Doanh nghiệp (DN) làm ăn hiệu quả sẽ cho thấy hoạt động kinh doanh thuận lợi, dòng tiền ổn định và đem lại nhiều lợi ích cho cổ đông. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những thách thức đến từ nhiều phía như cổ đông, thị trường và của chính DN.
Chỉ dành cho NĐT nhỏ, lẻ
Dự kiến năm 2013, DSN (CTCP Công viên nước Đầm Sen) sẽ chi trả cổ tức tối thiểu 36%. Có thể nói, với một mô hình kinh doanh ổn định, có một số lợi thế cạnh tranh và lịch sử chi trả cổ tức cũng khá cao, nên khả năng DSN đạt được kế hoạch là rất lớn.
Tại khu vực TPHCM, dịch vụ vui chơi, giải trí và những dịch vụ kèm theo như kinh doanh ăn uống, cho thuê đồ bơi, bán hàng lưu niệm của DSN cũng chỉ có rất ít đơn vị kinh doanh. Và cứ nhìn vào những dịp lễ, tết, hay cuối tuần, nhu cầu vui chơi giải trí của người dân lớn như thế nào có thể dự báo được KQKD của DSN.
HGM (CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang) và CAP (CTCP Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái) là 2 trong số những CP trả cổ tức cao nhất tại sàn Hà Nội. Tỷ lệ trả cổ tức của 2 mã này có thể nói là “siêu khủng” khi ở mức 70-80% trong năm vừa qua.
Nhưng nhìn vào thanh khoản của HGM và CAP trên thị trường, những ai có ý định mua những CP này sẽ dễ dàng nản chí. Gần chục phiên giao dịch gần nhất, có gần phân nửa số phiên HGM không có giao dịch, trong khi mỗi phiên CAP cũng chỉ giao dịch vài ngàn CP. Vốn điều lệ của cả CAP 17 tỷ đồng và HGM 60 tỷ đồng, đều ở mức thấp, nên không thể có chỗ cho NĐT lớn, NĐT tổ chức.
Giả sử có NĐT cá nhân nào bỏ tiền ra, kiên nhẫn mua vào những CP nói trên, đến khi thị trường xảy ra những vụ như “bầu Kiên” hay “tin đồn BIDV và ông Trần Bắc Hà”, thị trường lao dốc, cũng khó đảm bảo các mã trên sẽ trụ vững.
Chưa kể, thanh khoản thấp, mua vào khó, bán ra cũng khó, thị giá của những CP trả cổ tức cao cũng khá cao, nếu lấy thị giá hiện hành chia cho cổ tức, tỷ suất sinh lời chưa chắc hấp dẫn, nên thường chỉ những người đã mua với giá gốc mới có lời thực sự.
Bài toán động lực
Muốn các NĐT bên ngoài, NĐT mới “có chỗ”, các DN nêu trên nói riêng và các DN trả cổ tức cao nói chung, phải tiến đến việc phát hành CP. Thoạt nhìn, việc phát hành của một số DN là khá đơn giản vì vốn điều lệ nhỏ, cơ cấu cổ đông cũng không quá phức tạp, có thể dễ dàng thông qua nếu đề xuất và quan trọng nhất là các DN làm ăn hiệu quả, cổ đông bên ngoài sẽ sẵn sàng tham gia.
Nhưng thực tế lại không hề đơn giản như vậy. Minh chứng là cuối năm 2009, vốn điều lệ của CTCP XNK Thủy sản Bến Tre (ABT) đạt 113,4 tỷ đồng, cuối năm 2012 con số này tăng lên thành 136,1 tỷ đồng.
3 năm, vốn điều lệ của ABT (một DN trả cổ tức cao và ổn định), tăng không đáng kể, chỉ thêm khoảng 20 tỷ đồng. Thử hỏi, những cổ đông nắm giữ ABT, trừ trường hợp quá túng thiếu, còn trong trường hợp bình thường có muốn bán ra một CP sinh lời như vậy hay không?
Thế mạnh của DSN là quá rõ, nhưng yêu cầu của NĐT và cổ đông là |
Trong khi thực tế, vốn điều lệ từ mức 100 tỷ đồng tăng lên 150 hay 200 tỷ đồng là chuyện rất bình thường. Tất nhiên, tăng vốn hay không tăng vốn, chấp thuận cho “người ngoài” tham gia cổ phần là quyết định của DN, nhưng nó cũng phần nào cho thấy cổ tức cao vốn đã ít ỏi, nhưng cơ hội để được “hưởng” cũng không dễ dàng gì.
Trường hợp của ABT, trong khi ngành thủy sản vẫn có một số thách thức, nếu “bung” quá nhanh và quá mạnh có thể trả giá, nên việc ABT “túc tắc” kinh doanh với quy mô của mình, tạo ra lợi nhuận ổn định, cũng là một chiến lược hợp lý.
DN trả cổ tức bằng tiền mặt cao, tức là phần lợi nhuận, nguồn tiền tích lũy có thể bị ảnh hưởng, từ đó tác động đến việc mở mang hoạt động sản xuất kinh doanh. Hoặc cũng có trường hợp, DN chia cổ tức vì đơn giản là giữ nhiều tiền cũng không để làm gì.
Mặt tích cực của vấn đề cho thấy, DN dù sao cũng rất tôn trọng quyền lợi cổ đông, nó “tốt” hơn rất nhiều trường hợp DN “ôm” một đống tiền để rồi “phá” từ từ. Tuy nhiên, DN muốn tồn tại, phát triển thì bản thân phải tự thay đổi, nâng cấp mình, vì vậy với những DN chỉ chia cổ tức đều đều, dù có cao đi chăng nữa cũng chưa chắc đem lại lợi ích lâu dài.
Đơn cử trường hợp của HGM, cổ tức cao có thể thấy rõ rồi, nhưng đi sâu hơn nữa, mô hình kinh doanh của HGM như thế nào và khả năng duy trì được sự tích cực này trong bao lâu thì lại chưa biết. Ít nhất, NĐT phải biết được HGM hiện đang khai thác những mỏ nào, trữ lượng bao nhiêu, trong tương lai sẽ còn những mỏ quặng nào nữa.
Một thách thức khác là năm 2012 vốn khó khăn, nhưng các DN vẫn làm ăn tốt, trả cổ tức khủng, liệu khi kinh tế hồi phục, các DN có thể tiến lên mạnh mẽ hơn nữa hay không?
Nếu vẫn làm một cách “bình bình”, thiếu động lực có lẽ là không, lúc này nguy cơ bị “tụt” lại phía sau về lâu dài sẽ trở thành hiện thực. Vấn đề là các DN có sẵn sàng và có cơ hội thay đổi hay không mà thôi.