Catalonia là một vùng đất giàu có nhất của Tây Ban Nha, đem về 1/5 GDP cho cả Tây Ban Nha. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người ở Catalonia cao hơn 30% so với phần còn lại của Tây Ban Nha.
Tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn gần 4% so với mức trung bình trên toàn quốc. Năm 2016, khu tự trị này cũng thu hút 18 triệu khách du lịch, chiếm 25% lượng du khách đến Tây Ban Nha, bởi thành phố Barcelona, thủ phủ của Catalonia, được mệnh danh là kinh đô của các thể loại nghệ thuật, là thành phố yên bình và sống động.
Barcelona được mệnh danh là lá phổi kinh tế của Tây Ban Nha nhờ các hoạt động tài chính, thương mại, là một trong những hải cảng quan trọng nhất ở Địa Trung Hải. Về ngoại thương, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường lớn nhất của các nhà sản xuất trong vùng. Năm 2016, thặng dư thương mại của Catalonia đối với các đối tác châu Âu đạt 12,9 tỷ EUR.
Nếu Catalonia độc lập là một quốc gia, GDP trên đầu người tại đây cao hơn so với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và thậm chí Italia. Theo Hiệp hội các công ty lữ hành Tây Ban Nha, thời gian qua cảnh biểu tình rầm rộ trên đường phố Barcelona đã làm nản lòng không ít du khách muốn tham quan viên ngọc lung linh trên bầu trời nghệ thuật châu Âu này.
Làn sóng đòi độc lập ở Catalonia gia tăng trong thời gian vừa qua.
Câu hỏi quan trọng ở đây là vùng đất trù phú này đóng góp cho trung ương bao nhiêu và nếu đi hay ở, cả Madrid lẫn Barcelona được gì và mất gì?
Theo chính quyền Catalonia, 90% những gì làm ra đều phải đem nộp cho Madrid. Bù lại, từ sau khủng hoảng tài chính thế giới 2008 và nhất là sau khủng hoảng địa ốc tại Tây Ban Nha từ năm 2012 tới nay, Catalonia được trung ương mở van tín dụng cho vay 63 tỷ EUR. Bên cạnh đó, mỗi tháng, chính quyền trung ương rót cho Catalonia 1,4 tỷ EUR để chi trả cho các dịch vụ công cộng của chính quyền cấp vùng. Dù Catalonia là nơi làm ra của cải, nhưng cũng là vùng đất mang nợ nhiều nhất. Nợ công của chính quyền địa phương tương đương với 35,4% GDP của Catalonia.
Về câu hỏi được thua, chính Madrid đã nhìn nhận Cataloina đóng góp cho trung ương nhiều hơn đến 10 tỷ EUR so với trợ cấp nhận được từ trung ương. Còn theo tính toán của phe đòi độc lập, con số này là 16 tỷ EUR. Đó cũng chính là lý do vì sao từ 8 năm qua, Barcelona liên tục đòi trung ương mở rộng quyền tự trị cho Catalonia và nhất là để cho vùng đất giàu có này tự quản về mặt thuế khóa, tức có một chính sách thuế khóa độc lập với Madrid.
Đương nhiên, Madrid không dại gì rời bỏ “con gà đẻ trứng vàng” Catalonia. Bên cạnh vấn đề nợ nần chồng chất, nhược điểm nữa trong cơ cấu kinh tế Catalonia xuất phát từ lĩnh vực ngân hàng. Chuyên gia kinh tế Eric Dor, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu IESEG thuộc Trường quản trị Lille (Pháp), cho biết 74% hoạt động kinh tế của Catalonia dựa vào lĩnh vực dịch vụ, trong đó các dịch vụ ngân hàng chiếm vị trí hàng đầu. Vấn đề đặt ra là tỷ trọng của ngành ngân hàng quá lớn so với một vùng lãnh thổ chỉ bằng 6% diện tích toàn lãnh thổ Tây Ban Nha. Điều này đồng nghĩa với việc trong trường hợp nổ ra khủng hoảng ngân hàng, Catalonia không thể tránh khỏi cảnh vỡ nợ.
Thời gian qua, ít nhất 15 doanh nghiệp lớn trong vùng thông báo có kế hoạch dời trụ sở chính khỏi Barcelona, trong số này có 2 ngân hàng lớn Banco Sabadell và CaixaBank. Giới chủ công ty đang hoạt động tại Barcelona cũng lo ngại không kém. Pascal Bourbon, một doanh nhân Pháp sống và làm việc tại Tây Ban Nha 18 năm, lo âu: “Giới doanh nhân lo lắng bởi nếu vùng Catalonia tuyên bố độc lập, quy chế của vùng sẽ ra sao? Liệu chúng tôi còn được hưởng những ưu đãi như hiện tại khi giao dịch với các đối tác trong EU hay không? Các doanh nhân ở đây sẽ làm ăn trong khuôn khổ pháp lý và hành chính nào với phần còn lại của Tây ban Nha?”.
Đành rằng Catalonia là vùng đất giàu có đồng thời đây cũng là vùng nợ nần nhiều nhất. Ngày nào còn trong vòng quản lý của Madrid, chính quyền cấp vùng còn được đi vay với lãi suất bình thường, nhưng nếu ra khỏi Tây Ban Nha Catalonia chỉ còn biết đi vay trên thị trường. Lập tức lãi suất nhảy vọt lên thành 20% thay vì chưa tới 2% như hiện tại.
Điều này đặt câu hỏi chính quyền Catalonia sắp tới nếu độc lập sẽ lấy đâu tiền để bù vào khoảng trống trong ngân sách chính quyền trung ương để lại. Chắc chắn sẽ phải thu thuế của dân, của các doanh nghiệp để lấp chỗ trống đó. Và liệu Catalonia có phải ra khỏi EU hay không? Đó là một vấn đề khiến giới doanh nhân Catalonia lo ngại bởi họ biết đó sẽ là một kịch bản tai hại.
Chuyên gia thuộc Cơ quan tư vấn Adway-Paris, Christophe Gautier Garcia, lưu ý trong trường hợp tách rời khỏi Tây Ban Nha, việc đầu tiên chính quyền mới Catalonia phải làm là đàm phán lại với EU về một chính sách tiền tệ mới. Bởi Catalonia sẽ là một quốc gia tách biệt và phải bước ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Vậy điều gì sẽ xảy ra khi Catalonia không được quyền sử dụng đồng EUR như hiện nay? Không được hưởng những điều khoản ưu đãi, từ chính sách thương mại đến tài chính, đầu tư… dành cho một thành viên trong đại gia đình châu Âu?
Có một điều chắc chắn trong trường hợp ly khai với Tây Ban Nha, tiến trình đàm phán giữa chính quyền mới ở Barcalona, với phần còn lại của EU sẽ kéo dài trong nhiều năm. Chính những câu hỏi không thể giải đáp đó đang đẩy phần lớn doanh nhân nhân và cả những công dân Catalonia xuống đường vì một đất nước Tây Ban Nha thống nhất.