Những kẻ luôn thể hiện sự ti tiện ở khắp mọi nơi, khiến những người xung quanh cảm thấy bị chèn ép, xem thường, nhụt chí, được gọi là những kẻ khốn kiếp. Rất nhiều nơi làm việc trên thế giới tràn ngập những kẻ khốn này vì nhiều lý do. Bản thân GS. Robert Sutton cũng đã nhiều lần chạm trán với những kẻ khó chịu này.
Từ năm 1992, khi bắt đầu làm việc tại Khoa Quản lý Khoa học và Kỹ thuật, Trường Đại học Stanford (Mỹ), GS. Robert Sutton được biết nguyên tắc “nói không với lũ khốn” áp dụng tại nơi ông làm việc. Nhờ nguyên tắc đó, cho đến tận bây giờ, khoa của ông vẫn là chốn làm việc vô cùng đoàn kết, bình đẳng.
Nhìn sang danh sách 100 nơi làm việc tốt nhất - đồng thời hoạt động hiệu quả nhất thế giới - có thể thấy hầu hết doanh nghiệp trong danh sách này cũng áp dụng, duy trì nguyên tắc “nói không với lũ khốn” trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của mình.
Hãng hàng không Southwest Airlines luôn nhấn mạnh mọi nhân viên đều được tuyển dụng và sa thải vì thái độ, nếu ứng viên thử việc cư xử thô lỗ với một tiếp viên, công ty sẽ lập tức từ chối ứng viên đó. Trong khi đó, Intel, Google thường xuyên tiến hành sàng lọc trong các khâu tuyển dụng và đánh giá hiệu suất, và những người có hành xử ti tiện không thể lọt qua được cửa ải này…
Những bằng chứng sống động cũng như sự phát triển không thể chối cãi của các doanh nghiệp này khiến GS. Robert Sutton tin tưởng rằng “nói không với lũ khốn” chính là phương pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp xây dựng văn hóa doanh nghiệp tử tế, đồng thời cũng là phương pháp kinh doanh tốt nhất dành cho các doanh nghiệp.
Và trong cuốn sách “Đối phó với những tên khốn tài ba” của mình, ông đã lần lượt phân tích cho độc giả thấy được sự phiền toái cùng mối đe dọa nghiêm trọng của những tên khốn đối với sự thành công và phát triển của doanh nghiệp.
Ông đưa ra hướng dẫn gồm 10 bước các chủ doanh nghiệp/tổ chức có thể thực hiện để loại bỏ những kẻ khó chịu khốn kiếp và tạo ra nơi làm việc mới hiệu quả, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Xuất bản lần đầu năm 2007, chỉ trong một thời gian ngắn cuốn sách Đối phó với những tên khốn tài ba đã trở thành cuốn sách best seller của các tờ báo uy tín: The New York Times, Wall Street Journal, Businessweek; và liên tục được tái bản với hơn 800.000 cuốn sách được bán ra tính đến năm 2017.
Cuốn sách cũng tạo ra các cuộc thảo luận sôi nổi tại hàng trăm ngàn doanh nghiệp/tổ chức trong và ngoài nước Mỹ, đồng thời có ảnh hưởng đáng kể trong các chiến lược tuyển dụng và sa thải nhân viên, xây dựng văn hóa doanh nghiệp của các đơn vị này.