Đổi mới mô hình tăng trưởng

Đầu năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 chấp nhận giảm bớt tốc độ tăng trưởng để đặt vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu. Tuy nhiên, cho đến nay kinh tế Việt Nam vẫn được hầu hết chuyên gia khẳng định đang trong tình trạng hết sức khó khăn và cần nhanh chóng tái cấu trúc.

Đầu năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 chấp nhận giảm bớt tốc độ tăng trưởng để đặt vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu. Tuy nhiên, cho đến nay kinh tế Việt Nam vẫn được hầu hết chuyên gia khẳng định đang trong tình trạng hết sức khó khăn và cần nhanh chóng tái cấu trúc.

Áp lực lạm phát, lãi suất và tỷ giá

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến 24-8-2011 đạt hơn 9,5 tỷ USD, bằng 73,8% cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, vốn đăng ký gần 8 tỷ USD của 582 dự án được cấp phép mới, giảm 30% về vốn và 34,2% số dự án so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy nhiều nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu lo lắng về ổn định lạm phát của Việt Nam.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ

Câu chuyện lạm phát của Việt Nam được ví von là “vô địch” và chưa thấy dấu hiệu giảm nhiệt mang tính bền vững. Lạm phát liên tục cao từ năm 2007, 9 tháng năm 2011 đang ở mức 16,63% và dự báo hết năm con số này có thể lên tới 20%. Đây được xem là mức cao nhất của châu Á (khoảng 5-6%) và xếp thứ 2 thế giới chỉ sau Venezuela. Lạm phát cao đang đẩy lãi suất lên, vượt xa lợi nhuận các DN có thể đạt được. Hậu quả là tính đến hết tháng 6-2011 đã có khoảng 3.000 DN tuyên bố ngừng hoạt động.

Để giảm bớt khó khăn cho DN, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu thực hiện chương trình kéo lãi suất cho vay xuống 17-19%/năm. Tuy nhiên, theo TS. Phạm Đỗ Chí, chuyên viên cao cấp chương trình Star Plus, thực tế “lãi suất trần cho vay” được NHNN chọn lựa cách bơm thêm thanh khoản mạnh mẽ lại tiếp tục tạo áp lực mới cho công cuộc chống lạm phát trong những tháng cuối năm 2011.

Vấn đề tỷ giá trong những tháng cuối năm 2011 đang gây nhiều áp lực. Chẳng hạn, sau nhiều tháng ổn định từ chính sách của NHNN, nay tỷ giá có dấu hiệu tăng trở lại khi nhu cầu USD trên thị trường tăng cao. Một nguyên nhân được cho là cốt lõi tính đến thời điểm này là do giá vàng trong nước cao hơn thế giới (2 triệu, thậm chí 3 triệu đồng/lượng), khiến giới đầu cơ gom USD để nhập lậu vàng, các DN cũng gom USD để nhập vàng. Ngoài ra, một số DN bắt đầu mua ngoại tệ trả trước các khoản vay bởi lo ngại tỷ giá có thể biến động vào cuối năm, khi đa số DN bắt đầu phải hoàn trả các khoản vay ngoại tệ từ đầu năm.

Theo số liệu thống kê 7 tháng năm 2011, mức chênh lệch giữa huy động và cho vay ngoại tệ đã lên tới 150.000 tỷ VNĐ, tương đương 7,3 tỷ USD. Đây là con số có thể gây áp lực rất lớn tới tỷ giá hối đoái trong những tháng tới, bởi cuối năm 2010 mức chênh lệch giữa huy động và cho vay ngoại tệ là trên 45.000 tỷ đồng, tương đương 2,3 tỷ USD nhưng đã làm cho tỷ giá trở nên rất căng thẳng và kéo dài đến quý I-2011.

Chính sách điều hành tỷ giá cũng là một trong những yếu tố làm cho lạm phát của Việt Nam cao hơn các nước. Trong một thời gian tương đối dài USD giảm mạnh trên thị trường thế giới nhưng tăng mạnh tại thị trường trong nước, đã làm cho “nhập khẩu lạm phát” bị khuếch đại (hàng nhập khẩu tính bằng USD tăng lên và khi tính ra VNĐ lại tăng lên một lần nữa). Thêm vào đó, tỷ giá VNĐ/USD còn gắn chặt chẽ với các đồng tiền khác, nên việc nhập khẩu đối với các thị trường thanh toán bằng các đồng tiền khác còn bị đắt lên, làm cho tác động “nhập khẩu lạm phát” càng lớn hơn.

Giảm tăng trưởng, minh bạch đầu tư công

Câu hỏi đặt ra là cần giảm tăng trưởng bao nhiêu để giảm lạm phát tới mức có thể chấp nhận được? Mục tiêu hướng đến của Chính phủ là lạm phát sẽ giảm dần theo từng năm. Theo đó, trong năm 2012 lạm phát sẽ ở mức dưới 2 con số và trong những năm tiếp theo chỉ khoảng 5-6%. Nhưng để làm được điều này, theo một số chuyên gia, mức tăng trưởng có thể chỉ ở con số khiêm tốn 4-5%, sau đó sẽ trở lại mức cao 7,5-8% vào năm 2014 và 2015. Bởi trong những năm qua Việt Nam đã tăng trưởng nhanh theo chiều rộng hơn là chiều sâu. Chính vì thế trong những năm tới không thể thực hiện kế hoạch tăng trưởng đã đề ra.

Bên cạnh việc đề ra một mức tăng trưởng phù hợp, chúng ta cũng cần rõ ràng hơn trong cắt giảm đầu tư công. Nói như TS. Trần Đình Thiên: “Cắt giảm đầu tư công tuyên bố mạnh nhưng triển khai chậm, không rõ ràng. Trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 cần đặt nhiệm vụ giảm tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) trong tổng đầu tư công xuống mức 30-35%, đồng thời tạo điều kiện cải cách cơ cấu chi NSNN và tăng chi thường xuyên từ NSNN. Thực tế để đáp ứng yêu cầu, nhất là yêu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Nhà nước không chỉ tăng đầu tư từ NSNN mà còn đi vay để trực tiếp đầu tư và cho vay lại, nên quy mô nợ công tăng rất mạnh trong giai đoạn 2006-2010. Tỷ trọng vốn vay trong đầu tư công đã tăng vọt từ gần 20% năm 1995-1996 lên khoảng 30% giai đoạn 1998-2003, rồi giảm xuống khoảng 15% giai đoạn 2006-2009 trước khi tăng kỷ lục 36,6% năm 2010”.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Panasonic Việt Nam.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Panasonic Việt Nam.

Một vấn đề khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm là cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nhấn mạnh: “Đẩy mạnh cải cách DNNN, đặt họ vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, loại bỏ hình thức ưu đãi bao cấp tồn tại trên thực tế, minh bạch hoạt động của DNNN theo tiêu chí của DN đăng ký trên thị trường chứng khoán. Đổi mới cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN theo hướng cơ quan hoạch định chính sách không đồng thời thực hiện chức năng chủ sở hữu DN”.

Với thực trạng nền kinh tế nước ta hiện nay, việc tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế là cấp thiết nhưng cần có lộ trình cụ thể. Trong đó, tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Cấu trúc lại đầu tư công, tái cấu trúc thị trường tài chính, thúc đẩy tái cấu trúc DN, tái cấu trúc thị trường xuất khẩu và nội địa.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đang có ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trong năm 2012 và những năm tiếp theo. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2012 có thể giảm do Hoa Kỳ chưa thoát khỏi suy thoái và châu Âu chưa thoát khỏi nợ công, Trung Quốc đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, Nhật Bản sau nhiều thiên tai chưa có dấu hiện phục hồi rõ rệt. Do xuất khẩu của Việt Nam chưa mạnh nên mức ảnh hưởng không lớn, song  vẫn chưa thoát khỏi là nước nhập siêu. Để giảm tình trạng này, nền kinh tế phải được tái cấu trúc nhằm thay đổi cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa. Bởi cơ cấu xuất nhập khẩu của một quốc gia phản ánh những đặc tính của quốc gia đó.

Các tin khác