Tiếp đó, kênh Tân Hóa - Lò Gốm cũng được đầu tư nhiều tỷ đồng để cải tạo sau bao năm ô nhiễm trầm trọng. Thế nhưng, những dòng kênh này đang dần bị “bức tử” trở lại khi mỗi ngày công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM phải mướt mồ hôi để vớt khối lượng rác khổng lồ từ những dòng kênh này.
Công nhân Công ty Môi trường đô thị TPHCM vớt rác trên tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm
Tiện tay là... vứt rác xuống kênh
Mới 5 giờ 30, không khí tại bến tàu của đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trên đường Trường Sa, quận Phú Nhuận thuộc Công ty Môi trường đô thị TPHCM đã nhộn nhịp, rôm rả. Các công nhân chuẩn bị vợt, cào, móc câu, thùng đựng rác, đồ bảo hộ lao động… để bắt đầu ngày làm việc mới. Hôm nay, chúng tôi được sắp xếp đi cùng xuồng với công nhân Ngô Tiến Dũng (40 tuổi) và Trương Huỳnh Quốc Huy (27 tuổi). Cùng xuất phát còn có 4 xuồng khác. Cứ 2 người trên một xuồng, một người làm tài công và một người vớt rác bằng tay hoặc điều khiển bằng máy. Thường thì các đội chỉ phụ trách ở một tuyến kênh nhất định, nhưng khi cần tăng cường để đáp ứng công việc thì họ sẽ được điều động đến các vị trí kênh khác để hỗ trợ.
Chiếc xuồng của chúng tôi xuôi dòng Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ quận Phú Nhuận về quận 1 một cách chậm rãi. Theo quan sát, rác thải lẫn trong khóm lục bình rất nhiều, nhất là vỏ hộp đựng cơm, thùng xốp nhỏ, túi ni lông, rác thực phẩm bọc trong bao ni lông đã bốc mùi hôi thối… trôi nổi ngổn ngang trên mặt nước.
Đẩy mạnh cây sào gạt rác sang một bên để xuồng chạy xuôi dòng, Quốc Huy tâm sự: “Nếu không dùng sào đẩy rác thì xuồng không chạy nổi. Rác nhiều cả trên mặt nước lẫn dưới đáy kênh. Gom rác trên bờ đã vất vả, gom rác dưới nước còn nặng nhọc hơn vì lượng nước thấm vào và mùi tanh hôi rất khó chịu. Không chỉ làm việc trong mọi điều kiện thời tiết, nắng mưa thất thường, anh em còn phải làm việc vào những khung giờ khắc nghiệt. Phải làm việc từ 5, 6 giờ sáng, vì nếu đi trễ, ánh nắng sẽ làm cho mùi hôi dưới kênh bốc lên rất kinh khủng”.
Quốc Huy nhanh nhẹn vớt từng khối rác cho vào thùng. Chỉ trong vòng 20 phút, 2 thùng rác loại 660 lít đã đầy ắp rác thải. “Rác thải ra kênh vô tội vạ, nhiều người cứ tiện tay là vứt xuống kênh, trong khi lực lượng thu gom thì ít. Bảy năm trong nghề, lương cũng chỉ 7-8 triệu/tháng nhưng em không thấy mệt mỏi vì công việc mà chỉ thấy buồn vì ý thức của một số người dân rất kém. Có lúc vừa vớt rác xong cho xuồng trôi đi chưa đầy 1m, có người lại vứt nguyên bịch rác ngay trước mắt, tụi em phải quay xuồng trở lại chỉ để nhặt một bịch rác”, Quốc Huy chia sẻ. Anh cũng trăn trở đã chọn nghề thì không sợ khó, sợ khổ, chỉ mong mọi người cùng nâng cao ý thức, làm sao bỏ rác đúng nơi quy định, cũng là để chung tay cùng thành phố giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.
Chia tay đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chúng tôi tiếp tục theo đội vớt rác trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm, để cảm nhận sâu hơn về nghề vớt rác trên kênh. Chưa tới 5 giờ 30 phút, không khí ở bãi tàu của Công ty Môi trường đô thị TPHCM trên đường Nguyễn Văn Luông, quận 6, đã vui nhộn bởi tiếng cười nói rôm rả của anh em công nhân.
Hôm nay, chúng tôi được tài công trẻ tuổi Nguyễn Trí Quang và thợ vớt rác là chú Nguyễn Văn Luyến dẫn đường. Mới nổ máy, tài công Quang đã phải xắn tay áo, đưa sát mặt xuống dòng nước đen để kéo từng búi rác đang vướng vào chân vịt của xuồng. Hì hục một hồi lâu xuồng mới nhổ neo. Theo cảm nhận của chúng tôi, nước ở tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm có phần đen và hôi hơn nhiều so với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Rác ở đây cũng nhiều hơn, chủ yếu là các thùng xốp lớn, rác sinh hoạt bỏ đầy cả bao tải, vỏ hộp đựng cơm... trôi nổi lềnh bềnh trên kênh.
Với 21 năm trong nghề vớt rác trên dòng Lò Gốm, chú Nguyễn Văn Luyến chứng kiến hết những đổi thay ở dòng kênh này. “Nghề này phụ thuộc nhiều vào con nước, khi nước lên phải tranh thủ, cố gắng làm xong, chứ để khi nước xuống, trơ đáy là không tài nào vớt được. Gặp khi trời nắng, khí metan bốc từ dưới kênh lên xộc thẳng vào mắt mũi, rất khó chịu”, chú Luyến chia sẻ. Nói về việc xả rác bừa bãi xuống kênh, chú Luyến tỏ ra buồn bã vì vẫn còn một bộ phận người dân rất thiếu ý thức. “Thậm chí có khi xuồng vớt rác đi sát bờ kênh để thu gom, một số người đứng trên bờ cầm bịch rác không thèm gửi vô xuồng mà ném thẳng xuống mặt kênh trước sự ngỡ ngàng của anh em công nhân. Mỗi lần như thế, anh em đều nhắc nhở, song chỉ nhận lại được những ánh nhìn thờ ơ, có khi là lời lẽ khó nghe”, chú Luyến ngao ngán kể.
Khoảng 9 giờ, cái nắng chói chang đã rọi chiếu xuống dòng kênh khiến cho mùi hôi tanh bốc lên càng ngột ngạt hơn. Lúc này rác cũng đã được vớt đưa hết lên bờ, các công nhân cho xuồng cập bến, tranh thủ nghỉ ngơi. Có người ăn vội ổ bánh mì vì sáng sớm chưa kịp ăn, có người ngả vội lưng xuống chiếc ghế ở quán cà phê cóc ven đường. Tất cả chỉ gói trọn trong hai chữ vội vàng, để rồi họ lại tiếp tục cho công việc buổi chiều.
Theo Công ty Môi trường đô thị TPHCM, đội ngũ công nhân vớt rác ở tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có 22 người, trên tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm là 12 người. Mỗi ngày, công nhân vớt từ kênh Tân Hóa - Lò Gốm khoảng 7 tấn rác (2 ngày vớt 1 lần); tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè khoảng 14 tấn rác (vớt mỗi ngày).
Tuyên truyền nhiều nhưng hiệu quả còn thấp
Theo đánh giá của các địa phương có 2 tuyến kênh chảy qua, mặc dù đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, kết hợp xử phạt hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường, kênh, rạch nhưng vẫn còn một số người dân thiếu ý thức, cố tình lén lút đổ rác trộm.
Ông Trần Văn Thạch, Phó chủ tịch UBND phường Đa Kao, quận 1, cho biết, phường đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể cán bộ, công chức và nhân dân về cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường, kênh rạch” như: xe loa tuyên truyền, phát tờ rơi; thực hiện chương trình 15 phút mỗi tuần vì thành phố văn minh, sạch đẹp; thường xuyên phối hợp cảnh sát khu vực, tổ tự quản tuần tra, kiểm tra và kịp thời xử lý với hành vi vi phạm môi trường… Mặc dù có nhiều chuyển biến, nhưng theo ông Thạch, kết quả vẫn chưa như mong đợi. Việc phát hiện khó khăn do người vi phạm thường là đối tượng hàng rong, xe đẩy vãng lai đi qua địa bàn vào buổi tối, nơi khuất để lén đổ, bỏ rác thải, xà bần.
Bà Nguyễn Thanh Thảo, Chủ tịch UBND phường 17, quận Bình Thạnh, cho biết, với phương châm “mưa dầm thấm sâu”, phường đã và đang triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân trong việc bỏ rác đúng nơi quy định như lồng ghép, tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong các cuộc họp tổ dân phố. Thậm chí, tổ trưởng khu phố còn trực tiếp đến từng nhà dân để trò chuyện. Bên cạnh việc tuyên truyền thì phường cũng mạnh tay xử phạt.
Đối với lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm, tính hiệu quả cũng thấp tương tự. Ông Trần Hải Đăng, Phó chủ tịch UBND phường 7, quận 6, cho biết, phường đã triển khai mô hình tổng vệ sinh ngày thứ 7 định kỳ 2 tuần/lần; ký cam kết giữ gìn vệ sinh nơi ở, nơi công cộng với 2.062 hộ dân trên địa bàn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp những khó khăn do một bộ phận người dân chưa ý thức bảo vệ môi trường; công tác thu gom vận chuyển rác sinh hoạt còn nhiều bất cập.
Còn theo ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch UBND phường 3, quận 11, phường đã triển khai một loạt các hoạt động như ra quân dọn dẹp kênh rạch; tổng vệ sinh các điểm đen về xả rác bừa bãi; đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn; tuyên truyền bằng pano, khẩu hiệu tại đường kênh Tân Hóa, rạch Đầm Sen… Dọc theo tuyến đường kênh Tân Hóa - Lò Gốm thuộc địa bàn phường là bức tường vắng vẻ của Công viên Văn hóa Đầm Sen, là điều kiện thuận lợi để người đi đường vứt rác ra kênh rạch, đường phố. Do đó, chính quyền phường thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân bỏ rác đúng nơi quy định, tuần tra xử phạt các trường hợp vi phạm nhưng hiệu quả vẫn chưa cao.
Theo Sở TN-MT TPHCM, trong 2 năm 2019-2020, thành phố phát hiện 20.302 trường hợp vi phạm vệ sinh nơi công cộng, trong đó nhắc nhở 6.733 trường hợp; xử phạt 13.569 trường hợp với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Năm 2021, thành phố đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, trong đó đã nhắc nhở 2.667 trường hợp vi phạm, xử phạt 3.484 trường hợp với số tiền 1,5 tỷ đồng. |