Ngày 20-8, TPHCM tổ chức Hội nghị “TPHCM đồng hành cùng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19”, với sự tham dự của đại diện 6 hiệp hội cùng 6 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Nguy cơ đứt gãy chuỗi lưu thông, xuất khẩu hàng hó
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan thẳng thắn nhìn nhận, TPHCM đang ở giai đoạn hết sức khó khăn, do dịch Covid-19 gây ra. Theo ước tính (lần 1) của Tổng cục Thống kế, tốc độ tăng trưởng GRDP của TPHCM giảm 2,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,39%), và có khả năng không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 đề ra (kế hoạch là 6%).
Tất cả các ngành kinh tế như công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh và có thể giảm sâu 5% so với cùng kỳ. Hoạt động của DN nói chung và FDI nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Hàng chục ngàn DN tạm dừng sản xuất, hàng trăm ngàn lao động mất việc. Nguy cơ đứt gãy chuỗi lưu thông, xuất khẩu hàng hóa lớn nếu không có giải pháp ứng phó một cách toàn diện, mạnh mẽ, kịp thời.
“TPHCM nhận thức rõ tầm quan trọng và sự đóng góp của cộng đồng DN vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Những tác động tiêu cực, chưa có tiền lệ của dịch Covid-19 đang từng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và nghiêm trọng hơn là đe dọa đến sự sống còn của DN.
Vì thế, TPHCM quyết định tổ chức hội nghị, với mục đích lắng nghe ý kiến của các hiệp hội và DN FDI, đưa ra một số giải pháp cụ thể, thiết thực trong ứng phó với dịch Covid-19. Cùng TP vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và nhanh chóng trở mình phục hồi sau đại dịch”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chia sẻ.
Nên cho tư nhân được triển khai tiêm vaccine và tự test cho nhân viên
Liên quan đến kiến nghị, giải pháp, 6 hiệp hội FDI cho rằng mô hình “3 tại chỗ” đang gây ra nhiều bất cập, không phù hợp để áp dụng lâu dài. Do đó, để mô hình đạt hiệu quả hơn nên bổ sung thêm các phương thức, như cho phép người lao động được luân chuyển và kiểm soát bằng cách test PCR trước khi người lao động vào, ra nhà máy, hoặc những giải pháp khác linh hoạt hơn.
Việc test nhanh Covid-19 và tiêm vaccine, các hiệp hội kiến nghị cho phép các đơn vị tư nhân được triển khai tiêm và tự test cho nhân viên.
“Thực hiện công tác test nhanh để sàng lọc, tạo luồng xanh, điều kiện cho người lao động trở về địa phương an toàn, bên cạnh có hướng dẫn cách ly tại nhà thay vì cấm hoàn toàn trở về địa phương (từ DN về nơi ở của công nhân-PV)”, đại diện Eurocham nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, cần thống nhất tiêu chuẩn và kết quả xét nghiệm Covid-19, thời gian cững như hiệu lực của chứng nhận xét nghiệm giữa TPHCM và tất cả các tỉnh, thành phố khác.
Bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại Công ty Intel Products Việt Nam, kiến nghị cần ưu tiên tiêm vaccine mũi thứ 2 cho người lao động trong Khu công nghệ cao càng sớm càng tốt. Bởi khi có mũi tiêm thứ 2, khu vực này sẽ sớm đạt miễn dịch cộng đồng, giúp quay trở lại sản xuất kinh doanh với công suất 100%. Có như vậy, tình hình sản xuất quý 4 tại đây sẽ được cải thiện, bù lại cho những tháng trước đó bị ngưng trệ.
TPHCM luôn lắng nghe và đồng hành cùng doanh nghiệp
Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tiếp thu các kiến nghị và tập trung các giải pháp để giải quyết nhiều nhóm vấn đề. Thứ nhất, đối với các kiến nghị, giải pháp thuộc thẩm quyền của TP về mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 địa điểm” đã được báo cáo Chính phủ, và đưa ra 4 phương án cho DN sản xuất kinh doanh trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách xã hội.
Cụ thể, TPHCM sẽ tạo điều kiện và hướng dẫn DN tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng chống dịch theo 1 trong 4 phương án sau: Phương án 1: Tiếp tục thực hiện phương thức “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất).
Phương án 2: Tiếp tục thực hiện phương thức “1 cung đường - 2 địa điểm” hoặc phương án “1 cung đường - 2 địa điểm” mở rộng (doanh nghiệp tổ chức nhiều nơi lưu trú tập trung tại nhiều địa điểm khác nhau và tổ chức đưa đón công nhân từ nơi lưu trú tập trung đến nơi làm việc).
Phương án 3: Tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh” gồm: người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh (“người lao động xanh” được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa “nơi làm việc xanh”, “nơi ở xanh” theo “một cung đường xanh” (không dừng, đỗ dọc đường và không đi ngang qua các vùng có nguy cơ cao và rất cao) trong các khung giờ phù hợp).
Phương án 4: Kết hợp các phương thức tại các phương án nêu trên.
Cũng theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, trong thời gian tới, TPHCM sẽ tập trung triển khai nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ về tín dụng như: Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Triển khai nhanh chóng chính sách hỗ trợ DN được vay lãi suất 0%, không phải bảo đảm tiền vay, để trả lương ngừng việc cho người lao động phải ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Xây dựng và ban hành quy chuẩn hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch để doanh nghiệp quay lại hoạt động với lộ trình cụ thể.