Thậm chí nhiều trường kéo dài thêm thời hạn nghỉ học, triển khai một số môn học trực tuyến để chạy đua với tiến độ.
Đẩy mạnh tuyên truyền, khử trùng trường, lớp
Th.S Bùi Quang Trung, Trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho hay ngay ngày đi làm trở lại sau tết, toàn thể cán bộ, công nhân viên nhà trường đã được triệu tập để tập huấn về cách phòng ngừa dịch cúm nCoV, tuyên truyền cho sinh viên trên các phương tiện thông tin của trường. Song song đó, nhà trường tiến hành khử trùng phòng học, phòng làm việc; đo thân nhiệt cán bộ, sinh viên và khách đến trường, nếu có trường hợp sốt sẽ đưa vào khu vực cách ly và chuyển đến bệnh viện kiểm tra.
Tất cả cán bộ, giảng viên được đo thân nhiệt khi vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng
Tương tự, TS Phan Hồng Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết, trường đã tiến hành phun thuốc khử trùng toàn trường, ký túc xá (KTX); mua khẩu trang, dung dịch nước diệt khuẩn trang bị cho toàn trường, KTX; bố trí 1 bác sĩ, 1 y tá trực 24/24 giờ tại phòng y tế trường để ứng phó.
Còn tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã tiến hành đo thân nhiệt, phát khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch diệt khuẩn cho tất cả cán bộ, giảng viên, sinh viên khi vào trường. Riêng tại KTX, tất cả sinh viên đang lưu trú được yêu cầu đeo khẩu trang, rửa tay và có cán bộ y tế đo thân nhiệt hàng ngày.
Các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa dịch nCoV.
Trường ĐH Khoa học tự nhiên ngày 3-2 đã phun thuốc khử trùng tất cả các phòng làm việc, phòng học và nhà vệ sinh. Tại những nơi này, nhà trường cũng đặt sẵn dung dịch diệt khuẩn để sinh viên rửa tay.
Riêng tại KTX Trường ĐH Bách Khoa, bắt đầu từ chiều 2-2, KTX đã lập chốt kiểm tra y tế đối với sinh viên vào cổng, tiến hành đo thân nhiệt.
Đối với các bậc mầm non, tiểu học và trung học, công tác phòng chống dịch nCoV cũng đang ráo riết.
Ghi nhận chung tại các điểm giữ trẻ gia đình trên địa bàn quận Gò Vấp sáng 4-2 cho thấy, tất cả điểm giữ trẻ đều chấp hành nghiêm quy định tạm ngưng hoạt động 1 tuần theo chỉ đạo của UBND quận.
Ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cho biết, đã yêu cầu tạm ngưng mọi hoạt động giữ trẻ, kể cả dạy thêm, học thêm. Trường hợp phát hiện cơ sở vi phạm sẽ nghiêm túc nhắc nhở, nếu chủ nhóm lớp cố tình vi phạm sẽ bị lập biên bản xử lý theo quy định.
Tương tự, tại quận Bình Tân, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận, xác nhận trong ngày 1 và 2-2, đã nhận thuốc khử khuẩn từ Trung tâm Y tế quận Bình Tân và phát cho tất cả trường học, nhóm lớp trên địa bàn. Trong sáng 3-2, Phòng GD-ĐT quận Bình Tân đã phối hợp với UBND các phường đi kiểm tra tình hình hoạt động và vệ sinh trường lớp của các nhóm trẻ.
Lên kịch bản ứng phó dài hơi
Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh nCoV, một số cơ sở giáo dục đại học đã đưa các ứng dụng công nghệ 4.0 vào giảng dạy cho sinh viên.
Chẳng hạn, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và một số trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM đã xây dựng các bài giảng trực tuyến cho sinh viên trong thời gian không lên lớp.
Trường ĐH Mở Hà Nội, Trường ĐH Mở TPHCM cũng triển khai sử dụng học liệu điện tử và công nghệ đào tạo trực tuyến giúp sinh viên tự học. Bên cạnh đó, nhiều trường còn xây dựng các video clip tuyên truyền về triệu trứng bệnh, phương pháp phòng chống dịch lây lan, quy trình xử lý khi người thân và bản thân có triệu chứng nhiễm bệnh... kèm ghi nhận kết quả tự học cho sinh viên…
Theo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), hầu hết các cơ sở đào tạo đại học đã điều chỉnh kế hoạch đào tạo và có biện pháp tích cực ứng phó với dịch nCoV.
Trong khi đó, với học sinh ở 2 bậc THCS và THPT, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho biết, đây là giai đoạn trường học cần phát huy các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ việc tự học tại nhà cho học sinh.
Tại Trường THPT Trưng Vương (quận 1), nhà trường đã yêu cầu tất cả tổ trưởng chuyên môn rà soát kế hoạch dạy học, chủ động triển khai các hoạt động trao đổi thông tin qua internet và đề xuất với bộ phận quản lý thực hiện các công cụ học tập trực tuyến hiệu quả.
Theo đó, giáo viên bộ môn ở các khối lớp có thể tổ chức cho học sinh thực hiện bài ôn tập, kiểm tra kiến thức để duy trì thói quen lên lớp. Ngoài ra, trường cũng xây dựng trang thông tin điện tử “Vì sức khỏe cộng đồng” nhằm kịp thời thông tin tình hình dịch bệnh, cũng như các biện pháp phòng chống nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
Đặc biệt, với học sinh Trường THPT Ernst Thalmann (quận 1), thầy Phạm Thư Tùng, giáo viên bộ môn Vật lý, tổ chức hẳn nhóm học tập qua mạng xã hội Facebook.
Còn thầy Phạm Ngọc Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Nhật, bày tỏ, tùy vào tình hình dịch bệnh, mỗi trường sẽ có kế hoạch tổ chức cho học sinh ôn tập và củng cố kiến thức. Tuy nhiên, nhà giáo này cho rằng, bổ sung kiến thức là việc cần thực hiện cả đời. Vì vậy, khối lượng kiến thức, bài vở trong một tuần không phải yêu cầu quá quan trọng; thay vào đó, học sinh cần được thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng sống, đạo đức và thái độ, biết yêu thương và chia sẻ với những người xung quanh.
Tính đến ngày 4-2, đã có 55 tỉnh/thành phố báo cáo Bộ GD-ĐT về việc quyết định cho học sinh nghỉ học để phòng dịch nCoV. Ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh nCoV của Bộ GD-ĐT, cho biết, Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo các sở GD-ĐT, trường đại học thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch; kịp thời báo cáo tình hình phòng, chống dịch của địa phương, cơ sở đào tạo về Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch nCoV của Bộ GD-ĐT qua email trước 15 giờ 30 hàng ngày để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia. |
Ngày 4-2, Sở GD-ĐT TPHCM đã có văn bản gửi trưởng phòng GD-ĐT 24 quận, huyện, hiệu trưởng các trường THPT và hiệu trưởng các trường có nhiều cấp học (trong đó có cấp THPT) về hướng dẫn thực hiện điều chỉnh kế hoạch dạy học và hoạt động giáo dục học kỳ 2 năm học 2019-2020 do ảnh hưởng của dịch nCoV. Theo đó, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, Sở GD-ĐT TP đề nghị lãnh đạo các đơn vị trường học chỉ đạo, hướng dẫn các tổ bộ môn, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020 phù hợp với khung thời gian dạy học thực tế, đảm bảo tính khoa học, đúng và đủ theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình phổ thông hiện hành. Việc thực hiện dạy học có ứng dụng công nghệ thông tin cần được xây dựng khoa học và quản lý chặt chẽ theo đúng quy định và lợi ích chung của người học. Đối với học sinh nghỉ học, cách ly tại nhà do dịch bệnh, các đơn vị cần có phương án hỗ trợ, giúp học sinh đảm bảo kiến thức và kỹ năng cơ bản khi nhập học trở lại… Thời gian kiểm tra học kỳ 2 năm học 2019-2020 sẽ kéo dài từ ngày 20-4 đến 10-5-2020. |