Doanh nghiệp “lờ” lên sàn

Theo Quyết định 51, doanh nghiệp sau khi IPO phải niêm yết CP lên TTCK. Thế nhưng, vẫn còn nhiều doanh nghiệp lờ đi nghĩa vụ này sau khi thực hiện cổ phần hóa, lý do nhiều doanh nghiệp đưa ra là do áp lực công việc quá nhiều.

Theo Quyết định 51, doanh nghiệp sau khi IPO phải niêm yết CP lên TTCK. Thế nhưng, vẫn còn nhiều doanh nghiệp lờ đi nghĩa vụ này sau khi thực hiện cổ phần hóa, lý do nhiều doanh nghiệp đưa ra là do áp lực công việc quá nhiều.

Sẽ mạnh tay bằng 51

 

Theo Luật Chứng khoán, sau khi cổ phần hóa có thể chia CTCP thành 2 loại là công ty đại chúng và công ty chưa đại chúng. Cụ thể, công ty đại chúng là công ty có cổ phần được ít nhất 100 NĐT sở hữu, không kể NĐT chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng trở lên.

Công ty chưa đại chúng là những doanh nghiệp còn lại có dưới 100 NĐT sở hữu và có vốn điều lệ đã góp dưới 10 tỷ đồng. Hiện nay, cùng với chủ trương đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan quản lý đang quyết liệt thúc đẩy, gắn cổ phần hóa đi đôi với đăng ký, niêm yết trên TTCK.

Để hạn chế việc chây ì đưa CP lên sàn, Thủ thướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 51/2014/QĐ-TTg. Theo đó, các doanh nghiệp cổ phần hóa sau ngày 1-11-2014, trong thời hạn 90 ngày phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, doanh nghiệp phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM. Đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa trước thời điểm quyết định này có hiệu lực, phải có kế hoạch tham gia giao dịch tập trung trong vòng 1 năm kể từ ngày 1-11-2014.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thực hiện đúng chủ trương này lại rất khiêm tốn. Ngày 10-6 vừa qua, HNX đã tổ chức lễ khai trương giao dịch mã DDV của CTCP DAP (VINACHEM). Đây là mã CP thứ 28 giao dịch trên sàn UPCoM trong năm 2015 với tổng giá trị đăng ký giao dịch đạt 1.400 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính luôn cả trường hợp DDV, đến thời điểm hiện nay mới chỉ có 8 doanh nghiệp giao dịch trên UPCoM sau khi IPO theo Quyết định 51/QĐ-TTg. Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã có công văn gửi tất cả các bộ, ngành và các doanh nghiệp để đôn đốc triển khai nghiêm túc.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), sau khi có công văn đôn đốc, hết tháng 6 này, Bộ Tài chính sẽ có đánh giá về kết quả thực hiện Quyết định 51. Khi đó nếu các doanh nghiệp không tuân thủ nghĩa vụ đăng ký công ty đại chúng, lưu ký CP và đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, Bộ Tài chính sẽ yêu cầu các doanh nghiệp phải giải thích rõ nguyên nhân, có phải do không đủ điều kiện đăng ký giao dịch hay doanh nghiệp trốn thực hiện nghĩa vụ này. Thậm chí, có khả năng cơ quan chức năng sẽ “bêu” tên doanh nghiệp không chịu lên sàn

Áp lực công việc lớn?

Theo thống kê của CTCK FPT (FPTS), sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp phải thực hiện hàng loạt nghĩa vụ. Đầu tiên là nghĩa quản lý cổ đông (thực hiện đối với mọi loại hình CTCP). Theo quy định tại Điều 86 của Luật Doanh nghiệp 2005, CTCP phải lập và lưu giữ sổ đăng ký cổ đông từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Sổ đăng ký cổ đông có thể là văn bản, tập dữ liệu điện tử hoặc cả 2 loại này (Điều 86 Luật Doanh nghiệp), trong đó phải có các nội dung như: tên địa chỉ của công ty, loại cổ phần, họ tên, số CMT, hộ chiếu, loại cổ phần, số lượng cổ phần của từng cổ đông. Kế đến là nghĩa vụ công bố thông tin (thực hiện đối với công ty đại chúng).

Do mới chuyển sang hoạt động dưới hình thức CTCP, với rất nhiều loại thông tin phải công bố theo các quy định khác nhau, tại nhiều thời kỳ khác nhau khiến doanh nghiệp dễ bị sót, thiếu, dẫn đến việc vi phạm các quy định công bố thông tin. Ngoài  ra, việc công bố thông tin không theo chiến lược sẽ làm xấu hình ảnh của doanh nghiệp, cổ đông không tiếp cận được thông tin doanh nghiệp, gây khó khăn trong việc PR hình ảnh doanh nghiệp, huy động vốn trên TTCK.

Công văn mới nhất 2660/BTC-UBCK của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết một số vấn đề liên quan đến thoái vốn thông qua đấu giá cổ phần và việc niêm yết, đăng ký giao dịch của các doanh nghiệp cổ phần hóa (cụ thể hóa Quyết định 51/2014/QĐ-TTg), còn quy định rõ hơn khi yêu cầu sau khi thực hiện đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. Theo đó, các doanh nghiệp đủ điều kiện niêm yết phải thực hiện đăng ký niêm yết tại các sở giao dịch chứng khoán.  

Lý giải về việc chậm trễ này, nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp chịu áp lực công việc quá lớn sau khi cổ phần hóa. Chẳng hạn, sau một thời gian dài hạn thực hiện các bước công việc để chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh nghiệp nhà nước sang CTCP, cộng thêm khối lượng không nhỏ những công việc cần hoàn thiện để bàn giao hoàn toàn sang CTCP.

Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp lờ chuyện lên sàn, lý do khiến cho doanh nghiệp chưa muốn lên sàn là những vấn đề muôn thủa báo chí và NĐT đã phản ánh trước đây. Ngại lên sàn vì minh bạch thông tin.

Các tin khác