ĐTTC ghi lại ý kiến một số doanh nghiệp.
Bà NGUYỄN THỊ THANH HƯƠNG, Tổng giám đốc Đại Phúc Land:
Cần cơ chế khơi thông nguồn lực
Cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra được đánh giá nghiêm trọng hơn các cuộc khủng hoảng trước đây, bởi nhiều yếu tố như thời gian diễn ra quá nhanh, không được dự báo, không lường trước được, nên không có trong kịch bản ứng phó năm 2020.
Xuất phát điểm là đại dịch bệnh đe dọa tính mạng con người, nên nguồn lực các nước phải đổ ra ưu tiên chống dịch trước. Vì thế, suy thoái kinh tế diễn ra như điều tất yếu không thể tránh khỏi trên tất cả lĩnh vực ngành nghề, số lượng người thất nghiệp tăng nhanh, thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc kỷ lục, giá dầu giảm mạnh...
Khủng hoảng lần này diễn ra theo chiều thẳng đứng, cảm giác mọi thứ tự nhiên đóng băng, ngừng hoạt động không kịp trở tay. Như vậy các nước phải nỗ lực gấp đôi, chi phí, nguồn lực cũng huy động tối đa cho cả 2 mặt trận chống dịch bệnh và chống suy thoái kinh tế, mà tác động của nó sẽ rất lâu sau mới có thể hồi phục được.
BĐS là một trong những lĩnh vực kinh tế đầu tàu liên đới với rất nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Thị trường BĐS vốn đang gặp khó khăn do khủng hoảng pháp lý kéo dài, dẫn đến lệch pha cung - cầu rất lớn. Đặc biệt, nguồn cung khan hiếm, chi phí đầu vào tăng cao, thời gian triển khai dự án kéo dài, đã gây lãng phí nguồn lực và đẩy giá thành tăng cao.
Quý I-2020 mức giao dịch của toàn thị trường chưa đến 20% so với mục tiêu kỳ vọng do ảnh hưởng dịch bệnh. Các chủ đầu tư lớn buộc phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư, kinh doanh theo diễn biến thị trường. Tuy nhiên yếu tố dịch bệnh chỉ là ngắn hạn rồi sẽ qua đi. Các DN buộc phải vào cuộc chuẩn bị cho cuộc đua chạy nước rút vào các quý cuối năm để bù lại những quý đầu năm.
Vấn đề lớn nhất để khai thông nguồn lực cho thị trường BĐS vẫn là cơ chế chính sách phải được điều chỉnh và đổi mới toàn diện để khọi thông nguồn lực xã hội, vực dậy thị trường sau đại dịch vốn đã bị tổn thương rất nặng nề.
Theo đó, cần thông điệp quốc gia mạnh mẽ về quyết tâm khôi phục kinh tế và kế hoạch kích cầu tổng lực vào cuối quý II hoặc quý III, giúp thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Cần có tổng chỉ huy trưởng trên mặt trận chống suy thoái kinh tế, cũng như trên mặt trận chống dịch vậy.
Có như thế chúng ta mới có hy vọng về một thị trường BĐS khởi sắc hơn, đóng góp vào công cuộc hồi phục toàn nền kinh tế của Chính phủ sau đại dịch.
Ông NGUYỄN QUỐC BẢO, Phó tổng Tập đoàn Danh Khôi:
Tận dụng cơ hội trong khó khăn
Dù dịch bệnh vẫn còn nhiều phức tạp, song thế giới đã công nhận Việt Nam có sự kiểm soát dịch bệnh khá tốt, hy vọng ịch bệnh sẽ sớm qua đi. Nhưng chính trong lúc này, nhiều cơ hội lại đang mở ra, vấn đề của nhà đầu tư là làm sao biết nắm bắt đúng cơ hội lúc này.
Trong các kênh đầu tư phổ biến hiện nay, thực tế cho thấy các kênh đầu tư vàng, chứng khoán, USD có nhiều biến động, đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức và thường xuyên theo dõi, nếu không sẽ gặp nhiều rủi ro. Trong khi đó, BĐS có thể nói là kênh đầu tư an toàn và có khả năng mang lại lợi nhuận cao hơn cả.
Bởi BĐS là kênh đầu tư an toàn và đầy sức hấp dẫn không ai có thể phủ nhận được. Lịch sử thị trường suốt nhiều thập niên qua đã chứng minh, cứ sau mỗi lần khủng hoảng, những nhà đầu tư thông minh biết nắm bắt cơ hội thường thu được lợi nhuận nhiều hơn.
C
ó thể trong giai đoạn hiện nay, việc đầu tư lướt sóng trong ngắn hạn là khó, song với các dòng sản phẩm BĐS có đầy đủ pháp lý đầy đủ, có vị trí tốt, hữu hạn về nguồn cung, sẽ là kênh đầu tư an toàn và khả năng mang lại sinh lời cực lớn thời gian sau dịch. Vì vậy, dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn đưa dự án ra thị trường với nhiều chương trình kích cầu.
Cụ thể, dự án Kỳ Co Gateway (Bình Định). Nhằm kích cầu thị trường, tạo cơ hội cho người mua chúng tôi đưa ra chính sách thanh toán đột phá, khách hàng chỉ cần thanh toán 6% là có cơ hội sở hữu sản phẩm, quá trình thanh toán còn lại thực hiện theo tiến độ, với thời gian kéo dài trong 18 tháng và chia thành nhiều giai đoạn khác nhau.
Chúng tôi xem trong khó khăn nào cũng có những thuận lợi riêng, chúng tôi chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng nhập cuộc sau khi dịch bị không chế.
Ông ĐOÀN CHÍ THANH, Chủ tịch Hoàng Anh Sài Gòn (HASG):
Sẵn sàng tung ra một số dự án sau dịch
Hiện nay không chỉ HASG mà hầu hết doanh nghiệp đều tạm ngưng các hoạt động bán hàng tập trung. Hiện chúng tôi chỉ tập trung tiếp thị, xây dựng phương án kinh doanh, khắc phục khó khăn sau dịch. Dự định sau dịch chúng tôi tiếp tục bán giai đoạn 2 dự án chung cư Paris Hoàng Kim đường Trần Não (quận 2) và triển khai dự án mới Viva Plaza (quận 7).
Trước thực trạng khó khăn chung của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực BĐS, vừa qua Chính phủ đã có nhiều động thái tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Mới đây nhất, Bộ Tài chính cũng có quyết định gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, Bộ này đề xuất tăng gói hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do Covid-19 từ 30.000 tỷ đồng lên 80.000 tỷ đồng…
Đây được xem là liều thuốc cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh, cho thấy sự ảnh hưởng sâu rộng hơn đối với nền kinh tế và cả BĐS. Hiệp hội BĐS TPHCM cũng đã kiến nghị Chính phủ bổ sung doanh nghiệp BĐS là đối tượng được xem xét gia hạn 5 tháng, với tiền thuế giá trị gia tăng trong các tháng 3, 4, 5 và 6, cùng hàng loạt kiến nghị khác.
Chúng tôi cho rằng, những nỗ lực từ TP đến bộ ngành trung ương, cùng với cố gắng vượt khó của từng doanh nghiệp, thị trường BĐS sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng bắt nhịp lại hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch một cách tốt nhất.