Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo “Đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam - VPE500” do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF, Bộ KH-ĐT) phối hợp với Viện Konrad Adenauer-Stiftung (KAS, CHLB Đức) phối hợp nghiên cứu và công bố.
Theo báo cáo, năm 2019 Việt Nam có 668.500 doanh nghiệp. Trong đó doanh nghiệp tư nhân trong nước là 647.600 doanh nghiệp, chiếm 96,88% tổng số.
Khối doanh nghiệp tư nhân đóng góp 15,12 triệu tỷ đồng, tương đương 57% tổng doanh thu thuần, thu hút 9.075.000 lao động, chiếm 59,9% tổng lao động trong khu vực doanh nghiệp ở Việt Nam.
Nhờ quy mô và kết quả hoạt động vượt trội nên VPE500 chiếm tỷ lệ nhỏ về số lượng nhưng đóng góp lớn vào hoạt động của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Bình quân giai đoạn 2016 - 2019, VPE500 chỉ chiếm 0,089% tổng số doanh nghiệp nhưng tạo việc làm cho 10,4% lao động, chiếm 13% tổng tài sản và tạo ra 15,8% doanh thu thuần.
Đặc biệt, doanh thu thuần của top 500 doanh nghiệp này cũng cao gấp khoảng 123 lần với 58% doanh nghiệp có xuất khẩu, trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân còn lại chỉ chiếm 7,73%.
Đóng góp của nhóm 500 doanh nghhiệp tư nhân lớn tăng dần qua các năm.
TS Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc NCIF cho rằng, VPE500 được coi như lực lượng dẫn dắt và tạo ảnh hưởng trên thị trường. Khu vực kinh tế tư nhân nói chung đang ngày càng trở thành khu vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Năm 2018, khu vực này chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp hơn 40% GDP, 38% đóng góp ngân sách Nhà nước và tạo việc làm cho 80% lao động.
Đồng quan điểm, ông Florian Constantin Feyerabend, Trưởng đại diện Viện KAS Việt Nam cũng đánh giá vai trò của top 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đối với nền kinh tế. Theo ông Florian Constantin Feyerabend, VPE500 đang đóng vai trò dẫn dắt thị trường, có ảnh hưởng đến nền kinh tế, giúp định hình kinh doanh và đóng góp quan trọng tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Do vậy, “sức khoẻ” của top 500 doanh nghiệp này đóng góp quan trọng vào khu vực kinh tế tư nhân, cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, sự lớn mạnh của doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam chính là nền tảng để Việt Nam có thể xây dựng một nền kinh tế hoàn toàn độc lập, tự chủ. “Một quốc gia không thể có nền kinh tế tự chủ nếu như không có lực lượng doanh nghiệp tư nhân đủ khỏe”, bà Lan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Chi Lan, những chính sách dành cho khối doanh nghiệp tư nhân trong nước hiện nay vẫn chưa phù hợp, chưa tạo được động lực để doanh nghiệp tư nhân phát triển. “Nếu so sánh các doanh nghiệp lớn với nhau, phải so sánh với cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước để thấy sự vênh nhau. Trong cùng nền kinh tế mà 'không chơi' được với nhau, sẽ dẫn đến hậu quả xấu”, bà Lan nói.
Đánh giá về môi trường kinh doanh hiện nay, bà Phạm Chi Lan chỉ ra, nếu nhìn vào văn bản pháp lý thì không có sự phân biệt đối xử, nhưng thực tế sự phân biệt đối xử vẫn nặng nề, nhất là trong phân bổ nguồn lực. Nguồn lực lớn đang ở trong tay doanh nghiệp Nhà nước, do có yếu tố lịch sử. Ngoài ra, doanh nghiệp FDI dường như dễ tiếp cận nguồn lực đất đai hơn doanh nghiệp Việt Nam.
“Nếu chỉ nhìn trên văn bản pháp quy sẽ không thấy được thực tế này. Nhưng thực tế, văn bản, thông tư nhiều gấp 5 - 6 lần số nghị định, gấp hàng chục lần luật. Tuy luật là văn bản pháp quy cao nhất, nhưng nhiều quy định lại cài cắm ở thông tư. Do đó, về tố chất cần thiết phải công khai, minh bạch, công bằng, tính nhất quán, tính khả thi của chính sách… Nhiều khi những quyết sách hay, chính sách tốt đưa ra trên văn bản lại bị rơi rụng trong thực thi'”, bà Phạm Chi Lan nêu dẫn chứng.
Theo bà Lan, để giải quyết vấn đề này cần đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó tập trung vào giảm chi phí gia nhập, cải cách hành chính công, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết.