(ĐTTCO) – Sáng nay 11-10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức diễn đàn doanh nhân Việt Nam 2016 với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới chuẩn mực toàn cầu”. Diễn đàn nhằm kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13-10.
![]() |
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ đã gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Điều này khẳng định sứ mệnh của doanh nghiệp, doanh nhân trong phong trào thi đua thời gian tới là sản xuất, kinh doanh.
Cách đây 5 năm, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 09 về xây dựng phát phát huy vai trò đội ngũ doanh nghiệp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết đã khẳng định xây dựng đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh có tinh thần dân tộc, có trách nhiệm xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh là trách nhiệm của Đảng, hệ thống chính trị và doanh nghiệp, doanh nhân.
Tầm quan trọng của Nghị quyết 09 còn nằm ở việc là một trong số ít nghị quyết mà sau khi ban hành Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Trọng đã đến VCCI để truyền đạt. Nghị quyết 09 là cái “neo” lòng tin giúp cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trụ vững trước sóng gió thương trường những năm vừa qua 2011-2012 – giai đoạn đỉnh điểm khó khăn của kinh tế Việt Nam. Nghị quyết 09 là cái phao cứu sinh, giữ vững niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.
Giai đoạn 2011-2015 là thời điểm của sự dồn nén những khó khăn trong kinh doanh khi: thị trường bất động sản đóng băng, lãi suất ngân hàng tăng mạnh, chi phí sản xuất tăng nhưng giá đầu ra đặc biệt là thị trường thế giới suy giảm, tồn kho lớn, nợ xấu tăng cao, số doanh nghiệp giải thể phá sản chưa bao giờ cao như giai đoạn này. Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam có các doanh nghiệp, thương hiệu mạnh trên thế giới. Trong khi đó, yêu cầu hội nhập và tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang “ập” tới.
Những lợi thế lao động giá rẻ rẻ, vị trí địa kinh tế sẽ suy giảm dưới tác động của cách mạng công nghệ khi kinh doanh thay đổi, thương mại quốc tế đảo chiều. Những ngành từ trước đến nay vốn thâm dụng lao động sẽ quay lại châu Âu với phương thức sản xuất mới là tự động, hiện đại hóa. Điều này cho thấy các lợi thế về kinh tế như tài nguyên, lao động giá rẻ sẽ mất đi và đây là thách thức lớn với Việt Nam. Đặc biệt khi Việt Nam đã và sẽ tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đã chấp nhận hy sinh một số lĩnh vực bằng việc mở cửa thị trường, chấp nhận cạnh tranh để đổi lại sự phát triển của những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày. Ở tầm quốc gia, doanh nghiệp, sự thay đổi này cần phải có nghiên cứu thấu đáo.
Thời gian tới cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam cần phải định vị lại mình đang là yêu cầu là hết sức cấp bách và mối quan tâm hàng đầu. Công nghệ không còn thay đổi trong 10-20 năm mà chỉ 3-5 năm và doanh nghiệp sẽ phải tính toán kỹ hơn trong đầu tư. Sự thất bại của nhiều nhà sản xuất điện tử hàng đầu của châu Âu, Nhật Bản là minh chứng cho cần phải có những sự thay đổi mạnh mẽ.
“Với Việt Nam, tôi cho rằng, ngành nông nghiệp, du lịch, công nghệ cao, công nghệ thông tin là những ngành Việt Nam có tiềm năng. Đảng, Nhà nước cũng đang có định hướng vào những lĩnh vực quan trọng này. Doanh nghiệp nên tích cực nghiên cứu tìm kiếm cơ hội, tận dụng dựa trên trí tuệ con người Việt Nam và chúng ta hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp này”, ông Lộc nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lộc, việc Chính phủ ban hành các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 nhằm đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là hết sức cần thiết. Việt Nam có thể trở thành quốc gia khởi nghiệp vì tính năng động, trụ vững của doanh nghiệp thời gian qua.
“Cùng với đổi mới, cải cách đang được làm đồng bộ, hy vọng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn và doanh nghiệp sẽ chỉ phải dành thời gian cho thương trường thay vì “ngày kinh doanh, tối đi quan hệ” như hiện nay. Nếu thực hiện quyết liệt Nghị quyết 09 thì mục tiêu hướng tới 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 hoàn toàn có thể thực hiện được” - ông Lộc khẳng định.