT Nguyễn Mai Hiền đã dàn dựng thành bộ phim “Phố trong làng” dài 45 tập. Đạo diễn Nguyễn Mai Hiền từng thực hiện những bộ phim gây cấn khiến công chúng truyền hình thích thú như “Người phán xử”, “Sinh tử”, “Hồ sơ cá sấu”... nên nhiều người chờ đợi ở bộ phim “Phố trong làng” cũng có những pha hành động nghẹt thở. Tuy nhiên, đạo diễn Nguyễn Mai Hiền cho biết: "Phố trong làng” là bộ phim tâm lý, có không gian là vùng nông thôn Bắc bộ, với nhân vật chính là những chiến sĩ công an. Trong phim không có cảnh hành động đuổi bắt căng thẳng hay những vụ điều tra phá án hồi hộp, gay cấn. Thay vào đấy là hình ảnh các chiến sĩ công an xã. Đôi khi, những khó khăn về phong tục tập quán, "đất lề quê thói" cũng như quan hệ về dòng họ gây khó khăn, khiến các anh phải vượt qua và hóa giải.
Bộ phim “Phố trong làng” với nhân vật chính là thượng úy Nam, chiến sĩ cảnh sát hình sự trẻ tuổi, nhiệt tình, xông xáo luôn nhận được đánh giá cao từ đồng đội và cấp trên. Vì quá bận với công việc điều tra phá án nên anh nhiều lúc không có thời gian cho người vợ sắp cưới của mình. Cuộc sống của Nam bắt đầu xáo trộn khi anh được điều động về làm trưởng công an xã Tân Xuân. Ngay khi nói với người yêu về việc điều động công tác, anh phát hiện người yêu của mình phản bội, quay lại với người yêu cũ. Càng đau lòng hơn khi cô quyết định chia tay với anh: "Em chỉ muốn trước khi đi, anh không phải vướng bận chuyện này nữa".
Mang nỗi buồn riêng vào hành trình tới với Tân Xuân, nhận nhiệm vụ mới Nam đã bị lôi vào những rắc rối tưởng chừng nhỏ nhặt nơi đây. Bắt đầu là vụ ẩu đả ở quán của tú bà Mây. Sau là Mến thường xuyên say xỉn đánh đập vợ con… Hành trình công tác của Nam đã giúp anh tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống mình đã bỏ quên nơi thành thị xô bồ. Những cuộc gặp gỡ giữa Nam và y tá Ngọc hứa hẹn cuộc tình đẹp nhưng đầy trắc trở, bởi mẹ của Ngọc chính là tú bà Mây, cũng như thân phận của cha ruột Ngọc còn có nhiều điều bí ẩn. 
Xã thuần nông Tân Xuân nhờ cơn sốt đất nhiều người giàu nhanh. Nỗi thèm khát vật chất khiến cộng đồng xáo trộn. Thông qua những vụ án tưởng như nhỏ nhặt như những xung đột, cãi vã của vợ chồng Mến - Thương, sự kỳ thị của dân làng với Hiếu - một người vừa mãn hạn tù, hay những lục đục nội bộ của dòng tộc… bộ phim “Phố trong làng” hé lộ nỗi âu lo lớn hơn, sự tha hóa của những kẻ quyền lực và những kẻ hung tợn. Thượng úy Nam nhận ra mối quan hệ giữa quan chức chính quyền (đại diện là anh em Quyền - Lợi) cùng với nhóm doanh nghiệp (Mây - vợ bé của Lợi) và giang hồ (Thuận lùn - tay chân của Lợi) tạo thành tam giác trục lợi trên những chính sách tốt đẹp. 
Để đương đầu trục tam giác ma quỷ ấy, thượng úy Nam có sự ủng hộ từ những người nông dân chất phác và trung thực. Thương mến chiến sĩ cảnh sát, bà con đã tặng con gà bồi dưỡng hay chỉ là một ly nước trà thanh mát ở quán vỉa hè. Thậm chí cô gái Hoài vì mê anh cảnh sát đẹp trai Nam đã đem luôn cả cái giường đến trụ sở công an để tặng… Càng ở lâu, càng đi sâu, thấu hiểu được người dân nơi này, Nam càng gắn bó và nhận ra những việc mình làm cho người dân không chỉ là nhiệm vụ mà rất tự nhiên, giống như người con của mảnh đất này. Nam có thêm những người bạn, đồng nghiệp cùng chí hướng, chung lý tưởng như Đông và Hoàng, hay những người làng trước ghét sau thân như Hiếu. Đặc biệt, mối tình đẹp nhưng không ít sóng gió với Ngọc càng khiến việc nhận nhiệm vụ này trở thành "định mệnh" của Nam.
Bộ phim “Phố trong làng” phát sóng vào các tối từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần trên kênh VTV1 vào lúc 21 giờ. Bộ phim có sự góp mặt của nhiều diễn viên trẻ. Đặc biệt, vai thượng úy Nam được ưu ái giao cho diễn viên Tuấn Anh. Đã từng xuất hiện trong nhiều bộ phim truyền hình như “Trái tim có nắng”, “Zippo mù tạt và em”, “Cả một đời ân oán”… Tuấn Anh thực sự được thử thách với vai chính “Phố trong làng”. Dù diễn xuất hơi lên gân, nhưng Tuấn Anh cũng tạo được cảm tình cho khán giả. 
Một vai diễn khác khá ấn tượng của bộ phim “Phố trong làng” là Mến do diễn viên Doãn Quốc Đam thể hiện. Theo kịch bản vai Mến không phải cạo trọc đầu, nhưng diễn viên Doãn Quốc Đam quyết “xuống tóc” để nhân vật mang vẻ dữ dằn như một loại “Chí Phèo” đời mới. Doãn Quốc Đam thổ lộ: “Nhân vật Chí Phèo của nhà văn Nam Cao vốn đã để lại dấu ấn khó quên và ám ảnh không nguôi trong lòng người đọc. Chí Phèo được khắc họa sâu sắc cả về diện mạo lẫn tính cách. Nên với những nhân vật có tính cách tương đồng dễ dàng gợi nhớ hình ảnh Chí Phèo. Vai diễn này của tôi cũng vậy. Mến được coi là anh "Chí Phèo" thời hiện đại. Nhưng với tôi, đó không phải là nhân vật mẫu, vai mẫu để cố gắng làm sao cho giống. Mến của “Phố trong làng” do chính tôi đồng cảm kịch bản, xây dựng và khắc họa…”. 
Phim về đề tài nông thôn bị tác động bởi kinh tế thị trường, đã được khai thác nhiều lần như “Gió làng Kình”, “Mặn hơn muối”, “Vịt kêu đồng”, “Qua ngày giông bão”, “Sông trôi muôn hướng”, “Con gái nhà người ta”... Bộ phim “Phố trong làng” chọn góc độ mới mẻ hơn, từ công việc của lực lượng công an xã khái quát một bức tranh xã hội đang cuống cuồng vì “ngộ độc tiền”. Phẩm chất hiền lành của những số phận sau lũy tre bình yên phải chịu thử thách với không ít nghiệt ngã và đớn đau để gìn giữ sự lương thiện. 

Các tin khác