Ông Lee Tang Wei, Giám đốc Công ty TNHH Domex Quảng Nam (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), cho biết: “Việc nhập khẩu nguyên liệu truyền thống từ Trung Quốc hiện gặp nhiều khó khăn. Để duy trì và đẩy mạnh sản xuất, công ty sẽ chuyển hướng sang nhập vải và một số nguyên vật liệu khác của Việt Nam và Thái Lan”.
Còn ông Phạm Phước Hiền Hòa, Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất Nhà máy Xi măng Đồng Lâm (Thừa Thiên - Huế), cho biết: Để đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng các đơn hàng phục vụ nhu cầu xây dựng đầu năm, nhà máy nhanh chóng hoàn thành các công đoạn cuối, đưa vào vận hành dây chuyền 2 nhà máy mới với công nghệ sản xuất hiện đại.
Một số doanh nghiệp may xuất khẩu tại Thừa Thiên-Huế sử dụng nguyên liệu thay thế để ổn định sản xuất
“Dây chuyền mới tập trung sản xuất dòng sản phẩm xi măng dân dụng với công nghệ tự động hoàn toàn, kể cả công đoạn đóng bao và đếm bao, chuyển xi măng”, ông Hòa nói. Cùng với việc chủ động cử kỹ sư theo sát quá trình lắp ráp, chạy thử máy để nắm bắt chuyển giao công nghệ sản xuất, công tác tuyển dụng nhân sự, ký kết hợp đồng cung ứng vật liệu cũng được đơn vị tiến hành song song.
Một tín hiệu vui là nhiều doanh nghiệp tại miền Trung không chỉ chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn lao động, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động mà còn tuyển thêm lao động để mở rộng sản xuất. Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên - Huế, thông tin: Đã có trên 30 đơn vị đăng ký tuyển dụng lao động tại trung tâm với hơn 1.000 vị trí việc làm thuộc ngành điện tử, khách sạn, dịch vụ nhà hàng, may mặc.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, cùng với việc chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư, địa phương thường xuyên rà soát, giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các dự án trọng điểm đang nghiên cứu đầu tư, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp…
Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn gửi các sở, ban ngành, địa phương về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19. Qua đó, giúp các doanh nghiệp, người lao động yên tâm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. UBND tỉnh giao Sở KH-ĐT làm cơ quan đầu mối cùng với cơ quan, đơn vị liên quan chủ động liên hệ, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để có hướng giải quyết phù hợp hoặc báo cáo UBND tỉnh, các bộ, ngành, cơ quan liên quan xem xét, hỗ trợ giải quyết. Tham mưu biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xuất, nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa, máy móc thiết bị sản xuất một cách thuận lợi, nhanh chóng; tạo điều kiện cho nhà đầu tư, cán bộ quản lý, chuyên gia nước ngoài nhập cảnh theo quy định.
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng thì vừa gửi kiến nghị gửi lên Chính phủ, đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần có chủ trương cho các ngân hàng thương mại giãn nợ, giảm lãi suất, đề nghị ngành thuế giãn các khoản thu thuế, giảm tiền cho thuê đất. Đồng thời, sử dụng các quỹ bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu để giảm chi phí nguyên liệu, hàng hóa thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng, góp phần kiềm chế lạm phát, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng, cho rằng, ngoài các đề xuất nêu trên, hiệp hội cũng kêu gọi các doanh nghiệp hội viên ưu tiên ủng hộ, sử dụng sản phẩm của nhau với mức giá ưu đãi.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chi nhánh Đà Nẵng, đơn vị này đang làm việc với cơ quan ngoại giao, xúc tiến thương mại đầu tư của các nước tại Đà Nẵng để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tìm kiếm thị trường mới. Cục thuế các địa phương giải quyết nhanh chóng thủ tục hoàn thuế cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Hoàn thuế nhanh chóng sẽ giúp bổ sung dòng tiền, tài chính nhanh cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn này.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, VCCI Đà Nẵng đề nghị triển khai chương trình phổ biến các hiệp định thương mại tự do (FTAs) và tư vấn cho các doanh nghiệp tái cấu trúc nguồn cung, chuỗi cung ứng theo hướng tập trung vào các quốc gia, vùng lãnh thổ trong nội khối các FTAs mà nước ta đã ký kết, có hiệu lực và sắp có hiệu lực để đáp ứng các quy tắc xuất xứ để tận dụng việc cắt giảm thuế quan từ các cam kết của FTAs và khai thác được các lợi thế của các FTAs trên thực tế. Qua hoạt động này cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, tăng cường nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có FTAs của Việt Nam để dần thay thế, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. |